Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dự báo GDP tăng kỷ lục có giúp ông Trump giành lại lợi thế?

Báo cáo GDP quý III của Mỹ dự báo con số tăng trưởng kỷ lục. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý của các cử tri trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tuần tới, Mỹ sẽ công bố báo cáo GDP quý III - được dự báo chưa có trong tiền lệ - phản ánh mức tăng không tưởng: 30% hoặc hơn. Con số ấn tượng trên sẽ được công bố trong bối cảnh nước Mỹ đang chìm trong suy thoái, với 12,5 triệu người thất nghiệp.

Bất chấp mâu thuẫn trên, báo cáo được cho là xuất hiện vào thời điểm có lợi cho Tổng thống Trump. Được công bố vào ngày 29/10 - chỉ 5 ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Kết quả của báo cáo được cho là sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các lá phiếu của đại cử tri.

"Dù báo cáo này gần như vô nghĩa, nó vẫn giúp ông Trump có thêm chút lợi thế", CNBC dẫn lời ông Steve Blitz, nhà kinh tế trưởng tại TS Lombard, nhận định. “Ngài ấy sẽ khẳng định nền kinh tế Mỹ tăng trưởng đúng như dự đoán, phục hồi theo hình chữ V và sẽ tiếp tục tăng lên”, ông nói thêm.

GDP My tang ky luc anh 1

Ông Trump tham gia vận động tranh cử tại Arizona hôm 19/10. Ảnh: CNBC.

Tuy nhiên, số liệu phản ánh trên báo cáo cũng chỉ mang tính tương đối. Theo CNBC, Bộ Thương mại Mỹ tính toán GDP bằng cách so sánh với quý trước rồi điều chỉnh về cơ sở hàng năm. Do đó, việc FED Atlanta dự báo GDP quý III của Mỹ sẽ tăng 35% trên nền giảm 31,4% trong quý II là điều rất dễ hiểu.

Tuy nhiên, con số trên cũng cho thấy nhiều thành tựu đáng ghi nhận của nền kinh tế số một thế giới. Nước Mỹ đã lấy lại 4 triệu việc làm trong quý III, sau khi tạo thêm 7,5 triệu việc làm trong tháng 5 và 6. Doanh số bán nhà và niềm tin xây dựng cũng đạt mức ấn tượng, với mức tăng 1,9% trong tháng 9, vượt dự báo của Phố Wall.

Bên cạnh đó, giới lãnh đạo doanh nghiệp cũng lạc quan hơn. Chỉ số CEO Confidence của Conference Board - thước đo mức độ lạc quan của các lãnh đạo công ty - tăng từ 45 lên 64 trong tháng 9.

Trong khi đó, 70% trong số họ cho biết tình hình kinh doanh khởi sắc hơn hồi nửa đầu năm - so với 8% vào đầu quý III. 64% dự đoán nền kinh tế sẽ cải thiện trong 6 tháng tới, trong khi 15% cho rằng tình hình sẽ xấu đi.

"Các CEO đang bước vào quý cuối cùng với tâm lý lạc quan hơn hồi đầu năm", CNBC dẫn lời ông Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng tại The Conference Board, nhận xét. “Đáng chú ý là tình trạng thiếu hụt nhân tài đã được cải thiện sau dịch Covid-19, song vẫn còn nhiều bất ổn cho tới năm sau”, ông lưu ý.

Điều gì sẽ xảy ra sau những con số đầy ấn tượng của quý III? Thực tế, không ai nghĩ rằng Mỹ sẽ duy trì được đà tăng đó, và quan trọng là nền kinh tế mất bao lâu để quay lại trạng thái bình thường.

Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thì liên tục khẳng định sức khỏe của nền kinh tế Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của dịch Covid-19. FED dự báo GDP năm nay của Mỹ giảm 3,7%, mức lao dốc mạnh nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Tuy nhiên, tổ chức này lại đặt niềm tin vào mức tăng 4% trong năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 2000.

Sự chênh lệch giữa hai kết quả trên sẽ dẫn tới mâu thuẫn trong cam kết của Tổng thống Trump về một nền kinh tế hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch. Tuy vậy, tăng trưởng vẫn có thể bứt phá nếu dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát và vaccine được phân phối rộng rãi. Quốc hội khi đó cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế.

GDP My tang ky luc anh 2

Người Mỹ xếp hàng xin trợ cấp thất nghiệp vì dịch Covid-19. Ảnh: CNN.

"Trên giấy tờ, số liệu GDP quý III có vẻ rất đẹp. Nhưng tôi cho rằng nó chỉ là tấm bình phong cho sự yếu kém bên dưới", Deepak Puri, một lãnh đạo tại Deutsche Bank Wealth Management, nhận định. “Nhìn rộng ra, có rất nhiều lĩnh vực còn phải chật vật để sống sót - chưa tính đến nhiều bộ phận đã bị tàn phá nghiêm trọng vì Covid-19”, ông giải thích.

Dưới góc độ của một nhà đầu tư, ông Puri cho biết sự thiếu chắc chắn về tương lai, trong đó có cả yếu tố chính trị, khiến Deutsche Bank khuyên nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu Mỹ trong danh mục. Ngoài ra, những bất ổn pháp lý khác và chính sách thuế của đảng Dân chủ trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử cũng khiến họ thận trọng.

Tuy nhiên, khi nhìn vào mặt tốt, dự báo chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tăng lên cũng mang lại lợi ích cho nhiều ngành. "Kết quả nào cũng có có rủi ro và lợi ích riêng, nhưng nó nghiêng về lĩnh vực cụ thể hơn", ông Puri nói.

Trong khi đó, ông Blitz cho rằng "các con số ấn tượng như dự báo nằm trong giả thiết không có thiệt hại vĩnh viễn lên nền kinh tế".

“Công bằng mà nói, 3 năm nữa sẽ là một chương mới trong lịch sử nước Mỹ. Nhưng nó không phải ngày mai, tuần tới hay tháng tới. Một năm, hoặc hai năm? Tôi không biết và cũng không dám đoán trước”, ông nói thêm.

Hương Giang

Theo CNBC

Bạn có thể quan tâm