Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Khi mẹ thiên nhiên giương cao 'chiếc roi tử thần'

Năm 2017, thiên tai xác lập những kỷ lục buồn trên cả nước khi làm 325 người chết, 61 người mất tích, thiệt hại về tài sản trên 60.000 tỷ đồng.

Thien tai nam 2017 anh 1Thien tai nam 2017 anh 2

Thien tai nam 2017 anh 3

Trái ngược với cảnh đường phố nhộn nhịp, đông đúc đêm Giáng sinh, phòng tác nghiệp ở tòa nhà số 8 phố Pháo Đài Láng, Hà Nội vẫn lặng lẽ sáng đèn. Bảy con người cần mẫn làm việc trong căn phòng rộng chừng 80 m2. Chốc chốc, qua khung cửa kính, họ bắt gặp những đoàn người vội vã trở về nhà sau đêm vui chơi Noel.

Đó là những dự báo viên của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đang căng mình theo sát hướng di chuyển của bão Tembin, cơn bão thứ 16 trên Biển Đông trong năm 2017. Áp lực chồng chất, song, đôi lúc họ không quên động viên nhau: “Lẽ ra, giờ phải ngồi làm tổng kết năm rồi ấy nhỉ. Cơn Tembin này bất thường quá”.

Thien tai nam 2017 anh 4

Âm thầm kê băng ghế dài ở một góc phòng, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn ngắn Trần Quang Năng tranh thủ ngả lưng sau gần 24 giờ làm việc liên tục. Anh chợp mắt được vài phút thì điện thoại liên tục đổ chuông. Bên kia đầu dây khi là chỉ đạo của cấp trên, lúc là câu hỏi của cán bộ địa phương về tình hình cơn bão khả năng uy hiếp Nam Bộ…

Rạng sáng ngày 25/12, chiến sĩ tại đảo Trường Sa Lớn, quần đảo Trường Sa tất bật chống chọi với bão Tembin. Họ như đấu trí, đấu lực với sức mạnh của bão số 16. Trong đất liền, những người mẹ, người vợ, người thân của các anh đang thấp thỏm, ngóng tin từng giờ.

Tại nhà giàn DK1, thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, cho biết: "Bão 16 có sức tàn phá khủng khiếp, mạnh nhất trong lịch sử, trùm qua nhà giàn cũ. Cán bộ chiến sĩ an toàn tuyệt đối, lại lo cho đất liền".

Theo thượng tá Dĩnh, bão Tembin có sóng to khủng khiếp, có cơn cao 12 đến 15 m, ngọn sóng gặp nhà giàn vọt gần 30 m, gió giật cấp 14, 15. "Các nhà giàn cả cũ và mới vẫn hiên ngang sừng sững giữ chủ quyền. Bão Tembin dã man nhưng không đánh được lòng kiêu hãnh của chúng tôi", thượng tá Dĩnh chia sẻ.

Thien tai nam 2017 anh 5

Sẽ không phóng đại khi nhận định rằng bão số 16 – Tembin là cơn bão “vô tiền khoáng hậu”. Thông thường các năm, mùa bão bắt đầu từ tháng 6, kết thúc vào cuối tháng 11, nửa đầu tháng 12.

Thien tai nam 2017 anh 6

Tuy nhiên, khi năm 2017 đang dần khép lại, bão Tembin bất ngờ đi vào Biển Đông. Ngày 23/12 đánh dấu một “cột mốc” mới trong ngành dự báo khí tượng Việt Nam. Lần đầu tiên, các dự báo viên phải đặt tên “Bão số 16”.

Thống kê của cơ quan khí tượng cho thấy sau hơn 40 năm, Việt Nam mới xuất hiện cơn bão mạnh như Tembin vào dịp cuối năm. Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phân tích: "Theo quy luật, cứ 10 năm sẽ xuất hiện một cơn bão mạnh vào cuối mùa. Nhưng chúng tôi chưa ghi nhận cơn nào có cường độ mạnh như bão Tembin”.

"Theo số liệu quan trắc tại quần đảo Trường Sa vào ngày 24/12, bão Tembin đạt đỉnh mạnh cấp 11-13, giật cấp 14-15. Không chỉ những người làm công tác dự báo ở Việt Nam mà cả các đài khí tượng trên thế giới cũng gặp khó khăn khi dự báo cơn bão này", tiến sĩ Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nói. 

Từ trưa 25/12, bão dần suy yếu và di chuyển lệch xuống phía nam. Sáng sớm 26/12, sau khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, bão Tembin tan trên vùng biển Cà Mau. 

Lịch sử bão Linda năm 1997 không lặp lại, người dân Nam Bộ thở phào nhẹ nhõm.

Thien tai nam 2017 anh 7

Abhijit Naskar, chuyên gia tâm lý học hàng đầu thế giới, từng thốt lên rằng: “Một khi mẹ thiên nhiên nổi giận, thì Chúa cũng phải im lặng”.

“Năm 2017, nhiều hiện tượng dị thường thời tiết xảy ra, như mưa bất thường ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tổng kết. Trong khi người dân miền núi phía Bắc ám ảnh với các đợt lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng thì đồng bào miền Trung và Nam Bộ nháo nhào “chạy” bão.

Biển Đông đón 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới, trong đó, 6 cơn đổ bộ trực tiếp vào đất liền Việt Nam. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trong năm nay phá kỷ lục kể từ năm 1964.

Ông tha mà bà chẳng tha

Làm nên cái lụt hăm ba tháng mười

Câu ca dao tổng kết kinh nghiệm dân gian rằng người dân miền Trung yên tâm hết bão nếu qua ngày 23/10 âm lịch. Những ngày giữa tháng 9, như một quy luật của thiên nhiên, họ lại hối hả chèn chống nhà cửa, ứng phó với bão số 10, tên quốc tế Doksuri. Lần đầu tiên từ năm 2014, cơ quan khí tượng nâng mức cảnh báo thiên tai lên cấp 4, chỉ sau mức thảm họa.

Thien tai nam 2017 anh 8

Đổ bộ vào trưa 15/9, bão Doksuri quần thảo suốt nhiều ở giờ khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình. Người dân đành nuốt nước mắt tự tay đập bỏ căn nhà xác xơ và dùng những tấm mành dựng lều tạm sống qua ngày.

“Tôi chạy về nhà, nhưng tất cả chỉ còn là đống gạch vụn. Vợ con không có chỗ ở đành xin hàng xóm ngủ tạm”, anh Nguyễn Văn Vân (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) ngậm ngùi nói khi đối mặt với cảnh “màn trời chiếu đất” sau khi bão qua.

Trong khi đồng bào miền Trung còn đang oằn mình khắc phục hậu quả bão số 10, rạng sáng ngày 4/11, cơn bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) đổ bộ vào Nam Trung Bộ.

Người dân thành phố Khánh Hòa hẳn khó mà quên nổi những khoảnh khắc kinh hoàng khi mà toàn thành phố đều chìm trong bóng tối, cây cối đổ rạp, từng tấm tôn sắc lẹm bay khắp nơi, nhà cửa sập đổ…

“Cứ nhìn mấy lồng tôm là ứa nước mắt. Đó là thiên tai, mấy chục năm mới có một lần, đành phải chịu thôi. Giờ vay mượn làm lại từ từ, rồi cũng trả hết nợ chứ biết sao”, bà Ngô Thị Hiệp (Vũng Rô, Phú Yên) xót xa khi vốn liếng bị bão cuốn đi. Chỉ sau một đêm, hàng trăm người dân như bà Hiệp mất trắng tiền tỷ.

Với cấp độ bão đạt cấp 11-12 (100-135 km/h), thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) chưa từng được ghi nhận cơn thịnh nộ nào như vậy của thiên nhiên -  ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn cho biết.

2017 - năm kỷ lục của thiên tai, bão lũ 2017 đánh dấu một năm xảy ra nhiều thiên tai thảm khốc. Trong số 16 cơn bão và 5 áp thấp nhiệt đới có 6 cơn bão và áp thấp ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta.

Người dân Nam Trung Bộ chưa kịp trở lại cuộc sống khi cơn bão đi qua, thì mưa lũ lại hoành hành ở Trung Bộ. Lũ ở Huế xấp xỉ đạt mức lịch sử năm 1999. Phố cổ Hội An (Quảng Nam) bị cô lập, mọi hoạt động tê liệt khi thủy điện sông Tranh 2 xả lũ.

Nhiều thôn làng ở Quảng Nam xác xơ. Người dân ở vùng rốn lũ huyện Đại Lộc chỉ biết than rằng: “Nhìn lũ mà rầu quá”. Có những hộ gia đình, gia tài giá trị nhất còn lại là đàn gà mái tơ. Họ nhường chiếc ghe thuyền cho gia cầm, lượm nhặt đồ dùng trong dòng nước đục ngầu.

Thien tai nam 2017 anh 9

Anh Vân, bà Hiệp hay người dân huyện Đại Lộc, Quảng Nam chỉ là một phần mảnh ghép trong bức tranh dữ dội, đau buồn của thiên tai năm 2017. Ở đầu kia của tổ quốc, đợt mưa lũ kéo dài, cục bộ gần 2 tháng xảy ra tại Bắc Bộ.

Người dân sững sờ trước trận lũ lịch sử 70 năm trên dòng suối Nậm Păm. Khung cảnh hoang tàn, tang thương bao trùm khắp những làng nghèo ở Mường La, Mù Cang Chải. Mưa như trút nước, dòng nước cuồn cuộn gầm thét cuốn phăng mọi vật.

Thien tai nam 2017 anh 10

Nhìn vô hồn vào lều lán cạnh nhà, bà Sùng Thị Cở (bản Kháo Giống, xã Kim Mọi, thị trấn Mù Cang Chải, Yên Bái) tuyệt vọng: “Lũ cuốn trôi cả trâu và con. Nhưng giờ chỉ cần tìm con thôi”. Thiên nhiên nhẫn tâm cướp đi những đứa con, đứa cháu của người mẹ dân tộc Mông này. Mọi hy vọng vỡ tan khi bà lần lượt đón nhận thi thể của những cậu bé vô tội. Người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh, nỗi đau đớn như in hằn trên khuôn mặt khắc khổ của bà Cở.

Sau đó, ngập lụt trên diện rộng các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình. Ngoại thành thủ đô Hà Nội cũng ngập trắng khi đê vỡ.

“Nếu tính về thời gian, cơn lũ này bất thường, chưa từng ghi nhận trong cùng kỳ tháng 10, chỉ đứng sau trận lũ năm 1996”, ông Lê Thanh Hải cho hay. Lần đầu tiên trong 30 năm vận hành, thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả lũ.

Đau lòng nhất là vụ sạt lở đất tại xóm Khanh (xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) vào rạng sáng 12/10. Trong suốt 6 ngày ráo riết tìm kiếm, dân xóm Khanh cầu nguyện tử thần sẽ “ngủ quên” với 18 con người xấu số. “Đến giờ phút này, chúng tôi xác định sẽ không có phép màu nữa rồi”, đại tá Vũ Thành Nam, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quận sự tỉnh Hòa Bình, chua xót.

Vậy là, chỉ sau một đêm, ở xóm Khanh, những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, những đứa trẻ mồ côi. Mới hôm trước họ còn gặp nhau nói cười. Hôm sau, có kẻ đã nằm im lìm dưới đống đất đá ngổn ngang, mặc cho người ở lại khóc không nên lời...

Thien tai nam 2017 anh 11

Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến giữa tháng 12/2017, thiên tai khiến 325 người chết, 61 người mất tích, 664 người bị thương. Ngoài ra, 8.126 nhà bị đổ sập, hư hỏng hoàn toàn và hơn 561.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, tốc mái... Tổng thiệt hại về kinh tế trên 60.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD).

Nếu như cơn bão số 10 có cường độ mạnh và khốc liệt nhất, thì cơn bão số 12 mang lại hậu quả nghiêm trọng nhất. Ước tính trên 22.600 tỷ đồng, 107 người thiệt mạng, và 16 người mất tích. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa thiệt hại nặng nề nhất về người và vật chất với tổng thiệt hại tài sản ước tính 13.500 tỷ đồng.

Năm 2016, Việt Nam đã mất gần 1% GDP (khoảng 1,7 tỷ USD) bởi thiên tai. Năm 2017, thiệt hại do thiên tai năm chiếm tới 1,4% GDP của cả nước.

Thien tai nam 2017 anh 12

Biểu đồ trên phản ánh rõ sự chênh lệch thiệt hại giữa các năm gần đây. Người chết, mất tích do thiên tai năm 2017 gấp 1,5 lần số liệu của năm 2016. Nếu như năm 2017 có 385 người chết và mất tích, ít hơn so với năm 2008 là 165 người. Trong khi đó, thiệt hại về tài sản của năm nay gấp 5 lần so với năm 2008.

“Trước đây mỗi năm Việt Nam có 500 người chết, mất tích do thiên tai. Còn 5 năm trở lại đây đã giảm được số người chết và mất tích còn 223 người, nhưng thiệt hai về kinh tế do thiên tai vẫn trên 1 tỷ USD/năm”, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nói.

Thien tai nam 2017 anh 13

Ông Lê Thanh Hải thừa nhận rằng cứ sau mỗi đợt lũ quét và mưa bão, ông cùng các cộng sự lại như “ngồi trên đống lửa”. “Thiệt hại lớn chua xót lắm chứ. Bản thân chúng tôi đều cố gắng đưa ra những số liệu dự báo chi tiết, khả thi nhất”, ông Hải chia sẻ.

Ghi nhận những ý kiến cho rằng công tác dự báo còn chưa sát thực tế, chuyên gia gần 40 năm gắn bó với ngành khí tượng bộc bạch: “Dự báo chắc chắn phải có sai số, không thể hoàn hảo được trong khi người dân lại mong mỏi bản tin dự báo cụ thể, độ chính xác cao".

Ông khẳng định hệ thống dự báo bao gồm 3 cấp: đài trung ương, đài khu vực và đài cấp tỉnh tương ứng với mức độ chi tiết khác nhau. Nhiều người chưa hiểu rõ chuyện này.

Thien tai nam 2017 anh 14

Với người dân miền Trung, bão lũ đã thành cơm bữa. Họ luôn sẵn sàng chịu đựng, chống chọi với thiên tai. Đương nhiên, thiệt hại về người và tài sản là điều không thể tránh khỏi, song điều quan trọng là người dân Trung Bộ đã cố gắng hết sức, giảm thiệt hại xuống mức tối thiểu.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng dù các thủ tục, yêu cầu, chỉ đạo có sát sao đến đâu mà không có sự đồng lòng của người dân thì mọi phương án chỉ như “muối bỏ bể”. Trước hết, người dân vẫn nên ý thức “tự cứu mình trước”.

Những bài học kinh nghiệm thấm thía vẫn còn nguyên giá trị. Chiều 25/6, bão Tembin giảm cấp, đi chệch xuống phía nam nhưng khu vực Nam Bộ vẫn được cảnh báo nằm trong vùng nguy hiểm, có thể xảy ra lốc xoáy. Tuy nhiên, người dân cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, Kiên Giang vẫn thờ ơ: “Bão mưa mát mà, có gì đâu mà phải sợ. Tới đâu hay tới đó”.

Rất may, bão Tembin suy giảm thành áp thấp nhiệt đới rồi tan nhanh. Song, mẹ thiên nhiên thực sự rất khó lường, có thể lại nổi giận bất kỳ lúc nào.

"Đi lên khu Sơn La, Yên Bái, tôi thấy nhiều đồi, rừng đã bị cạo trọc trong khi trước đây rừng ngút ngàn che chắn. Chúng ta đang trả giá và sẽ còn tiếp tục phải trả giá vì để trồng rừng nguyên sinh tạo ra tấm giáp cần nhiều chục năm”, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh trong cuộc họp công tác ứng phó với đợt lũ lịch sử ở Bắc Bộ.

Nhìn lại hậu quả nghiêm trọng của cơn bão số 12, vị Tổng cục trưởng đặt câu hỏi: “Trung ương huy động toàn bộ các nhà mạng nhắn tin miễn phí, liên tục ra chỉ đạo nhưng các địa phương triển khai ra sao?”

Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đoàn công tác của Chính phủ có mặt tại Khánh Hòa để giám sát tình hình, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trung ương đặt sở chỉ huy tại đây. Thiệt hại vẫn tăng từng ngày, chạm mốc 107 người chết.

“Trong chỉ đạo, chúng ta làm từ trên xuống dưới rất quyết liệt, nhưng không phải tất cả. Một bộ phận nào đấy, địa phương nào đấy tiếp thu thông tin hoặc chỉ đạo chưa tốt dẫn đến chủ quan”, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ đúc kết.

Thien tai nam 2017 anh 15

Trong khi đó, trung tướng Phạm Quang Cử, Phó tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần, Bộ Công an, thẳng thắn nêu vấn đề chính quyền cơ sở và người dân chưa quyết liệt, còn chủ quan.

“Nếu bão số 12 vào Nghệ An, Hà Tĩnh, tôi tin thiệt hại sẽ bớt nghiêm trọng. Tình trạng sơ tán dân, nhưng sơ tán ai, người dân đã cập thuyền vào bến có lên bờ không. Đây là vấn đề rất đau”, ông nói.

Thien tai nam 2017 anh 16

Đêm Noel chỉ là một trong số hàng trăm đêm những chuyên gia dự báo như ông Lê Thanh Hải, ông Hoàng Phúc Lâm, ông Trần Quang Năng cùng các đồng nghiệp trực bão ở cơ quan.

“Từ giữa tháng 6 đến hết tháng 11 là khoảng thời gian áp lực nhất trong năm với các dự báo viên. Liên tục trong hơn 90 ngày, tôi cùng các cộng sự thường xuyên ‘mắc màn’ ở cơ quan đấy. Năm vừa qua, tôi hầu như không nghỉ phép vì bão lũ liên miên và làm thêm vô số giờ”, ông Năng nói.

Chùng giọng khi nhắc lại những tháng ngày phó mặc chuyện gia đình cho bà xã, ông kể giây phút khi cô con gái sung sướng nhìn thấy bố qua... tivi sau nhiều ngày không gặp.

Chuyên gia khí tượng nói về công tác ứng phó thiên tai Trừ cơn bão số 12 - Damrey, năm 2017 những thiệt hại trên đất liền do thiên tai gây ra chủ yếu là lũ quét, sạt lở đất.

Với các chuyên gia khí tượng, họ đã có một năm làm việc vất vả, 20 lần chong đèn chiến đấu với bão. “Khổ cực nhưng cứ làm hết mình thôi”, ông Năng nói, không giấu vẻ tự hào về công việc của mình.

Ông Lê Thanh Hải thì bộc bạch: “Công việc này áp lực nhất là thời gian, phải nhanh chóng đưa ra quyết định. Từ lúc đưa ra số liệu, rồi cân nhắc, tính toán và quyết định chỉ trong vài chục phút”.

Ông Hải, ông Năng tâm sự, việc chia sẻ về công việc không phải là kể công mà chỉ muốn người dân hiểu và có cái nhìn đúng hơn về nghề “làm dâu trăm họ”.

Có một thực tế rằng dự báo khí tượng mang đặc thù riêng biệt. Công việc ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, chính quyền các ban ngành liên quan. Dự báo đúng thì là trách nhiệm đương nhiên nhưng nếu dự báo chưa sát, họ bị khiển trách, thậm chí kỷ luật.

“Chúng tôi luôn tâm niệm rằng dự báo chính xác thì mình chỉ đóng vai trò tư vấn cho những người ra quyết định, còn sai thì phải khắc phục rút kinh nghiệm. Cũng có lúc cảm thấy thiệt thòi, nhưng chúng tôi làm không phải vì lời khen, thưởng của cộng đồng”, ông Lâm chia sẻ.

Thien tai nam 2017 anh 17

Những ngày cuối năm 2017, đầu 2018, trên mảnh đất hình chữ S, nhiều người vẫn vất vả khắc phục hậu quả của thiên tai gây ra. Câu chuyện buồn của họ là hồi chuông cảnh báo trước thực trạng biến đổi khí hậu phức tạp.

Người mẹ dân tộc Mường Sùng Thị Cở có lẽ chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con. Anh Vân, bà Hiệp vẫn đang cặm cụi mưu sinh từng ngày cho một cái Tết sắp đến. Chắc hẳn, họ cùng chung một nỗi niềm như câu hát từng gây bão trên mạng:

Bão ơi, tôi sợ hãi

Cảnh tan cửa nát nhà

Bao mồ hôi khó nhọc

Chỉ một giờ tiêu tan.

Trà My

Video: Hoàng Hiệp
Đồ hoạ: Phương Linh

Bạn có thể quan tâm