Chui qua “lô cốt” nhà ga 10 lần/ngày
Từ nhà đến cơ quan trên phố Cự Lộc (Thanh Xuân) dài hơn 4 km nhưng mỗi ngày anh Nguyễn Văn Thanh (ở phường Vạn Phúc, Hà Đông) phải đi qua 5 công trường nhà ga ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông. Do phạm vi công trường nhà ga chiếm gần hết 6 làn đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) nên để vừa thi công nhà ga bên trên vừa đảm bảo giao thông bên dưới, các nhà thầu đã làm đường chui cho phương tiện đi qua công trường bên dưới.
“Mỗi ngày từ nhà đến cơ quan tôi phải chui qua 5 lô cốt công trường như vậy, tính cả đi và về là 10 lần. Do công trường toàn sắt, bê tông bên trên lại không được che phủ kín nên lần nào chui qua tôi cũng rợn tóc gáy”, anh Thanh nói.
Bị công trường chiếm đường, người dân phải chui lô cốt, bên trên mặc dù bị dừng nhưng sáng 17/11 các cẩu tại nhà ga trước bến xe Hà Đông cũ vẫn hoạt động (ảnh to). Công trường thiếu che chắn khiến người đi đường thường bị vật liệu xây dựng rơi vào đầu (ảnh nhỏ). |
Cũng theo anh Thanh, trước khi vụ tai nạn chết người xảy ra, hằng ngày anh và nhiều người đi đường thường bị vật liệu xây dựng, mạt hàn xì bên trên rơi vào người.
Trung tá Hà Văn Thanh, Đội phó Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Hà Nội cũng xác nhận, việc người đi đường bị vật liệu xây dựng, mạt hàn xì rơi vào người khi đi qua công trường nhà ga là điều thường xuyên xảy ra, Đội cũng nhiều lần kiến nghị việc này với chủ đầu tư, nhà thầu nhưng sự việc chưa được khắc phục thì vụ tai nạn chết người xảy ra.
Rà soát vẫn chưa xong
Sau vụ tai nạn ngày 6/11 việc thi công các hạng mục nhà ga, đường ray của ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đang bị tạm dừng, nhưng sáng qua tại công trường nhà ga trước bến xe Hà Đông (cũ), máy cẩu ở đây vẫn hoạt động. Thời điểm 9h, trục cẩu ở đây vươn ra khỏi hàng rào thi công, sau đó thả dây cáp xuống cẩu hàng. Hàng chục người đi đường thấy cẩu vươn ra bên ngoài đã dừng phương tiện không dám đi tiếp.
Tại dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội, do thi công chậm suốt thời gian dài nên việc thi công hiện nay được tiến hành cả đường ray và nhà ga. Do có hai hạng mục cùng thi công nên công trường trên các tuyến đường Hồ Tùng Mậu; Xuân Thủy - Cầu Giấy… thường chiếm gần hết diện tích lòng đường; nhiều phương tiện như ôtô, taxi vào một số khung giờ cao điểm bị CSGT cấm để giải tỏa ùn tắc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tuy các nhà ga, đường ray mới ở phần khảo sát nhưng việc các đơn vị thi công sử dụng nhiều máy cẩu, kéo thường xuyên vươn ra khỏi hàng rào thi công khiến người dân lo lắng.
Đội Thanh tra giao thông quận Nam Từ Liêm, Sở GTVT Hà Nội cho biết, trục đường Cầu Giấy- Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu nhỏ hẹp hơn đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông nên để tránh ùn tắc, đặc biệt là tai nạn như dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông thời gian tới Đội sẽ tham mưu cho Sở GTVT kiến nghị thành phố cho phép nhà thầu bạt vỉa hè để phương tiện đi tránh chứ không chui qua công trường.
Về việc công trường mất an toàn và người dân phải chui lô cốt để đi tại dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, ông Lê Văn Dương, Phó trưởng Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT cho biết, Ban đang chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ quy trình, phương án thi công trên tuyến. Với những bất cập được phát hiện sau khi rà soát Ban sẽ điều chỉnh lại.
Về tiến độ 16/11 Bộ GTVT yêu cầu phải xong việc rà soát, ông Dương cho rằng, hiện công việc vẫn còn một số hạng mục và Ban đang tiếp tục thực hiện. Rà soát xong sẽ mở cho từng hạng mục thi công chứ không đại trà trên toàn tuyến.
Cũng theo ông Dương, với một số hạng mục không thi công trên tuyến như khu bảo dưỡng, bãi đúc dầm… lãnh đạo Bộ GTVT vừa cho phép thi công trở lại. Với ga trước bến xe Hà Đông cũ, hiện Bộ GTVT chưa cho phép thi công.