Phần 1
ĐÊM KINH HOÀNG
Đêm ngày 13/11, người dân thủ đô Paris của Pháp hào hứng tham gia những hoạt động sôi nổi của đêm thứ 6 sau một tuần làm việc. Họ đến sân vận động theo dõi trận đấu giữa tuyển Đức - Pháp, đến nhà hát để “cháy” trong không khí buổi biểu diễn nhạc rock hoặc gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè ở quán cà phê.
Hơn 21h, một nhóm người đàn ông chia làm nhiều hướng di chuyển đến các địa điểm khác nhau ở Paris, âm mưu gây ra một vụ tấn công kinh hoàng trong khi phần lớn người dân và các lực lượng an ninh không hề biết.
-
21h20
Vụ tấn công đầu tiên gần sân vận động
Một kẻ đánh bom tự sát kích hoạt khối thuốc nổ quanh cơ thể tại cổng D ở sân vận động Stade de France. Một trận bóng giữa đội tuyển Đức và Pháp đang diễn ra tại đây. Sau vụ việc, người ta tìm thấy 2 thi thể tại hiện trường, gồm thi thể của nạn nhân và kẻ đánh bom.
-
5 phút sau
Xả súng ở nhà hàng
Các tay súng ngồi trên một ôtô đen và dừng lại ở con phố trước nhà hàng Le Carillon và Le Petit Cambodge. Chúng mang theo súng trường Kalashnikov và bất ngờ bắn bừa bãi vào người dân. 15 người đã chết và ít nhất 10 người khác bị thương nặng tại điểm tấn công này.
-
5 phút sau
Đánh bom sân vận động lần hai
Một chiến binh liều chết mang trang phục tương tự như kẻ đầu tiên đã tự kích hoạt chất nổ tại cổng H.
-
2 phút sau
Xả súng ở nhà hàng
Các tay súng tấn công thực khách ở quán Cafe Bonne Biere khiến 5 người chết và 8 người bị thương nghiêm trọng.
-
4 phút sau
Xả súng ở nhà hàng
Chiếc ôtô đen chở các sát thủ tiếp tục đến nhà hàng La Belle Equipe. Tại đây, 19 người đã chết và ít nhất 9 người bị thương dưới làn đạn của kẻ khủng bố.
-
4 phút sau
Đánh bom ở nhà hàng
Một tên đã kích hoạt khối thuốc nổ quanh cơ thể tại nhà hàng Comtoir Voltair khiến một nạn nhân bị thương nặng.
-
Cùng lúc đó
Xả súng ở nhà hát
Tại Bataclan, một nhà hát có sức chứa 1.500 người, ba gã đàn ông thực hiện vụ thảm sát khi hàng trăm người xem buổi biểu diễn của ban nhạc Eagles of Death Metal từ Mỹ.
-
-
13 phút sau
Đánh bom gần sân vận động
Vụ nổ thứ 3 xảy ra ở địa điểm cách sân vận động hơn 400 m. Sau này, cảnh sát đã tìm thấy thi thể của kẻ tấn công.
-
7 phút sau
Bắt cóc con tin ở nhà hát
Những tay súng dồn người sống sót và một góc để bắt họ làm con tin. Lúc này, hàng chục cảnh sát đang tập trung bên ngoài nhà hát.
-
140 phút sau
Cảnh sát giải cứu con tin
Đội tấn công của cảnh sát xông vào bên trong nhà hát Bataclan. 2 kẻ tấn công tự sát, một tên .
Phần 2
ĐOÀN KẾT VÀ MẠNH MẼ
Vụ khủng bố Paris đêm 13/11 khiến 129 người chết, trở thành cuộc tấn công đẫm máu nhất ở Pháp kể từ sau Thế chiến 2. Tổng thống Francois Hollande phải nhanh chóng tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước, lần đầu tiên kể từ sau vụ bạo động của người nhập cư vào năm 2005. Nhà chức trách áp dụng hàng loạt biện pháp tăng cường an ninh, bao gồm triển khai cảnh sát rầm rộ để bảo vệ an ninh tại thủ đô, đóng cửa biên giới và kiểm soát gắt gao việc xuất, nhập cảnh.
Hình ảnh những gã đàn ông đi quanh chúng tôi như các con kền kền sẽ ám ảnh tôi suốt đời.Tôi đã mong sẽ có người đến đánh thức tôi dậy và nói: Đây chỉ là cơn ác mộng.
Phát biểu ngay sau vụ khủng bố, Tổng thống Hollande nói: “Trong thời điểm khó khăn và đau thương này, chúng ta cần chứng tỏ sự cảm thông, giữ bình tĩnh và đoàn kết. Khi đối mặt với khủng bố, nước Pháp phải thể hiện sự mạnh mẽ”.
Người dân Paris nhanh chóng chia sẻ trên mạng cụm từ #portesouvertes (tạm dịch: Những cánh cửa mở) để kêu gọi mở cửa chào đón các nạn nhân đến tạm lánh. Sau khi trải qua thảm kịch kinh hoàng, nhiều người vẫn chưa hết sợ hãi nên không thể về nhà ngay.
Cộng đồng thế giới cũng tổ chức nhiều sự kiện khác nhau để chia sẻ nỗi đau của nước Pháp. Nhiều sự kiện tưởng niệm các nạn nhân diễn ra khắp nước Pháp và tại các đại sứ quán, lãnh sự quán Pháp ở nước ngoài. Họ thay đổi hình đại diện phủ quốc kỳ Pháp trên mạng xã hội. Cụm từ #PrayforParis được chia sẻ phổ biến.
Phần 3
NGHI PHẠM
Ít nhất 6 kẻ tấn công là người châu Âu và từng đến Syria. 7 tên đã thiệt mạng trong những vụ tấn công. Kẻ chủ mưu, Abdelhamid Abaaoud (quốc tịch Bỉ), đã thiệt mạng trong vụ đột kích của cảnh sát Pháp ngày 19/11. Các chuyên gia về chống khủng bố so sánh kế hoạch tấn công Paris tương tự như vụ khủng bố ở Mumbai (Ấn Độ) năm 2008, khi thủ phạm chia ra nhiều nhóm để tấn công theo các mục tiêu xác định từ trước gây náo loạn cả thành phố chứ không chỉ tập trung ở một điểm.
Cuộc đột kích tiêu diệt kẻ chủ mưu
Ngày 18/11 (giờ địa phương), cảnh sát Pháp bao vây một ngôi nhà ở vùng St. Denis ngoại ô phía bắc của Paris. Nơi này cách sân vận động Stade de France khoảng vài cây số. Ít nhất hai người thiệt mạng sau một thời gian dài chống trả của các nghi phạm. Ngày 19/11, nhà chức trách Pháp xác nhận Abdelhamid Abaaoud, 28 tuổi, đã thiệt mạng trong vụ đột kích. Cảnh sát cũng bắt 8 đối tượng khác để thẩm vấn.
Giới tình báo Pháp và Mỹ đều tin rằng Abaaoud từng đến Syria. Một quan chức châu Âu cho biết, Abaaoud đóng vai trò quan trọng trong bộ máy tuyên truyền của IS. Hồi tháng trước, tên của Abaaoud bị đưa vào danh sách mục tiêu cần phải tiêu diệt bằng không kích.
Phần 4
TRẢ ĐŨA
Một ngày sau vụ tấn công, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Paris, cho rằng “đây là đoạn đầu của cơn bão”. “8 chiến binh mang thuốc nổ quanh người và súng trường đã tấn công chính xác các mục tiêu giữa lòng thủ đô nước Pháp."Hãy để Pháp và những kẻ đi chung con đường biết rằng, họ đang nằm trong danh sách tấn công hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo”, thông báo của IS nêu.
Trước đó, khi phát biểu trên truyền hình ngày 14/11, Tổng thống Hollande cũng cho biết nhà điều tra kết luận rằng kẻ thủ ác chính là IS đã gây ra “hành động chiến tranh” để “chống lại nước Pháp và chống lại những giá trị mà chúng ta theo đuổi”.
Tại sao lại là nước Pháp?
Dư luận nhanh chóng đặt câu hỏi, vì sao Paris trở thành mục tiêu tấn công của phiến quân? Câu trả lời được nhiều người đồng tình nhất, cũng chính là lời buộc tội của IS, “vì các máy bay Pháp đã không kích người Hồi giáo ngay trong nhà nước của họ”.
Pháp có thể là mục tiêu đầu tiên của IS trong kế hoạch tấn công châu Âu. Ảnh: Reuters |
Đây là đoạn đầu của cơn bão... Hãy để Pháp và những kẻ đi chung con đường biết rằng, họ đang nằm trong danh sách tấn công hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo”
Từ cuối năm 2014, Pháp đã tham gia liên minh tiêu diệt IS ở Iraq do Mỹ khởi xướng. Mãi đến tháng 9 vừa qua, nước này quyết định mở rộng chiến dịch sang Syria. Phát biểu ngày 27/9 về lý do tăng cường phạm vi không kích, Tổng thống Hollande khi đó nói điều này “nhằm bảo vệ đất nước, hạn chế những hành động khủng bố, hành động tự vệ hợp pháp”.
Vụ khủng bố ở Paris diễn ra chưa đầy một tuần sau khi quân đội Pháp tuyên bố các chiến đấu cơ nước này đã phá huỷ một cơ sở phân phối dầu mà IS kiểm soát ở Syria. Hành động này nhằm triệt hạ một trong những nguồn mang lại kinh phí đáng kể cho IS.
Ngoài ra, chia sẻ với Zing.vn, giáo sư Greg Barton, chuyên gia về khủng bố tại Đại học Deakin (Australia) nhận định: “Paris là một trong những thành phố biểu tượng của châu Âu, nơi ra đời của cuộc cách mạng Pháp và thời kỳ triết học Ánh sáng, khởi nguồn của tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái. Do vậy, tôi không ngạc nhiên khi IS chọn Pháp là địa điểm tấn công. Những giá trị biểu tượng của Pháp đi ngược lại với những điều mà IS thể hiện”.
Pháp điều 10 chiến đấu cơ tấn công IS ngày 16/11. Ảnh: AFP |
Trả đũa mạnh mẽ
Sau khi đã xác định IS là kẻ phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công đẫm máu ngày 13/11, giới chức Pháp nhanh chóng tỏ ra mạnh mẽ và kiên quyết trong chiến dịch tiêu diệt IS.
Trong bài phát biểu quan trọng trước lưỡng viện quốc hội, Tổng thống Hollande nhấn mạnh nước Pháp “đang trong tư chế chiến tranh” và cam kết “xoá bỏ tận gốc khủng bố”. “Chúng ta không phát động cuộc chiến với một nền văn minh, vì những kẻ thủ phạm kia không phải là đại diện của điều đó. Chúng ta chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố thánh chiến”, ông Hollande nói.
Qua bài phát biểu, Tổng thống Hollande đã thể hiện trước người dân Pháp, và cả thế giới, một hình ảnh lãnh đạo mạnh mẽ và đầy cam kết để bảo vệ nhân dân của ông. Tờ Guardian (Anh) bình luận: Tổng thống Hollande hoàn toàn chuyển từ một người mềm mỏng thành tư lệnh chiến tranh.
Hành động mạnh mẽ ở chiến trường diễn ra ngay sau các lời cam kết. Ngày 16/11, Pháp phát động chiến dịch không kích IS lớn nhất từ trước đến nay của nước này, nhằm vào mục tiêu chính là thị trấn Raqqa, thành trì của IS tại Syria.
Những giá trị biểu tượng của Pháp đi ngược lại với những điều mà IS thể hiện.
Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, 10 chiến đấu cơ của nước này đã rời các căn cứ ở Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Jordan để tham gia chiến dịch, thả 20 quả bom xuống các mục tiêu ở Raqqa. Kết quả, nhiều cơ sở quan trọng của IS bị phá huỷ, bao gồm một trung tâm chỉ huy, cơ sở chiêu mộ binh sĩ, kho lưu trữ đạn dược và vũ khí, một trại huấn luyện khủng bố.
Đáng chú ý, Pháp cho biết cuộc không kích diễn ra dưới sự phối hợp cùng lực lượng Mỹ trong khu vực. Theo báo Wall Street Journal, chính Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo về các mục tiêu IS ở Raqqa để máy bay Pháp ném bom.
Sau vụ khủng bố Paris, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bộ Quốc phòng Pháp - Mỹ sẽ tăng cường những biện pháp hợp tác vững chắc trong tương lai “để theo đuổi chiến dịch chống IS lâu dài". Theo các quan chức Mỹ, bước đầu tiên là Mỹ sẽ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về IS cho Pháp. Động thái này khiến Pháp đang trở thành đối tác tình báo đáng tin cậy nhất của Mỹ ngoài nhóm Ngũ Nhãn.
Đối với các nhà phân tích quân sự, đợt trả đũa IS mạnh mẽ nhất của Pháp mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. “Hành động này gửi thông điệp chính trị rất lớn, và nó hiển nhiên nhằm vào người dân Pháp”, Thiếu tướng James Marks (đã nghỉ hưu) nói với CNN.
Phần 5
NHỮNG VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM
Lo ngại khủng bố lan rộng ở châu Âu
Sau vụ việc xảy ra ở Pháp, giới phân tích đưa ra nhiều giả thiết về mục tiêu tấn công kế tiếp của IS. Đến nay, ngoài các vùng chiếm được ở Syria và Iraq, IS đã mở rộng tấn công ra nước ngoài gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, đánh bom máy bay Nga ở Ai Cập, và vụ khủng bố ở Paris.
Giới tình báo tin rằng, cuộc tấn công của IS ở Paris có thể là một phần trong chuỗi các đợt tấn công của nước này nhằm vào phương Tây. Theo tờ Financial Times, mục tiêu nước ngoài kế tiếp của IS có thể sẽ là Đức. Phiến quân muốn gây chia rẽ trên toàn châu Âu, đặc biệt là kích động sự thù hằn đối với những người tị nạn, qua đó làm tăng uy tín cho các đảng cánh hữu để làm cô lập những người Hồi giáo ở châu Âu.
Lực lượng an ninh Pháp canh giữ quanh tháp Effel sau vụ khủng bố. Ảnh: AFP |
Anh cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công kế tiếp. Giám đốc Cơ quan Nội an Anh, Andrew Parket, cho biết đơn vị này đã phá 6 âm mưu tấn công trong năm 2015.
Nếu Abaaoud (kẻ chủ mưu) có thể đi lại tự do từ Syria vào Pháp có nghĩa là cả hệ thống châu Âu đang đối mặt với vấn đề.
Việc nhóm khủng bố có thể lên kế hoạch và thực hiện trót lọt vụ tấn công ở nhiều địa điểm tại Paris cho thấy sự thất bại của đơn vị tình báo và an ninh Pháp. Christian Leuprecht, giảng viên Trường quân sự hoàng gia Canada, lo ngại: “Cơ quan an ninh Pháp đã đối mặt với khủng bố từ thập niên 60. Với bề dày kinh nghiệm như vậy, họ vẫn không thể ngăn chặn vụ tấn công, có nghĩa là những kiểu khủng bố như thế này có thể xảy ra ở mọi nơi”.
Pháp đang đề xuất Bỉ và Nghị viện châu Âu cùng phối hợp chống những mối đe doạ an ninh nhằm vào khu vực này, bằng việc siết chặt kiểm soát ở các cửa khẩu biên giới, dỡ bỏ những rào cản về việc chia sẻ dữ liệu hành khách đi máy bay. Các Bộ trưởng Nội vụ châu Âu ngày 19/11 đã họp bàn để tìm cách lấp đầy những lỗ hổng an ninh về đi lại tự do giữa khu vực Schengen.
"Khu vực Schengen là biểu tượng độc nhất về sự hội nhập của châu Âu”, chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker phát biểu hồi tháng 9. Tuy nhiên, qua vụ khủng bố ở Paris, New York Times cho rằng các nước đã học được bài học đắt giá về những hệ luỵ và sơ hở mà khủng bố lợi dụng để xúc tiến những vụ tấn công nhằm vào EU.
Tờ báo Mỹ cũng đề xuất một giải pháp tạm thời cho các lãnh đạo châu Âu, đó là tạm ngừng mở cửa biên giới tự do, và hải quan mỗi nước phải kiểm tra kỹ hộ chiếu để đối chiếu với dữ liệu của cảnh sát quốc tế.
Vấn đề nhập cư của châu Âu
Vụ khủng bố Paris biến khủng hoảng tị nạn ở châu Âu thành cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề người nhập cư. Trước đây, các nước thành viên EU đã có nhiều ý kiến trái chiều về đón nhận người nhập cư. Sự việc trở nên căng thẳng hơn sau thảm kịch ngày 13/11, đặc biệt khi nhà chức trách tuyên bố hộ chiếu gần thi thể kẻ tấn công là của một người di cư từ Syria. (Tuy nhiên, một số ý kiến nói có thể nghi phạm đã đánh cắp hộ chiếu).
Tại Pháp, bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận quốc gia Pháp (FN) cánh hữu, nhanh chóng yêu cầu Tổng thống Hollande “dừng ngay việc tiếp nhận dòng người di cư vào Pháp”. Theo bà Le Pen, “những lo sợ và cảnh báo về khả năng xuất hiện của các phần tử thánh chiến trà trộn vào dòng người tị nạn đã hiện hữu”.
Chính sách mở cửa tiếp nhận tất cả người di cư của bà Merkel không thể đứng vững nữa.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và những đồng minh ở châu Âu, vốn ủng hộ chính sách nhân đạo về tiếp nhận người tị nạn, nay đang đối mặt với áp lực lớn. Bà Merkel và các đồng minh châu Âu từng đề xuất ý tưởng phân bố người nhập cư về các nước theo hạn ngạch. Tuy nhiên, sau thảm kịch Paris, triển vọng thực thi ý tưởng trở nên khó khăn.
Cảnh sát Đức đã tăng cường lực lượng ở biên giới trong những tháng gần đây để kiểm tra vân tay và đối chiếu với dữ liệu tội phạm hình sự quốc tế. Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích cho rằng công tác này vẫn còn nhiều sơ hở, và việc thực hiện hiệu quả là điều rất khó khi dòng người di cư đến hàng trăm nghìn người.
Một trong những tín hiệu phản đối người nhập cư đầu tiên đến từ Ba Lan. Ông Konrad Szymanski, người sẽ chính thức trở thành bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Ba Lan vào 23/11, thẳng thắn tuyên bố: “Tôi sẽ không tiếp tục thực hiện cam kết của người tiền nhiệm về việc tiếp nhận 7.000 người tị nạn vào Ba Lan”.
Tuy nhiên, bất chấp những ý kiến phản đối hoặc chỉ trích, Washington Times cho biết Tổng thống Hollande khẳng định sẽ không đóng hoàn toàn cánh cửa đối với người tị nạn. “Pháp vẫn sẽ là một quốc gia tự do. 30.000 người tị nạn sẽ vẫn được chào đón tại Pháp trong 2 năm tới. Chúng tôi có nghĩa vụ tôn trọng cam kết này”.