Đầu 2021, Trung Quốc bắt đầu xây dựng khu phức hợp dành riêng cho eSports, được cho là tiêu tốn nguồn kinh phí 898 triệu USD. Dự án đặt tại Thượng Hải, có thể hoàn thành trong 2023. Giới chức trách Trung Quốc đặt tham vọng biến khu phức hợp này trở thành "địa điểm hành hương" các tín đồ eSports trên thế giới.
'Thung lũng Silicon' của eSports
Dự án eSports của Trung Quốc có ước tính rộng nửa triệu mét vuông, được xây dựng để trở thành "Thung lũng Silicon" đúng nghĩa của eSports, nơi các tổ chức và công ty lớn trên thế giới đặt trụ sở. Trung tâm bao gồm địa điểm thi đấu sức chứa 6.000 chỗ ngồi và khách sạn theo tiêu chuẩn 5 sao. Bên cạnh đó, một bảo tàng cũng được xây dựng dành riêng cho eSports.
Thượng Hải từ lâu hướng mục tiêu trở thành trung tâm của ngành công nghiệp eSports toàn cầu. Trong phát biểu với hãng thông tấn Agence France-Presse, quan chức thể thao hàng đầu Thượng Hải, ông Luo Wenhua, cho biết "đã đề xuất để Thượng Hải trở thành thủ đô của eSports".
Với dự án mới, Thượng Hải mong muốn trở thành địa điểm tốt nhất để tổ chức các sự kiện và giải đấu eSports hàng đầu. Thượng Hải không còn xa lạ với người hâm mộ khi thường xuyên đăng cai tổ chức các giải đấu ở nhiều tựa game lớn, bao gồm Chung kết Thế giới (CKTG) Liên Minh Huyền Thoại (LMHT).
Ảnh 3D của Trung tâm Thể thao Điện tử Quốc tế "Sáng tạo văn hóa mới" Thượng Hải khi hoàn thiện. |
Dự án được đầu tư và xây dựng bởi SuperGen, công ty mẹ của tổ chức eSports Edward Gaming. Khi hoàn thành, dự án eSports đặt tại Thượng Hải sẽ trở thành đấu trường thể thao điện tử lớn nhất thế giới.
Trung Quốc từng tổ chức nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ, nhưng dự án "Thung lũng Silicon" sẽ chỉ dành riêng cho cộng đồng game thủ và eSports với quy mô to lớn.
Tiềm năng phát triển
Theo Daily Sabah, Trung Quốc có khoảng 720 triệu game thủ. Với tập khách hàng khổng lồ, eSports là "con ngỗng đẻ trứng vàng" và cơ hội của nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc.
Bất chấp đại dịch toàn cầu, ngành công nghiệp eSports ở Trung Quốc được dự đoán duy trì doanh thu hàng tỷ USD. Sự phát triển của eSports ở Trung Quốc được thúc đẩy mạnh mẽ bởi mảng game mobile (trò chơi trên điện thoại). Ngoài ra, các tựa game chơi trên PC (máy tính bàn) như LMHT, PUBG, Overwatch... vẫn duy trì sức đóng góp rất lớn.
Theo dữ liệu từ Newzoo, Trung Quốc là thị trường eSports lớn nhất thế giới. Cộng đồng 720 triệu game thủ của Trung Quốc chiếm 70% toàn thế giới. Đây là lý do mà các tựa game hàng đầu luôn quan tâm và ưu ái cho thị trường Trung Quốc máy chủ độc lập hoặc phiên bản riêng.
Theo VentureBeat, game thủ ở Trung Quốc dành gần như toàn bộ thời gian để ngồi trước màn hình máy tính hay điện thoại, hơn là tham gia bất kỳ hoạt động ngoài trời nào.
Chủ tịch Niko Partners, bà Lisa Cosmas Hanson, cho biết các công ty game toàn cầu xem thị trường eSports ở Trung Quốc rất hấp dẫn và tìm mọi cách để thâm nhập. Nữ chủ tịch Niko Partners cũng cho biết game hay eSports là hình thức giải trí xã hội hàng đầu Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Các game không quá đắt và dễ tiếp cận khi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh.
"Với dân số khổng lồ của Trung Quốc, một vài thay đổi nhỏ trong ngành có thể thúc đẩy sự gia tăng lớn về người chơi và nguồn doanh thu", Cosmas Hanson nói.
Esports được xem là hình thức giải trí xã hội hàng đầu Trung Quốc ở hiện tại. |
Môn thể thao ở Olympic
Esports đứng trước cơ hội lớn góp mặt ở Olympic trong tương lai. Năm 2018, Ủy ban Omypic quốc tế và Hiệp hội các Liên đoàn Thể thao quốc tế nghiêm túc thảo luận về việc đưa eSports vào các môn thi đấu. Cuối cùng, eSports vẫn chưa thể góp mặt do yếu tố nội dung mang tính bạo lực trong một số game.
Các Ủy ban Olympic vẫn thường xuyên họp với nhau để thảo luận về tiềm năng của eSports. Theo dữ liệu từ Newzoo, tốc độ tăng trưởng khán giả của eSports vẫn đang bùng nổ. Newzoo dự đoán sẽ có hơn 700 triệu người theo dõi eSports trong 2021, tăng 10% so với 2020.
Dù chưa xuất hiện ở Olympic, eSports sắp góp mặt tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam. Với vị thế chủ nhà của Asian Games 2022, Trung Quốc cũng đưa các môn eSports vào nội dung thi đấu. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc ra sức vận động hành lang để đưa eSports góp mặt ở Olympic trong tương lai.
Esports phổ biến ở Trung Quốc đến nỗi hệ thống giáo dục cũng tham gia cuộc chơi. Nhiều trường đại học ở Trung Quốc thích ứng và mở chuyên ngành eSports, nhằm giúp sinh viên có đủ kiến thức và kỹ năng để cạnh tranh khi tốt nghiệp.
Khi eSports đứng trước cơ hội lớn xuất hiện ở Olympic, những nhà tập đoàn tài phiệt ở Trung Quốc quyết định nâng cấp cơ sở vật chất và hạ tầng để phục vụ cho tương lai.