Phòng sách Ba Lan, tổ chức của các nhà xuất bản, phát hành, đưa ra dự thảo “Đạo luật bảo vệ thị trường sách”. Hiện, tổ chức này lấy ý kiến các đơn vị hoạt động trong nền công nghiệp xuất bản Ba Lan.
Dự luật nêu sẽ cố định giá sách trong 12 tháng, cho phép người bán sách giảm giá tối đa 5% ở các điểm bán lẻ thông thường, và giảm tối đa 15% tại các hội sách.
Biển giảm giá 50% tại một cửa hàng thuộc chuỗi nhà sách Mole Mole gần thủ đô Warsaw. Ảnh: Jaroslaw Adamowski. |
Sonia Draga, Chủ tịch hội đồng Phòng sách Ba Lan, nói trên website pik rằng các đề xuất trong dự luật là kết quả của nhiều năm thảo luận. Dự thảo đầu tiên được viết vào năm 2017.
Wlodzimierz Albin, một thành viên khác của hội đồng Phòng sách Ba Lan, từng nói dự thảo đưa ra một số thay đổi đối với các quy tắc áp dụng cho thị trường xuất bản.
“Chúng tôi đang nói về một mức giá thống nhất cho các bản sách mới, do các nhà xuất bản xác định và các nhà phát hành phải tôn trọng giá bán thống nhất đó”, Albin nói.
Albin chia sẻ thêm đây không phải một điều mới lạ, vì nhiều quốc gia châu Âu đã thực hiện quy tắc này. Hiện nay, 13 quốc gia châu Âu đã cố định giá sách. Ngoài châu Âu, các quốc gia có sách được bán theo hệ thống giá cố định gồm Argentina, Nhật Bản và Mexico.
Một số nhà bán sách trực tuyến phản đối đề xuất này, khẳng định nó có thể làm giảm doanh số bán sách của Ba Lan và tước quyền tiếp cận của những độc giả không sung túc.
Piotr Sroka, Giám đốc tiếp thị của công ty bán sách trực tuyến Gandalf, lập luận việc áp dụng giá sách cố định có thể đẩy giá sách mới cao hơn, dẫn đến giảm doanh số bán hàng.
“Điều này có thể khiến độc giả chuyển sang những đầu sách cũ hơn, vì họ không thể mua được những cuốn sách mới”, Sroka nói trên Publishing Perspectives.
Sroka phân tích điều này cũng ảnh hưởng tới việc mua sách của các tổ chức công như trường học, thư viện… Nó có thể gây tình trạng không công bằng giữa các cửa hàng sách nhỏ và chuỗi cửa hàng sách lớn.
Các chuỗi cửa hàng lớn có thể được ưu đãi, vì họ có thể tác động, gây áp lực đến các nhà xuất bản; ví dụ bằng cách yêu cầu nhà xuất bản phát hành các phiên bản giới hạn của một số cuốn sách nhất định với giá thấp hơn cho chuỗi cửa hàng.
Sroka cũng nói rằng để giảm giá thành của sách, một số nhà xuất bản Ba Lan có thể chuyển sang giảm chất lượng sách của họ bằng cách sử dụng giấy rẻ hơn, gia công in ấn ở các doanh nghiệp chất lượng thấp.
Một số nhà bán sách trực tuyến khác có trụ sở tại Ba Lan cũng phản đối dự luật. Wojciech Mazia, thành viên hội đồng quản trị của hiệu sách trực tuyến Bonito, đã gửi một thư ngỏ cho khách hàng của công ty mình, trong đó kêu gọi độc giả, “những người quan tâm đến việc mua sách với giá thấp nhất có thể”, lên tiếng phản đối dự thảo luật.
Một trang bán sách trực tuyến khác, TaniaKsiazka, đã đưa ra một bản kiến nghị để chống lại đề xuất. “Chúng tôi sợ rằng cùng giá sách cao hơn, mức độ đọc sách cũng sẽ giảm xuống”, trích bài viết trên TaniaKsiazka.
TaniaKsiazka dẫn một nghiên cứu của Thư viện Quốc gia Ba Lan, gần 33% người được hỏi không có bất kỳ cuốn sách nào trong nhà của họ.