“Nghe mọi người nhắc đến F0, mình thấy bình thường lắm. Cuộc sống cũng không có gì thay đổi so với trước dịch”, Tú Anh - du học sinh Việt Nam tại thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây - chia sẻ với Zing.
Ngày 8/1 đánh dấu sự kết thúc của hơn 1.000 ngày Trung Quốc đóng cửa hoàn toàn biên giới nhằm chiến đấu với Covid-19. Người dân có thể xuất nhập cảnh mà không phải đối mặt với những hạn chế trong đại dịch.
Đây là cơ hội để du học sinh Việt quay lại Trung Quốc hoặc du lịch ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
“Mình thấy rất vui vì việc đi lại được thuận tiện sau khi Trung Quốc tuyên bố mở cửa hoàn toàn. Khi đi du lịch, mình chỉ cần cầm theo hộ chiếu là được”, Phương Quỳnh - đang học tập tại Đại học Giao thông Bắc Kinh - nói. Cô đã lập tức đi du lịch Quảng Châu sau khi nghe tin mở cửa hoàn toàn.
Các trường đại học Trung Quốc cũng đã sẵn sàng đón sinh viên trở lại học tập sau khi kỳ nghỉ đông kết thúc.
Một cửa hàng bán đồ ăn vặt mở cửa trở lại sau khi chính quyền gỡ bỏ hạn chế phòng dịch. Ảnh: NVCC. |
Bù đắp thời gian
Sinh viên quốc tế được cho phép nhập cảnh Trung Quốc kể từ ngày 24/8/2022 nhưng phải tuân thủ các chính sách và biện pháp phòng dịch. Khi ấy, chi phí đi lại và cách ly khiến nhiều du học sinh Việt Nam còn thấy ngần ngại.
Tú Anh đã trở về Việt Nam vào tháng 1/2020 để ăn Tết. Nhưng không ngờ, Covid-19 khởi phát, khiến Trung Quốc đóng cửa biên giới. Những du học sinh như Tú Anh phải chờ đợi gần 3 năm mới có thể quay trở lại học tập trực tiếp.
“Tính ra cũng sắp tròn 3 năm kể từ ngày mình rời Trung Quốc về quê ăn Tết. Vậy nên việc quay trở lại khiến mình rất háo hức”, Tú Anh nói.
Tú Anh nhập cảnh Trung Quốc vào ngày 6/12/2022. Khi đó, chính sách cách ly của Trung Quốc đã được gỡ bỏ một phần, yêu cầu du khách nhập cảnh cách ly tập trung 5 ngày và cách ly tại nhà 3 ngày.
Du học sinh không có nhà tại Trung Quốc như Tú Anh sẽ phải cách ly toàn bộ 8 ngày tại cơ sở tập trung. Những hành khách lên xuống máy bay cũng được yêu cầu xét nghiệm PCR âm tính.
“Mình kết thúc cách ly theo chính sách của chính phủ từ ngày 15/12. Sau đó, mình tiếp tục cách ly theo chính sách của trường. Đến 30/12, mình hoàn toàn kết thúc cách ly thì phải làm visa lưu trú”, Tú Anh kể.
Đường phố Quế Lâm trở lại bình thường sau quyết định mở cửa. Ảnh: NVCC. |
Trong khi đó, Phương Quỳnh sang Trung Quốc ngay khi có thông báo cho phép sinh viên quốc tế quay lại. Quỳnh chia sẻ trước khi Trung Quốc mở cửa, cô mua vé máy bay sang Bắc Kinh mất khoảng 20 triệu đồng, chưa kể chi phí cách ly ở Việt Nam và Trung Quốc.
“Chi phí máy bay, ăn uống và cách ly hồi mình sang Trung Quốc là khoảng 50 triệu đồng, nhưng nhiều chi phí khác cộng lại khiến mình phải bỏ ra tổng cộng hơn 100 triệu đồng”, Quỳnh cho biết.
Hiện tại, các hạn chế gần như được gỡ bỏ hết tại khu vực Quỳnh sinh sống. Kể từ ngày 8/1, hành khách di chuyển bằng tàu hoặc máy bay không cần xét nghiệm âm tính hoặc cách ly.
Đây cũng là chia sẻ của Tú Anh. Cô cho biết quy định phòng dịch tại Quế Lâm không còn khắt khe như trước, nhưng mọi người vẫn duy trì thói quen đeo khẩu trang. Cô cũng không dự trữ thuốc chữa Covid-19 vì việc mua thuốc hiện tại rất dễ dàng. Cô chỉ chuẩn bị thuốc nếu đi xa hoặc phòng thân thuốc cảm cúm, dị ứng.
Dù vậy, Tú Anh vẫn chưa thể đi du lịch xa vì chưa nhận được visa lưu trú. Cô chỉ có thể đi trong thành phố. Thời tiết lạnh và mưa cũng khiến cô ngần ngại khi ra đường.
“Mình không mặn mà lắm với việc ra ngoài, chỉ đi ăn là chính. Hộ chiếu mình đã nộp cho cơ quan xuất nhập cảnh nên không thể rời thành phố để đi chơi bằng tàu được”, cô nói.
Một cửa hàng đồ ăn tại Bắc Kinh được chụp ngày 31/12/2022. Ảnh: NVCC. |
Thông thường, du học sinh sẽ nhận visa lưu trú sau 2 tuần nộp đơn, nhưng Tú Anh lo rằng sau Tết mới có thể nhận visa. Nếu nhận được visa sớm, cô dự tính đi một vài nơi trong dịp Tết.
“Các du học sinh Đông Nam Á tại Trung Quốc rất đoàn kết và thường chơi với nhau. Chúng mình ở Quế Lâm hay rủ nhau đi hái dâu. Đợt này du học sinh Việt Nam chưa sang nhiều nên mình cũng chưa rõ liệu hội du học sinh có tụ tập đón Tết hay không”, cô chia sẻ với Zing.
Phương Quỳnh có kế hoạch du lịch rõ ràng hơn. Cô cho biết mình sẽ tới Chiết Giang, Thượng Hải và Hồ Nam trong dịp Tết Nguyên đán.
Vé máy bay dễ thở hơn nhưng vẫn đắt
“So với đợt dịch, giá vé máy bay nội địa Trung Quốc và từ Trung Quốc về Việt Nam đã rẻ hơn rất nhiều”, Phương Quỳnh nói.
Dù vậy, vé máy bay dịp sát Tết vẫn đắt hơn nhiều so với các dịp khác trong năm. Lý giải, Tú Anh cho biết nhiều người Trung Quốc chọn đi máy bay về quê sau thời gian dài ở nguyên tại chỗ để chống dịch nên giá vé bị đẩy lên cao. Điều này cũng đúng với giá vé từ Trung Quốc về Việt Nam.
Cô cũng chia sẻ thêm rằng giá vé tàu điện ở Trung Quốc không thay đổi, dù trước dịch, trong dịch hay sau mở cửa.
Khu phố Nam La Cổ Hạng nổi tiếng tại Bắc Kinh. Ảnh: NVCC. |
“Mình nhập cảnh Trung Quốc tại cửa khẩu Móng Cái vào thành phố Đông Hưng, sau đó đi tàu tới Quế Lâm. Vậy nên chi phí được giảm đi rất nhiều”, cô nói.
Phương Quỳnh cho biết giá vé máy bay từ Bắc Kinh tới Quảng Châu hiện tại khoảng 1.200 tệ (khoảng 4 triệu đồng). Theo Quỳnh, giá vé này tương đối đắt so với mặt bằng chung nhưng cô chấp nhận vì muốn đi du lịch "bù đắp". Cô nói sẽ tiếp tục đi nhiều địa điểm khác trong kỳ nghỉ lễ.
Sinh viên tại Trung Quốc đang tận hưởng kỳ nghỉ đông trước khi quay trở lại trường học trực tiếp. Kỳ nghỉ của Phương Quỳnh kéo dài từ 26/12/2022 đến 17/2, trong khi Tú Anh được nghỉ đến 20/2.
Nhưng vì mới sang Trung Quốc nên cả hai chưa có kế hoạch về Việt Nam ăn Tết năm nay, một phần do giá vé máy bay vẫn còn quá cao. Tú Anh cho biết cô đang cân nhắc về Việt Nam nghỉ hè.
“Nhu cầu về quê ăn Tết của mọi người cao quá, khiến giá vé máy bay tăng theo nên mình chấp nhận ở lại. Đợi mùa hè về cũng không sao”, Tú Anh nói.
Sự bùng nổ của Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách được kết cấu thành 2 phần, bắt đầu với việc phác thảo bối cảnh lịch sử diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này.