Petrolimex và PV Oil là hai nhà phân phối, bán lẻ xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất cả nước. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bộ Công Thương mới đây đã công bố dự thảo lần thứ 4 Nghị định kinh doanh xăng dầu với các đề xuất chủ yếu giúp các thương nhân đầu mối xăng dầu linh hoạt hơn trong việc định giá; hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này phản ứng nhanh hơn với điều kiện thị trường, đồng thời vẫn duy trì sự giám sát của Chính phủ với mặt hàng thiết yếu này.
Nghị định mới được xây dựng sẽ thay thế cho các Nghị định 83/2014; Nghị định 95/2021 và Nghị định 80/2023 về hoạt động kinh doanh, mua bán xăng dầu.
Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcap, thị trường trong nước hiện có hơn 30 thương nhân đầu mối xăng dầu, trong đó 2 doanh nghiệp lớn nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (HoSE: PLX) và Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (UPCoM: OIL) với hơn 63% thị phần.
Nếu tính 6 công ty lớn nhất về lĩnh vực này, hiện chiếm khoảng 79% thị phần. Con số này chưa bao gồm sản phẩm xăng dầu nhập lậu.
Trong đó, Petrolimex và PV Oil cũng là những nhà phân phối xăng dầu hoạt động hiệu quả nhất trên thị trường hiện nay, chiếm ưu thế nhờ mạng lưới cây xăng rộng khắp và sản lượng bán vượt trội.
Trong tổng cộng 17.000 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc, hiện Petrolimex sở hữu 4.790 cửa hàng, tương đương khoảng 30% điểm bán, trong khi PV Oil sở hữu khoảng 2.256 cửa hàng, chiếm 13%.
So với 2 doanh nghiệp này, Thalexim và Saigon Petro có quy mô nhỏ hơn khi lần lượt sở hữu 900 cửa hàng và 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam. Tương tự, Mipec cũng sở hữu khoảng 641 cửa hàng, chủ yếu ở khu vực phía Bắc.
So sánh sản lượng bán hàng của các thương nhân đầu mối xăng dầu. Nguồn: Vietcap. |
Về thị trường, các chuyên gia phân tích tại Vietcap dự báo mức tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 4,1% trong giai đoạn 2023-2028 nhờ số lượng phương tiện tăng đáng kể, đặc biệt là ôtô, sản phẩm vốn tiêu thụ nhiều xăng dầu hơn xe máy. Trong khi đó, thị trường xe điện (EV) Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu và chưa ảnh hưởng đáng kể đối với mức tiêu thụ xăng dầu trong ngắn hạn, ít nhất đến năm 2030.
Đánh giá về tác động của các quy định mới tại dự thảo lần thứ 4, Vietcap cho biết trong giai đoạn 2013-2014, thị trường xăng dầu ghi nhận số lượng thương nhân đầu mối tăng nhanh chóng, nhưng từ năm 2022 đến nay, số lượng này đã quay đầu giảm.
Xu hướng giảm số lượng thương nhân đầu mối xăng dầu được dự báo còn tiếp diễn trong bối cảnh cơ quan quản lý tăng cường giám sát, quản lý để thị trường hoạt động hiệu quả. Do đó, đây sẽ là cơ hội để các thương nhân đầu mối uy tín giành lại thị phần.
So sánh giữa dự thảo lần 3 và lần 4 của Nghị định mới với Nghị định hiện hành về kinh doanh xăng dầu. Nguồn: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Vietcap. |
Theo đánh giá từ đơn vị phân tích này, dự thảo lần 4 của nghị định kinh doanh xăng dầu được điều chỉnh với nhiều đề xuất mới đã giảm bớt các khâu trung gian trong hoạt động phân phối xăng dầu của các thương nhân đầu mối. Giúp các doanh nghiệp này tiết giảm đáng kể chi phí chiết khấu trong hoạt động phân phối xăng dầu.
Trong khi đó, số lượng thương nhân đầu mối giảm sẽ giúp biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của thị trường cao hơn. Các nhà phân phối yếu kém rút khỏi thị trường sẽ mang lại cơ hội cho các nhà phân phối lớn mở rộng mạng lưới kinh doanh, gia tăng thị phần.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.