Tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM khóa X diễn ra sáng 8/12, sau phiên chất vấn Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai là người tiếp theo trả lời chất vấn.
Không còn khả năng bổ sung vốn
Thượng tọa Thích Minh Thành chất vấn về dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm trải qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ nhưng hiện vẫn nằm trên giấy. Đại biểu chia sẻ đây là vấn đề cấp bách, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, cảm xúc của người dân trên địa bàn. Đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp cải thiện tình hình này.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Lê Thị Huỳnh Mai cho biết dự án nằm trên địa bàn quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh, được lãnh đạo TP quan tâm, đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư.
Năm 2016, TP đã phê duyệt đề xuất hợp tác công - tư của chủ đầu tư với tổng mức vốn khoảng 9.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2020, quy định về các dự án đổi đất lấy hạ tầng (dự án BT) thay đổi nên dự án này không thể tiến hành như kế hoạch.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai trả lời chất vấn về dự án rạch Xuyên Tâm. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Sở KHĐT đã làm việc với chủ đầu tư để tìm hình thức khác nhưng đơn vị này chưa đề xuất được hình thức đầu tư cho dự án theo khung pháp lý hiện nay. Sau khi lấy ý kiến, các sở, ngành, đơn vị nhận định đây là dự án cần thiết nên thống nhất xếp vào diện đầu tư công.
Tuy nhiên, bà Mai cho biết tổng số vốn đầu tư của dự án lên đến 9.300 tỷ đồng. Trong khi đó, TP.HCM không còn khả năng bổ sung vốn cho dự án mới.
Để tìm giải pháp, Sở KHĐT đã báo cáo Bộ KHĐT để xin Trung ương bố trí nguồn vốn trong hỗ trợ phục hồi kinh tế. UBND TP.HCM đã có 2 văn bản tham mưu Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp cuối năm.
“Hiện, dự án đã hoàn thành báo cáo kỹ thuật nhưng vẫn chờ nguồn vốn”, bà Mai thông tin.
Tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 56%
Đại biểu Triệu Đỗ Hồng Phước đặt vấn đề đến nay, tỷ lệ giải ngân của TP.HCM chỉ đạt khoảng 56%; nếu tính luôn ODA, tỷ lệ giải ngân của TP chỉ đạt 43%. “Nhìn chung còn rất khiêm tốn so với chỉ tiêu 95% đã đề ra”, ông Phước nói.
Đại biểu đề nghị Sở KHĐT nêu giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong tháng còn lại của năm 2021. Bên cạnh đó, sở có giải pháp gì để huy động nguồn vốn trong năm 2022.
Lý giải tỷ lệ giải ngân thấp, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết năm 2021, các công trình xây dựng bị ảnh hưởng bởi dịch nên không thể triển khai, gây chậm tiến độ. Một số nguyên nhân khách quan như nguồn nguyên vật liệu khó khăn; giãn cách xã hội; thiếu lao động; chuyên gia gặp khó trong xuất nhập cảnh; vướng mắc trong luật về xây dựng, đầu tư công…
Đại biểu Triệu Đỗ Hồng Phước chất vấn Giám đốc Sở KHĐT. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Về giải pháp tăng tỷ lệ giải ngân, Sở KHĐT đã tham mưu TP nhiều giải pháp cụ thể cho từng sở, ngành. Cụ thể, Sở Công Thương có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu; Cục Hải quan ưu tiên thông quan nhanh các hàng hóa phục vụ cho các công trình xây dựng; TP.HCM phối hợp với các tỉnh, thành để đưa lao động trở lại làm việc.
Ngoài ra, TP giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư thường xuyên báo cáo về các dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Với 5 dự án ODA đang có tỷ lệ giải ngân thấp, Sở KHĐT tham mưu UBND TP.HCM giao từng sở, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thúc đẩy dự án hoàn thành đúng tiến độ, như dự án metro 1, metro 2, vệ sinh môi trường…
4 giải pháp huy động vốn
Trả lời đại biểu Huỳnh Hồng Thanh về vấn đề bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, bà Mai cho biết hiện nhu cầu vốn của các dự án mới rất nhiều, đặc biệt là các dự án đã thông qua trong kỳ họp vừa qua.
Cụ thể, TP.HCM có 4.200 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn hơn 180.000 tỷ đồng. Trong khi đó, số vốn trần mà TP có thể sử dụng hiện là 142.000 tỷ đồng. Do đó, Sở KHĐT đã tham mưu UBND TP căn cứ vào các tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn để ưu tiên dự án có khả năng hoàn thành nhanh. Theo tiêu chí này, Sở KHĐT đã bố trí khoảng 121.000 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp, còn lại 20.000 tỷ đồng dành cho dự án thuộc nhiệm vụ quy hoạch thời gian tới.
Căn cứ nguyên tắc và tính hiệu quả, Sở KHĐT công khai quy trình bố trí vốn để các đơn vị thông tin về tình hình thực hiện dự án; từ đó, sở có thể bố trí dòng vốn hiệu quả, hợp lý.
Đại biểu HĐND TP.HCM Huỳnh Hồng Thanh chất vấn Giám đốc Sở KHĐT. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Về huy động vốn để có thêm nguồn lực đầu tư, ba Mai chia sẻ 4 giải pháp.
Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu vực quanh metro; hoặc rà soát quỹ đất công để có thêm nguồn thu từ đất.
Thứ hai, về giải pháp tài chính ngân sách, bà Mai cho biết dù năm 2021, tăng trưởng GRDP dự kiến của TP là -6,78%, nhưng một số lĩnh vực vẫn tăng trưởng cao như tài chính, công nghệ... Sắp tới, TP cơ cấu lại các ngành nghề, doanh nghiệp để ưu tiên dịch vụ thế mạnh, tạo nguồn lực lan tỏa, phát triển các ngành nghề khác. TP cũng xây dựng đề án phát triển trung tâm tài chính.
Giám đốc Sở KHĐT cho biết nguồn vốn FDI của TP.HCM năm nay cao hơn năm ngoái, cho thấy môi trường đầu tư của TP vẫn còn thu hút để kêu gọi đầu tư. Một nguồn lực khác TP cũng quan tâm là kiều hối của đồng bào ngoài nước.
Thứ ba, về nguồn vốn xã hội hóa, Sở KHĐT đã yêu cầu các địa phương báo cáo các dự án tiềm năng để kêu gọi nhà đầu tư tham gia.
Bà Mai cho biết thêm trước kỳ họp, Sở KHĐT đã xin ý kiến các sở, ngành, quận, huyện về danh mục kêu gọi đầu tư. Sở nhận được 561 dự án với tổng vốn 200.000 tỷ. Nhận định đây là con số quá lớn, sở đã lên phương án để tham mưu UBND bố trí các dự án ưu tiên một cách hợp lý.
Thứ tư, TP có giải pháp để phát triển thành phần kinh tế và mô hình kinh doanh mới. Trong chương trình phục hồi kinh tế, TP có chính sách phù hợp để phát triển kinh tế tư nhân, nuôi dưỡng nguồn thu từ khối doanh nghiệp.