Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Dự Luật rượu bia và quyết tâm cần có của Nhà nước

“Cuộc chiến” chống lại tác hại rượu bia sẽ rất lâu dài. Một thái độ cương quyết và rõ ràng từ luật pháp chắc chắn sẽ giúp rút ngắn đáng kể khoảng thời gian đó.

luat phong chong ruou bia anh 1

Dự Luật rượu bia và quyết tâm cần có của nhà nước

“Cuộc chiến” chống lại tác hại rượu bia sẽ rất lâu dài. Một thái độ cương quyết và rõ ràng từ luật pháp chắc chắn sẽ giúp rút ngắn đáng kể khoảng thời gian đó.

luat phong chong ruou bia anh 2

luat phong chong ruou bia anh 3

Nguyễn Khắc Giang

Thạc sĩ truyền thông

  • Facebook
  • LinkedIn
  • Nguyễn Khắc Giang hiện là trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (ĐH Quốc gia Hà Nội). Anh nhận bằng Thạc sĩ ngành truyền thông và Toàn cầu hóa tại Đại học Aarhus (Đan Mạch) và City University London (Vương Quốc Anh). Ngoài công việc chính, anh còn viết bình luận cho một số tờ báo uy tín trong nước và quốc tế.

Từ nhỏ, hồi mới 5 - 6 tuổi, nhiệm vụ thường xuyên của tôi là đi mua rượu cho bố và các bác, để đổi lấy 200 đồng - khoản tiền đủ mua một chiếc kem que thời đó. Lớn lên, khi đã đi học, đi làm ở xa, mỗi lần về quê có đám, tôi lại chứng kiến những đứa cháu trong vai trò "shipper" rượu của tôi khi trước. Có lẽ với nhiều người lớn việc sai vặt con trẻ đi mua rượu là rất bình thường.

Hành vi này, nếu chiếu theo quy định hiện nay của pháp luật, là sai. Từ Nghị định 105/2017/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu và cồn rượu, cho đến Nghị định tiền thân của nó là văn bản số 40/2008/NĐ-CP ra đời 10 năm trước đều nêu rõ một trong các hành vi vi phạm pháp luật là bán rượu cho người dưới 18 tuổi.

“Ai cũng làm vậy” nên mới cần cấm

Trong Dự thảo Luật Phòng chống rượu bia - vốn đang được tranh cãi nảy lửa ở nghị trường - quy định này thậm chí được đề xuất đưa vào luật. Bên ủng hộ thì cho rằng việc giám sát chặt chẽ người mua, điểm bán là cần thiết để hạn chế tác hại của rượu bia, vốn khiến mỗi quốc gia trung bình phải dành từ 1,3% đến 3,3% GDP để xử lý. Bên phản đối nhấn mạnh đến tính bất khả thi của quy định do khả năng giám sát chưa đủ, dẫn đến luật pháp bị coi thường vì không có tính răn đe.

Mỗi bên đều có cái lý của riêng mình: Tác hại của rượu bia thì có lẽ không cần phải bàn cãi, từ chi phí y tế, tai nạn giao thông, cho đến bạo lực phát sinh từ mất kiểm soát hành vi. Những con số được Tờ trình Chính phủ gửi Quốc hội đưa ra khiến chúng ta phải rùng mình: ở Việt Nam, rượu - bia được xếp vào ba nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông ở nam giới từ 15 - 49 tuổi, 30% số vụ gây rối trật tự xuất phát từ rượu bia, còn chi phí y tế trực tiếp cho các loại bệnh ung thư liên quan đến rượu - bia là hơn 1,2 tỷ USD. Rượu bia còn làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo: Những người nghèo, nhóm yếu thế (như người dân tộc thiểu số) tiêu thụ rượu gấp 3-4 lần so với nhóm khác.

Lý lẽ ai cũng làm vậy sao mà cấm được là một kiểu ngụy biện, vì việc tiêu thụ tràn lan rượu bia nên mới cần quản lý chứ không phải ngược lại.

Tuy nhiên, trong một nền văn hóa từ xưa nay đã thấm đẫm mùi rượu, từ hình ảnh các anh hùng uống rượu như nước lã cho đến việc coi “nam vô tửu như cờ vô phong”, liệu có thể hạn chế được tiêu thụ thứ sản phẩm này bằng cách siết chặt đối tượng mua và điểm bán?

Tôi sẽ nói về một ví dụ của mình. Lần đầu tiên tôi được yêu cầu xuất trình hộ chiếu kiểm tra là khi mua một chai rượu vang tại một siêu thị nhỏ ở London. Lúc đó tôi 25 tuổi, tất nhiên có đủ quyền hợp pháp để mua đồ uống có cồn, kể cả loại có nồng độ cao (ở một số nước, giới hạn tuổi để mua rượu là 18, nhưng với loại rượu mạnh, mức trần có thể sẽ là 21 tuổi). Tuy nhiên, do là người châu Á và trông khá trẻ so với tuổi, người thu ngân vẫn yêu cầu tôi phải trình hộ chiếu.

Họ có thể đã không kiểm tra nếu nghĩ tôi đã quá tuổi teen, hoặc chỉ đơn giản là phớt lờ để bán được rượu, vì quy định thường không quá chặt: chỉ yêu cầu xác minh tuổi nếu “trông” quá trẻ. Thế nhưng, tôi thấy hầu như siêu thị hay cửa hàng nào ở các quốc gia châu Âu đều rất tuân thủ. Lý do không chỉ là pháp luật được tôn trọng, mà vì mức phạt rất cao: Ở Đức, bán rượu - bia cho người dưới 18 tuổi có thể phải nộp đến 50 nghìn euro tiền phạt. Khi cân nhắc với lợi nhuận thu được từ việc bán được một ít rượu, không cửa hàng nào chấp nhận rủi ro lớn như thế.

Quy định về cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi ở nước ta cũng tương tự như vậy. Người ta tiêu thụ rượu bia nhiều - kể cả với người vị thành niên - một phần là bởi việc mua đồ có cồn quá dễ dàng. Nhưng thực tế không thể vin vào cái cớ “ai cũng làm vậy sao mà cấm được” để không siết chặt quy định của pháp luật. Lý lẽ này là một kiểu ngụy biện, vì việc tiêu thụ tràn lan rượu - bia nên mới cần quản lý, chứ không phải ngược lại. Không thể vì nhiều người lái xe sau khi uống rượu mà không cần chế tài quản lý hành vi đó.

Không cần chuẩn chỉnh 100% ngay từ đầu

Các nhà sản xuất bia rượu rất thông minh và sử dụng chính sách giá rất hiệu quả: giảm giá hoặc ưu đãi khi mua số lượng lớn. Theo một nghiên cứu của Đại học Western Australia năm 2012, trong 2 tháng, ở 5 thành phố phía Tây Australia, 2.810 quảng cáo liên quan đến rượu bia của 10 hãng đồ uống được phát sóng và các nhà sản xuất đồ uống có cồn chi hơn 15 triệu đôla Australia cho chiến dịch của mình. Hơn một nửa số đó được phát vào giờ phần lớn khán giả là trẻ em và thanh thiếu niên.

Báo cáo chỉ ra rằng những người trẻ tuổi với nguồn tài chính eo hẹp, khi thấy rượu, bia giảm giá họ sẽ không dại gì bỏ qua cơ hội tốt đấy. Và cực kỳ nguy hiểm khi khuyến mãi mua càng nhiều giá càng giảm. Thanh thiếu niên vẫn chịu sự quản thúc của gia đình, họ không muốn bố mẹ bắt gặp đang “tàng trữ” rượu bia và thế là lượng tiêu thụ một lần của các thanh thiếu niên sẽ tăng lên. Hội đồng nghiên cứu y tế và sức khỏe Australia khuyến cáo: “Người dưới 18 tuổi tốt nhất là không sử dụng đồ uống có cồn”.

Những vấn đề được luật hóa thể hiện rõ ràng quan điểm của chính quyền về quyết tâm hạn chế sử dụng bia - rượu. Từ quyết tâm đó mới chuyển hóa được thành các biện pháp có chế tài, rồi từ đó mới thay đổi được hành vi của người tiêu dùng trong dài hạn.

Luật được ra đời - nhất là trong giai đoạn đầu mới áp dụng - không nhất thiết là để áp dụng được chuẩn chỉnh 100%. Hiệu quả thực hiện phụ thuộc nhiều vào các hướng dẫn cụ thể từ nghị định và thông tư đi kèm, cùng với năng lực thực thi của bộ máy hành pháp.

Ngay cả với những quy định tưởng như dễ tuân thủ hơn, như bắt buộc dùng mũ bảo hiểm khi đi xe máy, cũng cần rất nhiều năm để hiện thực hóa. Nhưng trước hết, những vấn đề được luật hóa thể hiện rõ ràng quan điểm của chính quyền về quyết tâm hạn chế sử dụng bia - rượu, đặc biệt là giảm thiểu tác hại của chúng đến thế hệ tương lai của đất nước. Từ quyết tâm đó mới chuyển hóa được thành các biện pháp có chế tài, rồi từ đó mới thay đổi được hành vi của người tiêu dùng trong dài hạn.

Văn hóa uống rượu bám rễ của người Việt, tất nhiên, sẽ là rào cản lớn cho việc thực thi Luật phòng chống tác hại của rượu bia, vốn được dự kiến thông qua trong năm tới. Nhưng khi chưa thay đổi được văn hóa, những quy định chặt chẽ và nghiêm khắc hơn về việc mua bán và tiêu thụ sản phẩm này sẽ điều chỉnh được phần nào hành vi “uống rượu - bia có trách nhiệm”. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, nước cũng có “văn hóa rượu” như Việt Nam, hình phạt nghiêm khắc của việc lái xe sau khi uống rượu khiến hầu như tất cả các tửu khách chấp hành nghiêm chỉnh. Khoảng trống thị trường cũng khiến các cửa hàng có trách nhiệm hơn với khách, và dịch vụ “đưa xe về nhà” sau khi uống rượu phát triển nở rộ.

Các điều khoản hạn chế tiêu thụ bia - rượu như giới hạn tuổi mua và địa điểm bán như dự thảo luật, vì thế, là cần thiết. “Cuộc chiến” chống lại tác hại của những loại đồ uống có cồn này sẽ rất lâu dài, nên một thái độ cương quyết và rõ ràng từ luật pháp chắc chắn sẽ giúp rút ngắn đáng kể khoảng thời gian đó.

luat phong chong ruou bia anh 4

#VOICES là chuyên mục mới của Zing.vn, quy tụ các bài quan điểm, góc nhìn sâu về chủ đề thời sự nóng. Các bài viết hướng tới sự khác biệt, văn minh, và lập luận dựa trên dữ liệu, chứng cứ.

Nguyễn Khắc Giang

Illustration: Hà My

Bạn có thể quan tâm