Sáng 27/4, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ về tiếp xúc với cử tri các xã ven biển Bình Phú, Bình Hòa và Bình Châu (huyện Bình Sơn).
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Bùi Minh Hải, nguyên Phó chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, bức xúc cho hay từ tháng 3 đến nay, lãnh đạo tỉnh mới tổ chức hai cuộc họp với Tập đoàn FLC nhưng đã vội vàng ấn định ngày khởi công dự án.
Đại tá Bùi Minh Hải, nguyên Phó chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm rõ nhiều vấn đề dự án của Tập đoàn FLC. Ảnh: Minh Hoàng. |
Chưa công khai dự án đã định ngày 19/5 khởi công?
Đại tá Hải cho rằng dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng chưa được công bố thông tin đến người dân nhưng không hiểu sao lãnh đạo tỉnh lại đưa ngày khởi công 19/5 sắp tới. Ngày khởi công gấp gáp như vậy cơ quan chức năng dựa trên cơ sở khoa học nào, việc di dời hàng trăm hộ dân nhường đất cho dự án liệu khả thi.
Ông Hải lo lắng Quảng Ngãi chủ trương cấp gần 4.000 ha đất ven biển, đảo cho nhà đầu tư là quá lớn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chính quyền vận động người dân bám trụ "một tấc không đi, một ly không rời" nhưng giờ đây lại chủ trương di dời hàng trăm hộ dân ven biển đến nơi khác sinh sống liệu có ổn không.
Ông Hải băn khoăn một tỉnh nghèo như Quảng Ngãi xây dựng nông thôn mới còn thiếu vốn nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã đề xuất tạm ứng ngân sách 500 tỷ đồng giải phóng mặt bằng cho dự án của FLC. Không chỉ vậy, vị Chủ tịch còn dự tính "bịt đường ra biển của dân" (trung bình 8 km mới mở một đường ra biển).
"Từ thôn An Cường, xã Bình Hải đến xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) trải dài 8 km nếu chỉ mở một lối xuống biển thì người dân ở ba xã ven biển nơi đây chẳng khác nào sống trong tình trạng khốn khổ như thời kháng chiến. Dự án này mang lại phúc lợi gì cho dân hay chỉ làm giàu cho FLC?", ông Hải chất vấn.
Ngư dân xã Bình Hải (huyện Bình Sơn) đan lồng đánh bắt mực ở làng chài An Cường. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trước thông tin trái chiều xoay quanh Tập đoàn FLC đầu tư quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị ven biển, đảo, nhiều cử tri lo ngại dự án gây phá vỡ cảnh quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di sản địa chất núi lửa...
Quy hoạch chồng lấn nhiều dự án
Khu vực Bình Châu, Lý Sơn, nơi Tập đoàn FLC đề xuất làm quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị là khu vực tài sản thiên nhiên vô cùng quý báu của Quảng Ngãi; có giá trị về địa chất, địa mạo, có bãi biển đẹp và nhiều di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái động, thực vật phong phú. Do vậy tỉnh cần ràng buộc điều kiện yêu cầu các nhà đầu tư bảo tồn nghiêm ngặt các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa này.
Cử tri Phùng Bá Vương, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho hay dự án của Tập đoàn FLC là dự án thứ 4 được tỉnh chủ trương cho đầu tư vào địa phương. Ông thống kê năm 2014, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất từng công bố quy hoạch cảng Dung Quất 2 nơi đây.
Sau đó, tỉnh tiếp tục cho chủ trương Tập đoàn Vingroup xây dựng khu nghỉ dưỡng. Hai năm gần đây, khu vực được đưa vào quy hoạch, mời chuyên gia về khảo sát, lập hồ sơ công viên địa chất toàn cầu Bình Châu - Lý Sơn và vùng phụ cận. Giờ đây tỉnh lại chủ trương cho dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và đô thị của Tập đoàn FLC.
"Phải chăng là quy hoạch các dự án chồng lấn?", ông Vương đặt câu hỏi.
Ông Vương lo lắng các làng chài ở Bình Châu đến nay đã tăng lên đến 17.000 người dân. Nếu tỉnh chủ trương cho quy hoạch khu đô thị tái định cư hàng trăm hộ dân thuộc dự án FLC tiếp tục vào địa phương sẽ gây ra tình trạng quá tải, mất an ninh trật tự. Do vậy, cơ quan chức năng cần tính toán kỹ về vấn đề này.
Đặt lợi ích người dân lên hàng đầu
Kết thúc buổi tiếp xúc, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi, chia sẻ tiếp thu các kiến nghị của cử tri ven biển huyện Bình Sơn.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi Lê Viết Chữ trả lời cử tri ven biển huyện Bình Sơn xoay quanh chủ trương cho Tập đoàn FLC đầu tư dự án. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông cam kết chính quyền cùng nhà đầu tư nghiên cứu, bố trí xen kẽ một số tuyến đường ra biển và không gian bờ biển dùng chung cho cộng đồng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, tiếp cận với biển. Đi kèm với đó là việc bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các giá trị địa chất, khoáng sản, núi lửa trong khu vực quy hoạch dự án và vùng phụ cận, nhất là việc bảo tồn các giá trị địa chất núi lửa, các di sản, di tích trong khu vực dự án và vùng phụ cận.
Tỉnh và nhà đầu tư sẽ tính toán đầu tư theo hướng không phân thành nhiều khu tái định cư nhỏ, mà tập trung đầu tư xây dựng một hoặc vài khu đô thị với quy mô lớn ở Bình Châu và một số khu vực khác cho phù hợp với nghề biển, nông nghiệp, tập quán sinh hoạt của người dân địa phương.
Về kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư, nhà đầu tư phải tạm ứng để thực hiện theo tiến độ; trường hợp nhà đầu tư chưa chuyển kịp thì UBND tỉnh có thể xem xét khả năng ngân sách tỉnh tạm ứng một phần để kịp chi trả, nhưng phải đảm bảo các điều kiện ràng buộc để thu hồi hoàn trả tạm ứng ngân sách theo quy định.
"Tỉnh mới cho chủ trương để Tập đoàn FLC khảo sát, lập dự án, đến giờ phút này tỉnh chưa có quyết định đầu tư gì cả. Một dự án ra đời phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư", ông Chữ nói.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh theo trình tự thủ tục, dự án đầu tư phải kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng. Khu vực nào có những quy hoạch về quốc phòng thì phải tuân thủ các quy định về quốc phòng; đồng thời buộc nhà đầu tư cam kết tuân thủ vấn đề này.
"Ngày 19/5 là ngày dự kiến khởi công của nhà đầu tư tuy nhiên phải hội đủ điều kiện đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật. Nếu doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thì Tỉnh chưa cho phép khởi công", ông Chữ nói.
Kết thúc buổi tiếp xúc cử tri, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi đề nghị người dân bình tĩnh, đồng thuận nhằm tạo môi trường đầu tư tốt nhất; người dân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả phát triển kinh tế - xã hội.