Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi xác nhận phần lớn diện tích đề xuất quy hoạch trong phạm vi 1.243 ha để làm quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị nằm trong khu đô thị mới Vạn Tường; một số vị trí nằm trong phạm vi dự kiến quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Bình Châu và vùng phụ cận.
Trước tình hình này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, điều chỉnh hợp lý các quy hoạch.
Dự án của FLC 'chồng lấn' 9 dự án khác
Ông Ngô Văn Trọng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi, cho hay hiện có 9 dự án đã được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu hoặc cấp phép đầu tư có diện tích chồng lấn với dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và đô thị của Tập đoàn FLC.
Ngoài ra, dự án của FLC cũng chồng lấn với quy hoạch khoáng sản, quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Dung Quất và các vị trí giáp ranh quy hoạch đất quốc phòng do Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi quản lý.
Toàn cảnh xã An Bình (đảo Bé) nhìn từ đỉnh Thới Lới, huyện Lý Sơn. Ảnh: M.Hoàng. |
Trong 9 dự án chồng lên dự án của Tập đoàn FLC tại Bình Châu - Lý Sơn, có ba dự án đã được cấp phép đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư. Còn 4 dự án khác được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư không quy định thời hạn. Có dự án chồng lấn với đề xuất của FLC lên đến 2.710 ha, đó là dự án khu nghỉ dưỡng Bình Châu của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu do Tập đoàn Vingroup được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư không quy định thời hạn cũng có diện tích chồng lấn với dự án của Tập đoàn FLC khoảng 1.740 ha.
'Công viên địa chất' có nguy cơ bị xâm hại
Trong 9 dự án chồng lấn lên dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị của Tập đoàn FLC, các chuyên lo ngại dự án công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Bình Châu và vùng phụ cận đang lập hồ sơ trình UNESCO công nhận có nguy cơ bị xâm hại.
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên - môi trường), lưu ý Quảng Ngãi cần thận trọng, dự án đầu tư trước hết phải vì lợi ích cộng đồng địa phương. Do đó, căn cứ kết quả khảo sát, điều tra của nhà khoa học, khoanh vùng bảo tồn giá trị di sản, rồi đầu tư dự án ngoài khu vực đó mới là phát triển bền vững", ông Văn nói.
Theo vị chuyên gia, nếu địa phương vội vàng giao đất cho nhà đầu tư làm dự án gây xâm hại nghiêm trọng đến di sản, phá vỡ cảnh quan thì đương nhiên lập hồ sơ trình UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Du khách đi thuyền thúng ngắm rạn san hô gần khu vực thắng cảnh Bãi Sau, đảo Bé Lý Sơn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trước đó, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Ngãi đều thống nhất xây dựng và phát triển công viên địa chất Lý Sơn.
Tháng 12/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi duyệt chi gần 58 tỷ đồng để thực hiện đề án xây dựng và phát triển công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn; mời chuyên gia Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hỗ trợ khảo sát, điều tra và tư vấn lập hồ sơ trình UNESCO công nhận.
Khu vực giàu giá trị di sản địa chất, văn hóa
Đầu tháng 3/2018, Viện Địa chất cùng Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tiến hành khảo sát, đánh giá tại đảo Lý Sơn, Bình Sơn và một số địa phương lân cận. Bước đầu các nhà khoa học nhận định khu vực này giàu giá trị di sản địa chất, văn hóa (Sa Huỳnh và Chăm Pa), lịch sử, cảnh quan, khảo cổ. Đoàn cũng đặc biệt lưu ý tiến hành khoanh vùng và triển khai các biện pháp bảo tồn khẩn cấp các di sản trong phạm vi này.
Sau thời gian dài nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nhật Bản) cũng ghi nhận hoạt động núi lửa ở huyện đảo Lý Sơn xảy ra vào hai đợt chính, cách đây khoảng 10-11 triệu năm và gần nhất khoảng vài nghìn đến 1 triệu năm, trùng khớp thời gian với các hoạt động núi lửa tại khu vực ven biển xã Bình Châu và Ba Làng An. Khu vực này có thể xem là viện bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm hoi trên thế giới, xứng đáng được công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
"Quảng Ngãi cần hết sức cẩn trọng trước khi giao đất cho nhà đầu tư ở những khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên như vậy. Phát triển kinh tế nhưng không gây ô nhiễm môi trường, xâm hại di sản độc đáo này", ông Hoàng kiến nghị.
Các chuyên gia lặn khảo sát cổng tò vò dưới nước ở đảo Bé huyện Lý Sơn. Ảnh: A.Lam. |
Còn Giáo sư Nakada (Nhật Bản), Phó chủ tịch Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, chia sẻ các tiêu chí về di sản địa chất ở huyện đảo Lý Sơn và Bình Châu đã hội đủ điều kiện đa dạng về loại hình, đặc biệt hiếm có.
Riêng các tiêu chí như đa dạng sinh học, di tích lịch sử văn hóa, môi trường, cộng đồng cư dân sinh sống xung quanh, các chuyên gia cần tiếp tục giúp địa phương bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để sớm trình UNESCO công nhận vùng đảo Lý Sơn - Bình Châu là công viên địa chất toàn cầu.
Các chuyên gia địa chất cho rằng một khi di sản thiên nhiên đã được khoanh vùng bảo vệ thì các dự án không được xây chồng lấn lên đó. UNESCO có yêu cầu rất nghiêm ngặt đối với loại hình công viên địa chất toàn cầu phải phát triển cộng đồng là chính. Do vậy, khu vực di sản phải dành cho người dân bản địa để phát triển cộng đồng. Còn doanh nghiệp phải tránh ra ngoài di sản đó, để không cạnh tranh với người dân.
Về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho biết Sở này là đơn vị được giao chủ trì đề án công viên địa chất toàn cầu. Trước ý kiến trái chiều của dư luận lo ngại vùng ven biển Bình Sơn và đảo Lý Sơn chồng lấn dự án của FLC, đơn vị đang chuẩn bị các bước làm việc với Tập đoàn FLC.
“Nếu FLC được chấp thuận đầu tư thì chúng tôi sẽ cùng nhà đầu tư tích hợp công việc đang làm, đảm bảo hài hòa phát triển du lịch nhưng cũng bảo tồn di sản ở mức cao nhất”, bà Hoa nói.