Sáng mai 9/4, HĐND TP Hà Nội sẽ tổ chức kỳ họp bất thường, bao gồm việc xem xét, thông qua nghị quyết về mức hỗ trợ giá vé tháng đối với người sử dụng vận tải hành khách công cộng trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Theo tờ trình của UBND TP, thành phố dự kiến hỗ trợ 100% giá vé với người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi; 50% giá vé tháng với học sinh, sinh viên, người lao động các khu công nghiệp, người cao tuổi; 30% giá vé tháng cho người lao động tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé theo hình thức tập thể.
Hà Nội cũng đề xuất miễn phí 100% giá vé cho toàn bộ hành khách trong 15 ngày đầu khi tuyến đường sắt bắt đầu vận hành thương mại.Theo tờ trình, việc giảm giá vé cho các đối tượng ưu tiên là cần thiết, vừa giảm bớt gánh nặng đối với các hành khách khó khăn, qua đó đẩy mạnh khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện vận tải công cộng.
Dự kiến tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào vận hành cuối tháng 4. Ảnh: Việt Linh. |
Mức giá vé bình quân toàn tuyến là 10.000 đồng (cự ly 5,3 km) và ước tính số lượng hành khách ưu tiên chiếm khoảng 12% tổng số khách, Hà Nội dự kiến mức chi hỗ trợ cho hành khách sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông gần 14,5 tỷ đồng mỗi năm.
Trước đó, trả lời báo chí về vấn đề này, Tổng Giám đốc Hanoi Metro ông Vũ Hồng Trường cho biết dự kiến có ba loại giá vé áp dụng theo tháng, ngày và lượt. Nếu đi theo tháng giá vé 200.000 đồng/người; mức 30.000 đồng áp dụng cho vé ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày); giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất khoảng 7.000 đồng với quãng đường ngắn nhất.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (gồm nguồn vốn trong nước kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc).
Do bị chậm tiến độ, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức được triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).
Dự án đã được đóng điện toàn hệ thống vào cuối tháng 7/2018. Từ 20/9/2018, dự án vận hành thử toàn bộ hạng mục (gồm đoàn tàu và 11 thiết bị liên quan) và khai thác thương mại sau khi chạy thử 3-6 tháng. Tuy nhiên, đến giờ tuyến đường sắt này vẫn chưa được đưa vào vận hành.