Ngày 22/2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp bất động sản nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố.
Hội nghị có sự tham gia của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan và đại diện hơn 30 doanh nghiệp bất động sản.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong hy vọng thông qua hội nghị lần này, doanh nghiệp có thể nêu ra những khó khăn, vướng mắc của mình và vướng mắc chung của toàn thị trường.
Từ đó, các bên tìm ra giải pháp mang tính căn cơ để tháo gỡ những nút thắt của lĩnh vực bất động sản, nhất là quy trình thực hiện chủ trương đầu tư, cải cách hành chính, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng.
Tháo gỡ các "điểm nghẽn" của bất động sản
"Hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, không đạt chỉ tiêu", ông Nguyễn Thành Phong nói.
Ông dẫn chứng trong năm 2019, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với cùng kỳ, 16 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án, trong đó chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.B. |
Theo ông Phong, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.
Cùng với đó, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.
Những vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách.
Trong báo cáo về các dự án gặp vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản thuộc Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi UBND TP.HCM ngày 18/2 trước đó, gần 30 dự án của 19 doanh nghiệp đã được tổng hợp và đưa ra các đề xuất giải quyết.
Nhiều "ông lớn" than gặp khó
Trong buổi hội nghị, nhiều đại diện của các doanh nghiệp lớn trên thị trường đã thẳng thắn trình bày những khó khăn riêng, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Novaland, Nam Long, Lê Thành, Địa ốc Xanh, Quốc Cường Gia Lai...
Tại hội nghị, ông Bùi Xuân Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland - đề cập đến dự án 30,2 ha tại phường Bình Khánh, quận 2, đồng thời đề xuất hai phương án giải quyết đối với những vướng mắc của dự án này.
Phương án thứ nhất là được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công và hoàn thành phần móng, đồng thời bàn giao lại cho cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá với phần chưa triển khai và các hạng mục thương mại dịch vụ.
Phương án 2 doanh nghiệp đưa ra là được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai - cho biết doanh nghiệp có 6 dự án bị ách tắc nhiều tháng qua, gây thiệt hại lớn, đặc biệt là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè có quy mô 91 ha.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Công ty Quốc Cường Gia Lai, cho biết nhiều đối tác nước ngoài đã nản và muốn rút khỏi dự án do ách tắc quá lâu. Ảnh: H.B. |
Đối với dự án này, bà Loan cho biết đã mất 3 năm nhưng chưa thể làm xong thủ tục, công ty thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vay lãi ngân hàng cũng như lãi phải trả cho các đối tác liên doanh.
"Các đối tác nước ngoài đầu tư vào dự án của chúng tôi đã nản, muốn rút khỏi dự án. Chúng tôi rất đau lòng, không biết thủ tục dự án sẽ đi đâu về đâu", bà Loan nói.
Tương tự, "ông lớn" của các dự án nhà ở xã hội (NOXH) là Công ty Lê Thành cũng than khó với hai dự án vướng mắc đã kéo dài nhiều năm là dự án Lê Thành An Lạc và dự án Lê Thành Tân Kiên.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư cho dự án Lê Thành Tân Kiên nhưng sau 11 tháng mà vẫn chưa có "quyết định chủ trương đầu tư" do những mâu thuẫn về chỉ số kỹ thuật dự án.
Giải quyết được hay không đều cần trả lời cho doanh nghiệp
Bình luận về những chia sẻ này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói: "Các sở, ban, ngành cần phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để thấy được sự khó khăn của họ mới thấy bức xúc như thế nào. Các doanh nghiệp phải chờ đợi trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, xây dựng".
"Chỉ một vấn đề nhỏ như trường hợp của Công ty Lê Thành mà kéo dài đến 11 tháng, trong khi hoàn toàn có thể giải quyết trong 1 tuần là do sự phối hợp của các sở trong việc giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp", ông Phong nhấn mạnh.
Trong bản dự thảo về phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố, UBND cũng đưa ra một số biện pháp về 2 vấn đề chính là về chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án nhà ở và về vấn đề cấp phép xây dựng.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng cần phải tìm ra giải pháp giải quyết những vấn đề tổng thể để làm cơ sở giải quyết cái cụ thể. Những việc thuộc thẩm quyền của UBND sẽ được triển khai và thống nhất thực hiện trong thời gian sớm nhất, còn lại các vấn đề cần xin ý kiến của các Bộ, ngành hoặc Thủ tướng chính phủ trước khi thực hiện sẽ được báo cáo đề nghị xem xét.
"Chúng ta nói được là phải làm việc, những việc nhỏ cần sớm giải quyết, giải quyết được hay không cũng cần sớm có câu trả lời cho doanh nghiệp, đồng thời có những bước đi phù hợp với những dự án NOXH", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.
Đồng thời, lãnh đạo UBND TP cũng khẳng định việc đẩy nhanh triển khai thực hiện dự án là có lợi cho doanh nghiệp cũng như cho thành phố, không thể kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của thành phố, ảnh hưởng đến nguồn lực kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hướng đến uy tín của phía cơ quan chức năng đối với sự phát triển của thành phố nói chung và doanh nghiệp nói riêng.