Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đỉnh cao và vực sâu kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo Wall Street Journal, có hai nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, một phát triển ổn định, một trượt xuống đáy sâu suy thoái vì dịch Covid-19.

Nền kinh tế đầu tiên tồn tại tới tháng 3 năm nay và đạt nhiều cột mốc lớn về việc làm, thu nhập và sự sôi động của thị trường chứng khoán. Đó có thể không phải là "nền kinh tế Mỹ vĩ đại nhất từ trước đến nay" như ông Trump khẳng định, nhưng có một điều chắc chắn là cuộc sống của hàng triệu người dân Mỹ đã được cải thiện.

Nền kinh tế thứ hai hình thành khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ và là một nền kinh tế vô cùng tồi tệ. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng (thập niên 1930). Sự phục hồi diễn ra yếu ớt và chậm chạp bởi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành tại Mỹ.

Hai nền kinh tế đó sẽ có ảnh hưởng quyết định tới lá phiếu của các cử tri Mỹ trong ngày bầu cử tổng thống 3/11. Với Tổng thống Trump, thách thức là rất lớn. Hàng loạt thành tựu nền kinh tế Mỹ đầu tiên đạt được đã bị xóa sạch trong nền kinh tế thứ hai.

kinh te My duoi thoi Trump anh 1

New York vắng vẻ do dịch Covid-19. Ảnh: Guardian.

"Tốt" hay "tệ"?

Theo Wall Street Journal, không thể đưa ra một phán quyết đơn giản kiểu "tốt" hay "tệ" về thành tích kinh tế của ông Trump. Những người phản đối nói chính sách thuế của ông chỉ có lợi cho giới nhà giàu, nhưng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Mỹ thực sự co lại. Các nhóm thiểu số hưởng lợi lớn trong 3 năm đầu ông Trump cầm quyền. Nhưng chính họ lại là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong 7 tháng qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Những người ủng hộ ca ngợi tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2017-2019. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ không đạt tới con số ông Trump cam kết. Giai đoạn tăng trưởng kinh tế tính đến tháng 3 năm nay là đợt tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, nhưng ông Trump phải chia sẻ thành tựu này với cựu Tổng thống Barack Obama.

Theo khảo sát của Wall Street Journal NBC News sau cuộc tranh luận giữa ông Trump và đối thủ Joe Biden hôm 29/9, tổng thống Mỹ được đánh giá cao hơn ứng viên đảng Dân chủ về năng lực điều hành nền kinh tế. Khảo sát của Gallup cũng cho thấy 56% người Mỹ nói rằng họ sống khá giả hơn 4 năm trước.

kinh te My duoi thoi Trump anh 2

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ dưới thời Tổng thống Trump thấp hơn so với dự báo của FED. Tuy nhiên, tình hình thay đổi hoàn toàn trong năm 2020. Ảnh: WSJ.

Tuy nhiên, cũng chính trong cuộc khảo sát này, ông Biden lại giành được nhiều điểm hơn ông Trump về khả năng đối phó với đại dịch Covid-19. Mà virus corona chủng mới có nguồn gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc) lại chính là "thủ phạm" đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trầm trọng.

Nhà Trắng kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi theo hình chữ V (suy thoái đột ngột và phục hồi nhanh). Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sẽ phục hồi theo hình chữ K, có nghĩa là chỉ giới nhà giàu hưởng lợi, trong khi tầng lớp trung lưu tiếp tục đối mặt với vô số khó khăn.

Sau khi ông Trump đắc cử hồi năm 2016, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm nhẹ từ 4,7% xuống 4,5% và ổn định ở mức này trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ giảm xuống còn 3,5%.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, các bang tại Mỹ buộc phải áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội. Gần như mọi thành tích kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump trong 3 năm trước bị xóa sổ. Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tăng vọt lên tới 14,7% ngay trong tháng 4.

Đến tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 7,9%, tốt hơn so với mức mà FED dự báo. Tuy nhiên, triển vọng của thị trường lao động Mỹ là vẫn rất mờ mịt khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. Trong tháng 9, số người lao động thất nghiệp tại Mỹ nhiều hơn 5 triệu so với thời điểm ông Trump mới nhậm chức.

Tăng trưởng GDP so với thời ông Obama

Nền kinh tế Mỹ bắt đầu tăng trưởng trở lại từ giữa năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng là tương đối chậm chạp. Ông Trump tuyên bố sẽ thay đổi tình thế. Trong kế hoạch ngân sách đầu tiên hồi năm 2017, chính quyền Tổng thống Trump dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tăng lên 3% vào năm 2020.

Tăng trưởng GDP Mỹ dưới thời ông Trump có sự tiến triển, nhưng không như ông kỳ vọng. Dưới thời ông Obama, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 2,25%. Con số này nhích lên mức 2,5% trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, theo Bộ Thương mại Mỹ.

Một trong những động lực tăng trưởng quan trọng dưới thời ông Trump là chi tiêu công. Chi tiêu công dưới thời ông Trump tăng nhanh hơn thời ông Obama, kể cả trước khi dịch Covid-19 bùng lên. Phần lớn dành cho quốc phòng. Theo WSJ, nếu loại trừ tác động của chi tiêu công, tăng trưởng GDP thời ông Trump chỉ ngang với thời ông Obama.

Chính sách cắt giảm thuế của ông Trump và những biện pháp hạn chế sự quản lý của chính phủ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân và nâng cao sản lượng kinh tế. Trước dịch Covid-19, hiệu quả của các chương trình này là không rõ ràng. Sản lượng kinh tế tăng nhưng không đạt mức cao như thập niên 1960, cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000.

kinh te My duoi thoi Trump anh 3

Tăng trưởng kinh tế Mỹ dưới thời ông Trump và ông Obama là tương đương nhau. Ảnh: WSJ.

Đầu tư cũng không tăng trưởng ổn định. Đầu tư kinh doanh tăng vào cuối năm 2017 sau khi chính quyền Tổng thống Trump cắt giảm thuế, nhưng sụt giảm khi ông chủ Nhà Trắng đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Như vậy, tổng đầu tư kinh doanh thời ông Trump chậm hơn một chút so với thời ông Obama.

Bất chấp các gói kích thích kinh tế, tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ của Mỹ tính đến mùa hè chỉ đạt 19.500 tỷ USD, ít hơn 1.900 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Theo khảo sát của WSJ, đa số chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ chỉ hoạt động hết công suất vào cuối năm 2021 hoặc sau đó.

Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ tăng, bất bình đẳng giảm và tỷ lệ nghèo đói trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi sụt xuống dưới 20%, thấp nhất từ sau Thế chiến thứ II. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người này cũng chưa đến 6%, thấp nhất kể từ năm 1972.

Ông Trump và các trợ lý coi đây là thành tích kinh tế đáng tự hào nhất. Trên thực tế, xu thế này bắt đầu từ nhiệm kỳ hai của ông Obama. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng nổ, nhóm lao động thiểu số và tay nghề thấp là đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên khi các công ty đóng cửa, sa thải nhân viên. Tới tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp của người da màu tăng lên mức 12,1%.

Nợ nhiều nhất thế giới

Chính sách thương mại của Tổng thống Trump - bao gồm thuế nhập khẩu - nhằm hỗ trợ giới công nhân sản xuất. Trong giai đoạn 1979-2009, ngành sản xuất Mỹ mất khoảng 8 triệu việc làm, tương đương hơn một nửa số lao động toàn ngành. Số lượng việc làm ngành sản xuất tăng nhẹ từ năm 2010 và tiếp tục tăng dưới thời Tổng thống Trump.

Dù vậy, khi dịch Covid-19 ập tới, số lượng việc làm trong ngành sản xuất lao dốc xuống mức tương đương thời thập niên 1940. Chính sách thương mại của ông Trump không khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đưa nhà máy từ Trung Quốc về nước. Lý do là chi phí lao động tại Mỹ quá cao trong khi phần lớn chuỗi cung ứng nằm ở châu Á.

Tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ chậm lại từ năm 2018 khi ông Trump khởi xướng cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc. Thâm hụt thương mại Mỹ tăng từ 481 tỷ USD năm 2016 lên 577 tỷ USD trong năm 2019. Thâm hụt ngày càng trầm trọng khi dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Trump nói rằng ông đã phản ứng quyết liệt với đại dịch bằng cách biện pháp như đóng cửa với Trung Quốc, phân phối máy thở cho các bang và thông qua gói giải cứu hàng nghìn tỷ USD. Phản ứng lại, các đối thủ khẳng định ông Trump hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, để các bang tự xoay sở và chỉ thông qua được gói giải cứu nhờ đảng Dân chủ.

kinh te My duoi thoi Trump anh 4

GDP Mỹ sẽ sụt giảm 4,3% trong năm 2020, theo dự báo của IMF. Ảnh: WSJ.

Đảng Cộng hòa chỉ trích thống đốc các bang do đảng Dân chủ nắm quyền rằng việc đóng cửa để chống dịch quá lâu sẽ làm tổn thương nền kinh tế. Ngược lại, phe Dân chủ lập luận rằng kinh tế Mỹ sẽ không thể hồi phục hoàn toàn nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Một cách tốt nhất để đánh giá thành tích kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh là so sánh với các quốc gia khác. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng của hầu hết nền kinh tế lớn trên thế giới đều sụt giảm đáng kể trong năm nay, ngoại trừ Trung Quốc.

IMF dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ lao dốc khoảng 4,3%, tương đương mức giảm của toàn cầu. Nền kinh tế Mỹ sẽ hoạt động tốt hơn một số đối thủ lớn như Đức, Nhật Bản và Canada, nhưng sẽ thua kém một số nền kinh tế như Hàn Quốc, Australia và Đài Loan.

IMF cũng cho biết Mỹ sẽ là quốc gia nợ nhiều nhất thế giới trong năm 2020. Nợ liên bang tăng thêm 5.600 tỷ dưới thời Tổng thống Trump, nhanh hơn mức tăng dưới thời cựu Tổng thống Obama. Các nhà kinh tế cho rằng núi nợ khổng lồ sẽ hạn chế khả năng đầu tư của nước Mỹ trong tương lai, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng.

Nền kinh tế Mỹ dưới thời ông Obama và Tổng thống Trump

Chuyên gia Mỹ xem xét nền kinh tế dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama sau cuộc khủng hoảng tài chính và chính quyền Tổng thống Donald Trump trước dịch Covid-19.

Nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump

So với nền kinh tế Mỹ dưới thời các tổng thống trước đây, nền kinh tế của ông Trump trải qua biến động mạnh về tỷ lệ thất nghiệp, thị trường chứng khoán và mức lương trung bình.

Hương Giang

Bạn có thể quan tâm