Thương mại và quốc phòng châu Á
TPP là một hiệp định thương mại mang tính bước ngoặt và làm thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại Việt Nam và quốc tế. Ảnh: Ezlaw |
12 thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt thỏa thuận cuối cùng vào ngày 5/10 tại Atlanta (Mỹ) sau hơn 5 năm đàm phán. TPP được xem là hiệp định thương mại tham vọng nhất của thế kỷ 21 bởi thông qua thỏa thuận này, hàng rào thuế quan được nới lỏng, từ đó giảm đáng kể chi phí thương mại giữa các bên.
Tuy nhiên, thỏa thuận chỉ là bước đầu tiên bởi sau đó một văn bản TPP dự kiến được phát hành trong tháng 11. Chính phủ các nước sẽ bắt đầu xem xét và góp ý về văn bản chung này. Theo nguyên tắc, các thành viên TPP phải được sự đồng thuận của tất cả các đối tác còn lại mới được công bố bất kỳ một nội dung nào của TPP.
Trong khi đó, việc Quốc hội Nhật Bản thông qua luật quốc phòng mới sẽ thúc đẩy Tokyo đóng góp vai trò lớn hơn trong các tranh chấp và an ninh ở khu vực. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể áp dụng luật mới khi cùng Hàn Quốc và Mỹ đối phó các tình huống khủng hoảng khu vực, như viễn cảnh Triều Tiên phóng tên lửa từ nay tới cuối năm.
Nhật Bản có thể tiếp tục đàm phán với Philippines về một hiệp định cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản đóng quân ở Philippines luân phiên. Tuy nhiên, thỏa thuận này khó xảy ra trong quý IV năm 2015 do tính nhạy cảm của nó.
Trong khi đó, từ nay tới cuối năm, Trung Quốc sẽ đóng góp 8.000 quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc theo cam kết mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng nêu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9.
Đông Nam Á điều chỉnh trước sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc khiến chứng khoán châu Á trượt dốc trong thời gian qua. Ảnh minh họa: Reuters |
Trong quý IV, chính phủ các nước Đông Nam Á tập trung chủ yếu vào việc quản lý biến động kinh tế bắt nguồn từ sự suy giảm ở Trung Quốc, giá cả hàng hóa và giá năng lượng thấp. Các đồng tiền Đông Nam Á đang rớt giá mạnh nên khả năng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất đồng USD trong tháng 12 có thể không xảy ra.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến chính thức khởi động vào cuối năm 2015. Sự ra đời của AEC đặt nền móng cho quá trình hội nhập kinh tế và cơ sở hạ tầng cần thiết trong khu vực, đồng thời cách ly khu vực trước các biến động kinh tế từ Trung Quốc và Nhật Bản.
Quan hệ Nga – châu Á
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP |
Nga và Nhật Bản sẽ nỗ lực hàn gắn mối quan hệ trong quý IV bằng chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Tokyo có thể diễn ra từ nay tới cuối năm.
Hiện vẫn còn một chặng đường dài để mối quan hệ Nhật và Nga thân thiết như thời điểm năm 2013. Khi đó, hai nước đã đạt tiến bộ về Hiệp ước hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp trên quần đảo mà hai bên đều tuyên bố chủ quyền kể từ khi Thế chiến II kết thúc.
Việc Mỹ vẫn gây áp lực kinh tế đối với Nga khiến Nhật Bản khó có thể giảm các lệnh trừng phạt của riêng họ nhằm vào Moscow. Đặc biệt khi Tokyo vẫn không thể chấp nhận về mặt chính trị trước các điều khoản của Nga đối với thỏa thuận hòa bình sau Thế chiến II.
Những bất đồng chính trị trong mối quan hệ Nga – Nhật sẽ làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế giữa hai nước. Trong khi đó, Moscow sẽ tiếp tục thảo luận với Trung Quốc về đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia”. Dự kiến, đường ống này sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga từ Đông Siberia tới châu Á. Tuy nhiên, các nhà quan sát không kỳ vọng hai nước sẽ có đột phá về giá cả từ nay tới cuối năm.
Mỹ - Nga ở Syria và cuộc chiến chống IS
Hiện trường một cuộc không kích IS do Không quân Nga thực hiện tại Syria. Ảnh: Guardian |
Đầu năm 2015, Trung tâm nghiên cứu dự báo chiến lược Stratfor tại thành phố Austin, bang Texas (Mỹ) dự đoán Nga sẽ biến mình thành trung gian hòa giải trong cuộc xung đột ở Syria nhằm tiến tới đàm phán với Washington.
Tuy nhiên, sự hiện diện của Nga ở Syria sẽ có chừng mực. Mục tiêu chính trị của Moscow là bảo vệ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thiết lập sự hiện diện lâu dài ở phía đông Địa Trung Hải, duy trì mối quan hệ với Iran và cuối cùng là lôi kéo Mỹ vào một cuộc đối thoại chiến lược.
Bằng cách duy trì căn cứ hải quân ở cảng Tartus, phía nam Latakia của Syria, Nga có thể hỗ trợ chính quyền Assad và làm suy yếu phe đối lập, đồng thời tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy một đề xuất hòa bình tại quốc gia Trung Đông.
Tuy nhiên, đề xuất này có thể không đạt được từ nay tới cuối năm khi các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Saudi Arabia, Qatar và Jordan đều không tin vào ý định của Nga ở Syria. Họ cảm thấy cần đẩy mạnh hỗ trợ quân nổi dậy để tái cân bằng thực địa ở Syria sau khi Moscow tăng cường ủng hộ chính quyền Assad.
Trong khi đó, Mỹ giữ khoảng cách an toàn trước cuộc chiến tại Syria để tập trung lực lượng ngoại giao và địa chính trị ở những nơi khác. Washington sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác liên minh để tăng tiếng vang từ các cuộc không kích tại Syria, đồng thời đào tạo và trang bị vũ khí cho quân nổi dậy.
Việc Nga tham gia chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria khiến nhóm khủng bố phải thay đổi tính toán. Trong quá khứ, mục tiêu chính của lực lượng này là Mỹ và phương Tây nhưng hiện tại, Moscow cũng sẽ trở thành kẻ thù của phiến quân Hồi giáo cực đoan. Trong tương lai gần, chúng có thể nghĩ ra những phương pháp hành quyết man rợ hơn nhằm tăng khả năng răn đe với thế giới.
Ngoài ra, IS có thể tấn công trực diện nước Nga để phát động một cuộc thánh chiến.
Nhiều chuyên gia về Trung Đông từng nhận định Tổng thống Assad sẽ bị lật đổ và đế chế của ông không thể tồn tại. Tuy nhiên, Tổng thống Assad vẫn là lãnh đạo hợp pháp của Syria. Kết hợp với sự giúp đỡ của Nga, các thế lực còn lại dường như không thể lật đổ chính phủ Syria.
Tình hình Syria hiện nay tạo ra một mớ bòng bong thực sự. Nếu không bên nào giành chiến thắng áp đảo, các lực lượng sẽ phải miễn cưỡng ngồi vào bàn đàm phán. Trái với Moscow, ảnh hưởng của Washington ngày càng suy giảm trong vấn đề Syria.
Khủng hoảng nhập cư châu Âu
Nhóm người nhập cư bỏ chạy từ làng Hegyeshalom ở Hungary về phía biên giới Áo. Ảnh: Reuters |
Người tị nạn tiếp tục là vấn đề đối với châu Âu trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, việc các quốc gia châu Âu tăng cường kiểm soát vùng biên giới trên bộ và trên biển cùng thời tiết lạnh giá sẽ tạm thời giảm dòng người di cư vào lục địa. Trong 3 tháng cuối năm, châu Âu sẽ tập trung vào các biện pháp ngăn dòng người di cư trái phép, đặc biệt bằng cách hợp tác với các nước Trung Đông và châu Phi.
Tuy nhiên, những nỗ lực của châu Âu nhằm ngăn dòng người di cư ồ ạt sẽ chỉ đạt thành công khiêm tốn, theo Business Insider. Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng viện trợ cho các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi. Điều này chỉ đưa tới một kết quả hạn chế bởi một số nước như Libya không có chính phủ trung ương để đàm phán với EU.
Hải quân của EU tại Địa Trung Hải sẽ bắt đầu tìm kiếm và bắt giữ các tàu thuyền di chuyển trong vùng biển quốc tế. Việc này sẽ tăng nguy cơ đụng độ giữa lực lượng châu Âu và các nhóm buôn người. Ngoài ra, các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon có các rào cản pháp lý. Đây là vấn đề trở ngại đối với những người nhập cư, khiến họ tiếp tục đổ dồn tới các nước châu Âu khác để sinh sống.
Dưới áp lực từ các nhóm bảo thủ, Đức sẽ cứng rắn hơn về vấn đề tị nạn. Do vậy, nhóm người tị nạn sẽ khó tiếp cận với lợi ích của họ.
Những tháng cuối năm, hoạt động kiểm soát đường biên giới theo định kỳ sẽ vẫn được duy trì khắp châu Âu nhằm ngăn dòng người nhập cư.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức phức tạp và lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Ảnh minh họa: Business Insider |
Tháng 12 tới, hơn 90 quốc gia sẽ cử đại diện tới Paris (Pháp) tham dự Hội nghị chống biến đổi khí hậu 2015. Các nước hy vọng đạt một thỏa thuận pháp lý chung về tiêu chuẩn môi trường và chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính nhằm chống lại các tác động của biến đổi khí hậu.
Dù đây có thể là thỏa thuận lớn nhất giữa các nước nhằm đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu kể từ Nghị định thư Kyoto năm 1997, nhiều người còn hoài nghi về khả năng thực thi của nó.
Mỹ và EU đã chọn các biện pháp quyết liệt hơn nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. EU nâng mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính lên 40% trước năm 2030 so với mức phát thải năm 1990. Mỹ đặt mục tiêu cắt giảm này từ 26% năm 2005 lên 28% năm 2030. Đa số các nước đang phát triển được chọn để thiết lập mục tiêu về cường độ phát thải, tức mức độ tiêu thụ năng lượng theo đơn vị GDP.
Theo nhận định của các chuyên gia, liệu các nước tham dự Hội nghị Paris 2015 sẽ nhất trí về một thỏa thuận chung như Pháp và Bỉ hy vọng hay không vẫn là một câu hỏi mở bởi vẫn có những ý kiến trái chiều từ Mỹ và Trung Quốc. Như vậy, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn sẽ là một trong những thách thức phức tạp và lớn nhất mà thế giới phải đối mặt.