Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dự thảo quy định hàng ‘made in Vietnam’ gây tranh cãi

Nhiều góp ý cho rằng khái niệm xuất xứ Việt Nam vẫn còn nhiều điểm cần làm rõ, đặc biệt là với nhóm hàng hóa nhập khẩu lưu thông trong nội địa.

Ngày 25/9, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết việc thiếu vắng các quy định thế nào là một sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hay hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khiến nhiều tổ chức, cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm.

Thực tế, một số mặt hàng chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn ""made in Vietnam" khiến người tiêu dùng bức xúc. Tuy vậy, việc chưa có quy định cụ thể khiến cơ quan chức năng cũng không có căn cứ để phân xử.

Đại diện VCCI cho biết khái niệm hàng hóa “xuất xứ Việt Nam” còn nhiều điều phải làm rõ. Theo đó, việc xác định nhãn mác cho hàng hoá đã có Nghị định 43 điều chỉnh, nhưng dự thảo Thông tư lần này có nói đến khái niệm “xuất xứ Việt Nam là hàng hoá Việt Nam”.

“Tức là có thể hiểu xuất xứ tại Việt Nam là hàng hoá Việt Nam hoặc hiểu ngược lại hàng hoá Việt Nam là xuất xứ Việt Nam hay không?”, đại diện VCCI đặt câu hỏi.

Vị này cũng cho hay việc hàng hoá được phép thể hiện xuất xứ Việt Nam trên nhãn mác nhưng nếu không dùng thì có được sử dụng những cụm từ “sản phẩm Việt Nam”, “chế tạo tại Việt Nam” hay không?.

Bên cạnh đó, VCCI cho rằng, những khái niệm đưa ra trong Thông tư mới chỉ quy định với hàng hoá xuất khẩu chứ không bao gồm hàng hoá lưu thông trong lãnh thổ Việt Nam.

the nao la hang made in viet nam anh 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. Ảnh: Lê Hiếu.

Lý giải điều này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Ban soạn thảo chia hàng hoá xuất khẩu và hàng hoá lưu thông trong nước khác nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng phạm vi điều chỉnh của Thông tư sẽ thống nhất cả hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu.

“Việc ghi hay không ghi nhãn hàng hoá là không bắt buộc. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá chưa chắc chắn về xuất xứ có thể dán nhãn theo hiểu biết. Còn nếu đã dán nhãn made in Vietnam thì bắt buộc phải theo những quy định trong Thông tư mới này”, Thứ trưởng khẳng định.

Trong khi đó, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, việc có quy định chính thức về hàng hóa “made in Vietnam” là cần thiết. Tuy nhiên, văn bản này chứa đựng những quy định về yêu cầu, tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được xác định là hàng hóa của Việt Nam, tức là chứa đựng những quy định về điều kiện. Theo quy định thì phải ban hành dưới hình thức nghị định thay vì thông tư của bộ trưởng.

Ngoài ra, đại diện Bộ Tư pháp cũng chỉ ra một số quy định chưa cụ thể, cần được viết lại cho rõ ràng hơn, đặc biệt là rà soát lại với Nghị định 31 tránh sự trùng lắp.

Phản hồi ý kiến này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết nhóm soạn thảo đã đề nghị để văn bản dưới dạng nghị định nhưng không được. Nguyên nhân do nghị định phải hướng dẫn từ luật, nhưng hiện nay chưa có luật nào quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Việc để dưới dạng thông tư có một số vấn đề vượt thẩm quyền và Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng về hình thức văn bản.

Thứ trưởng cũng khẳng định về cơ bản dự thảo Thông tư này được xây dựng phù hợp với các cam kết quốc tế và quy định trong nước về xuất xứ hàng hóa và sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp.

“Bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã làm từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ”, ông Khánh nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết thông tư sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu đội lốt hàng Việt Nam như thời gian qua.

Lý giải về con số tỷ lệ giá trị gia tăng 30% trở nên mới được coi là hàng hóa Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay đây là tỷ lệ chung của nhiều quốc giá nên Bộ Công Thương không đòi hỏi mức cao hơn. Trường hợp hàng hóa có giá trị gia tăng nhỏ hơn 30% sẽ không thể ghi là sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

EVN thu hơn 1.000 tỷ mỗi ngày trong nửa đầu năm

Báo cáo tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết nửa đầu năm ghi nhận 187.542 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% năm ngoái.


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm