Theo Der Spiegel (Đức), ban điều hành Super League bắt đầu làm việc với Công ty tiếp thị và quan hệ công chúng Flint. Công ty này đang tập hợp hồ sơ có tựa đề: “Mở đường cho Super League: Chiến lược xây dựng lại, tái khởi động và giành chiến thắng”.
Nhiệm vụ của Công ty có trụ sở đặt tại London này là vận động hành lang để kêu gọi sự ủng hộ cho dự án Super League. Họ sẽ cố gắng thuyết phục các hiệp hội, chính trị gia và nhà báo châu Âu cùng tham gia chống lại Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA).
3 đội bóng còn trụ lại ở dự án Super League. Ảnh: Reuters. |
Theo ấn phẩm của Đức, chiến lược này sẽ là "quả bom" phản đối mô hình hiện tại của UEFA, vốn được cho là lạm dụng và độc quyền. Trước đó, Tòa án thương mại Madrid ra phán quyết cấm UEFA và FIFA không thực hiện hành động chống lại Real Madrid, Barcelona và Juventus.
UEFA phải thu hồi các lệnh trừng phạt ngay lập tức với Real Madrid, Barcelona và Juventus - 3 CLB còn trụ lại dự án. Sau phán quyết này, Real tuyên bố thắng cuộc, đồng thời khẳng định chưa từ bỏ kế hoạch thành lập Super League.
Với động thái từ các thành viên trụ lại ở Super League, dự án này chắc chắn sẽ còn gây tranh cãi trong thời gian tới. Chủ tịch Florentino Perez quyết theo đuổi cuộc chiến đến cùng.
Dù vậy, vấn đề là Super League không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các đội bóng lớn. Hiện tại, 9 trong 12 CLB đã rút lui khỏi dự án dưới sức ép từ người hâm mộ.
Giữa tháng 4, 12 CLB bao gồm Man Utd, Man City, Chelsea, Liverpool, Arsenal, Tottenham, Real, Barca, Atletico, Inter Milan, AC Milan và Juventus tuyên bố sáng lập Super League.
Dự án này khiến truyền thông châu Âu chấn động. Tuy nhiên, các CLB Premier League rời khỏi Super League sau chưa đầy 48 giờ. Tiếp đó, Atletico, Inter và AC Milan cũng tuyên bố rút lui.