Sáng 26/2, bên lề Hội thảo khoa học Nắm vững công nghệ và kiến thức để đáp ứng những thách thức trong kỷ nguyên mới của dự báo bão, do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đăng cai tổ chức, ông Raymond Tanabe, Giám đốc Trung tâm Dự báo khu vực Thái Bình Dương khẳng định dự báo cường độ bão đã, đang và sẽ là bài toán khó với ngành khí tượng thế giới.
"Không chỉ Việt Nam, các nước có nền công nghệ hiện đại như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gặp trở ngại này trong nhiều năm qua", ông Raymond Tanabe khẳng định. Vị này cho biết các cơ quan khí tượng trên thế giới mới chỉ đạt kết quả tốt dự báo vị trí, thời gian đổ bộ của bão. Dự báo cường độ bão hầu như chưa có tiến triển.
Ông Raymond Tanabe, Giám đốc Trung tâm Dự báo khu vực Thái Bình Dương, khẳng định các nước mới chỉ làm tốt dự báo vị trí, thời gian đổ bộ của bão. Ảnh: Trà My. |
Bên cạnh đó, theo ông Raymond, các nước đã nỗ lực cải tiến công nghệ, tăng cường số liệu qua giám sát bằng máy bay để cải thiện độ chính xác. "Do vậy, thuận lợi là chúng ta có số liệu đầy đủ nên dự báo tốt hơn. Cùng sự hợp tác không biên giới giữa các nước, chúng ta có thể chia sẻ số liệu với nhau", ông nhấn mạnh.
Về công nghệ dự báo bão trên thế giới, ông Raymond nhìn nhận kết quả dự báo khá quan trọng, nhưng điều đáng lưu ý là khâu kết nối, truyền tải thông tin tới người dân đầy đủ, chính xác.
Chia sẻ về trình độ, công nghệ dự báo của Việt Nam, ông Trần Hồng Thái, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết công tác dự báo của nước ta hiện còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại khoảng cách với trình độ của khu vực và quốc tế. Hệ thống quan trắc còn thưa thớt, công nghệ lạc hậu, khiến quá trình tiếp nhận số liệu chậm trễ, thiếu chính xác.
"Tất nhiên, chúng ta mới tập trung đầu tư trong những năm gần đây, nên đang cố gắng, xây dựng công nghệ phù hợp, tiên tiến", ông Thái nói.
Ông Trần Hồng Thái, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia. Ảnh: Trà My. |
Ngoài ra, vị này khẳng định từ việc tiếp nhận hỗ trợ của các nước phát triển, Việt Nam sẽ tham gia những vai trò lớn hơn, hợp tác chuyển giao công nghệ với các nước Lào, Campuchia.
Ông Raymond Tanabe, Giám đốc Trung tâm Dự báo khu vực Thái Bình Dương cho rằng khoảng cách giữa các trạm quan trắc phụ thuộc vào địa hình của mỗi quốc gia. Quốc gia có nhiều đồi núi thì số lượng trạm quan trắc sẽ nhiều hơn, bởi thời tiết ở đỉnh núi và chân núi có sự khác biệt. Ngược lại, quốc gia có địa hình bằng phẳng thì cần ít trạm quan trắc hơn.
Tại châu Á, các cơn bão thường đổ bộ vào đất liền từ biển. "Khi bão đổ bộ, chúng ta thường dùng các máy bay nhỏ để đưa các thiết bị quan sát hoặc sử dụng các vệ tinh để thu thập thông tin", ông nói.
Ông Raymond khẳng định trạm quan trắc có vai trò quan trọng, bởi nếu quan trắc tốt thì sẽ đưa ra dự báo chính xác, hiệu quả.