Tại cuộc họp báo, vấn đề được quan tâm nhất là nguồn vốn đầu tư cho dự án này.
- Hiện có nhiều thắc mắc về huy động vốn xây sân bay Long Thành, trong đó lo ngại lớn nhất là nợ công tăng. Ông nói thế nào về vấn đề này?
- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Khái toán tổng mức đầu tư toàn bộ giai đoạn 1 của sân bay Long Thành khoảng 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng). Vốn nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn viện trợ phát triển (ODA)...) đầu tư cho giai đoạn này là 84.624 tỷ đồng.
Sân bay Tân Sơn Nhất được cho là không thể mở rộng, cần có sân bay Long Thành để đáp ứng nhu cầu trong tương lai. |
Vốn nhà nước sẽ dùng cho giải phóng mặt bằng và hạ tầng cơ bản như đường cất hạ cánh, sân đỗ, giao thông đi lại. Đây là những hạng mục không sinh lời nên không thể kêu gọi vốn khu vực ngoài nhà nước.
Về việc vay ODA, trong báo cáo giải trình ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT nêu rõ nếu thực hiện vay vốn ODA thì tỷ lệ tăng nợ công chỉ là 0,029%. Đây là tỷ lệ rất thấp. So với huy động nguồn vốn ODA xây dựng các dự án khác, sân bay Long Thành chỉ chiếm chưa đến 0,1%. Tất cả những cái này, Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu cho Quốc hội về nợ công sẽ có bài toán liên hoàn cho Quốc hội.
- Nếu huy động được vốn trái phiếu chính phủ, vay được ODA đúng như báo cáo đầu tư đề xuất thì khả năng hoàn vốn, trả nợ như thế nào, trả nợ trong bao lâu?
- Ông Nguyễn Nguyên Hùng - chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV, đơn vị được giao làm chủ đầu tư lập báo cáo đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành): Trong hàng không, từ trước tới nay Chính phủ vay vốn ODA, chúng tôi vay lại.
Có thể hiểu ODA là vốn nhà nước, nhưng thực chất ACV vay lại rồi trả nợ giống như đầu tư nhà ga Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Doanh nghiệp vay lại Chính phủ, doanh nghiệp chịu, coi như không phải là nợ công của Nhà nước nữa. Còn phần vốn nhà nước làm giải phóng mặt bằng, đường kết nối từ cao tốc vào sân bay, các công trình trụ sở cơ quan nhà nước chiếm tỷ trọng không lớn, sơ bộ ở nghiên cứu tiền khả thi 14,6%.
- Đang có ý kiến cho rằng, có thể lấy vốn xây sân bay Long Thành từ việc bán phần đất dân sự ở sân bay Tân Sơn Nhất?
- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Nếu thực hiện phương án này thì tiền từ Tân Sơn Nhất chỉ là tỷ lệ tiền rất nhỏ cho xây dựng sân bay Long Thành. Cả ba giai đoạn đầu tư của sân bay Long Thành là trên 18 tỷ USD. Riêng giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD, con số đó quá lớn so với số tiền kinh doanh từ Tân Sơn Nhất.
Còn tại sao không phát triển Tân Sơn Nhất đến giai đoạn 50 triệu khách/năm? Muốn đạt mục tiêu này thì cần giải phóng mặt bằng khoảng 140.000 hộ dân với 500.000 nhân khẩu, cần 9,1 tỷ USD, chưa kể chi phí mở rộng sân bay.
Số tiền này lớn hơn nhiều xây dựng một sân bay mới. Cho nên Tân Sơn Nhất sẽ thành sân bay nội địa và phục vụ các tuyến quốc tế ngắn. Còn Long Thành sẽ là sân bay quốc tế và từng bước thành trung tâm trung chuyển.
Ông Nguyễn Nguyên Hùng - chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - lý giải về lý do xây dựng sân bay Long Thành. |
- Báo điện tử Tổ Quốc: Phương án vốn trái phiếu chính phủ đến năm 2015 là khóa sổ. Phần vốn nhà nước lấy từ đâu?
- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 164.589 tỷ đồng. Dự kiến vốn từ Nhà nước khoảng 84.624 tỷ đồng. Đây là con số khá lớn so với tổng thể nền kinh tế hiện nay. Từ đầu, Bộ GTVT đã trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đầu tư bằng nhiều nguồn vốn. Trong đó, Bộ GTVT trình Chính phủ theo hướng vay vốn ODA ưu đãi để giảm bớt huy động vốn trong nước trước mắt. Đây là ưu tiên số 1.
Hiện có nhiều nước quan tâm dự án và sẵn sàng cung cấp vốn ODA nhưng chúng ta chưa quyết định. Bộ GTVT cũng trình Chính phủ lựa chọn việc dùng trái phiếu chính phủ ở mức độ nằm trong tổng thể nguồn trái phiếu Quốc hội phát hành giai đoạn 2016-2021.
Bộ sẽ chính thức đưa nguồn vốn cho Long Thành vào nguồn trái phiếu giai đoạn này. Còn nguồn vốn huy động tự vay tự trả, với Long Thành có tính khả thi cao. Sân bay này có tính hấp dẫn đầu tư cao hơn các dự án khác.
Ông Trần Quang Châu (chủ tịch Hội Khoa học công nghệ hàng không):
Tư nhân có thể tham gia đầu tư
Tôi khẳng định chúng ta nên làm sân bay Long Thành. Có nhiều ý kiến khác nhau, bởi vừa qua chúng ta đầu tư một số cảng hàng không, như sân bay Cần Thơ, mà khai thác chưa được nhiều.
Theo tôi, VN cần có một sân bay trung chuyển quốc tế. Chúng ta có nhiều cảng biển, có nhiều sân bay nhưng không có cảng nước sâu, chưa có cảng hàng không trung chuyển quốc tế. Nếu không làm cảng hàng không trung chuyển, ta có thể bỏ mất nhiều cơ hội.
Tôi cho rằng vốn không phải vấn đề quá lớn. Nhà nước chỉ nên đầu tư đường băng và một số dịch vụ cốt yếu, còn lại là xã hội hóa, cho đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư). Nên nêu cụ thể lĩnh vực kêu gọi xã hội hóa.
Tư nhân có thể tham gia góp vốn vào các dịch vụ như quán bán hàng, nhà ga, nhà hát, khu vui chơi giải trí... Nhà đầu tư nào có tiền thì có thể vào, nhưng phải đảm bảo đúng thiết kế và tầm vóc của một sân bay trung chuyển quốc tế.
C.V.KÌNH
Vốn ODA cho doanh nghiệp vay lại cũng là nợ công
Đứng trên khía cạnh thảo luận chính sách công, nếu tính khả thi (về thể chế, kinh tế hay kỹ thuật) của sân bay Tân Sơn Nhất là không có thì rõ ràng đầu tư sân bay Long Thành là lựa chọn duy nhất. Khi đó, vấn đề cần thảo luận là huy động vốn cho sân bay Long Thành.
Đây là lần đầu tiên các cơ quan nhà nước đưa thông tin chính thức trước công chúng là tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án trong cả ba giai đoạn là 18 tỷ USD, còn trong giai đoạn 1 chỉ là 7,8 tỷ USD (và 1a là 5,6 tỷ USD).
Về nguyên tắc thẩm định dự án, nếu đầu tư về giai đoạn 1 có nghĩa là phải tiếp tục đầu tư giai đoạn sau, vì vậy tính khả thi kinh tế, xã hội và tài chính phải được tính cho tổng thể dự án, ngay cả ở giai đoạn tiền khả thi.
Có thể nói con số 18 tỷ USD cho thấy không một nguồn vốn duy nhất nào, ngân sách, trái phiếu chính phủ, ODA hay vốn tư nhân có thể tài trợ cho đủ, mà sẽ phải là một kết hợp đa nguồn.
Nguyên tắc ở đây là giảm tối đa gánh nặng cho ngân sách và gánh nặng lên người dân, cả về huy động trong hiện tại và trả nợ lãi cộng gốc trong tương lai. Vốn ODA dù Chính phủ vay rồi cho doanh nghiệp vay lại thì cũng vẫn là nợ công.
Theo tính toán của chúng tôi thì ngay cả khi ACV vay lại vốn ODA từ Bộ Tài chính để đầu tư dự án trong giai đoạn 1 với ân hạn trả nợ gốc 10 năm, lãi suất theo hình thức STEP của ODA Nhật Bản (0,2% theo tiền yen và Bộ Tài chính cho vay lại lãi suất 9,6% tiền đồng với rủi ro tỷ giá cho Bộ Tài chính chịu), thì trong 10 năm đó nguồn thu ròng từ sân bay Long Thành cũng không trả đủ lãi vay, trừ khi tăng phí phát triển đánh vào người sử dụng (UDF) lên trên 10 USD/hành khách.
Vì vậy, báo cáo đầu tư dự án ở cấp độ tiền khả thi cần linh hoạt trong tính toán theo hướng huy động vốn từ nhiều nguồn.
Việc huy động vốn từ quỹ đất hay các nguồn khác, cho dù là chiếm 30-50% (tổng mức đầu tư 8-10 tỉ USD/18 tỷ USD) thì cũng góp phần đáng kể trong việc giảm gánh nặng trả nợ cho ngân sách trong tương lai.
Nguyễn Xuân Thành