Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

ĐS Ted Osius và lời từ biệt: Chúng ta đã đi một hành trình dài

Tâm sự với Zing.vn những ngày cuối nhiệm kỳ, Đại sứ Mỹ Ted Osius chia sẻ suy nghĩ sau 3 năm sinh sống ở VN, những thành tựu và công việc dang dở trong xây dựng quan hệ Việt - Mỹ.

dai su Ted Osius chia se nhiem ky 3 nam tai Viet N anh 1dai su Ted Osius chia se nhiem ky 3 nam tai Viet N anh 2

Tâm sự với Zing.vn những ngày cuối nhiệm kỳ, Đại sứ Mỹ Ted Osius chia sẻ suy nghĩ sau 3 năm sinh sống ở VN, những thành tựu và công việc dang dở trong xây dựng quan hệ Việt - Mỹ.

- Ông nhận định thế nào về quan hệ Việt - Mỹ trước, trong và sau nhiệm kỳ của ông?

- Đại sứ Ted Osius: Tôi đã quan sát quan hệ Việt - Mỹ trong 22 năm. Khi tôi lần đầu đến đây, nhiệm vụ của tôi là xử lý những hậu quả chiến tranh. Chúng tôi học cách xây dựng lòng tin nhưng mục đích chính chỉ có một vấn đề. Bây giờ, hai nước đang hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng ta đã có những chuyến viếng thăm của các tàu hải quân, hợp tác huấn luyện lực lượng gìn giữ hoà bình, 15.000 sinh viên Việt Nam đến Mỹ du học, thương mại hai chiều tăng đến gần 50 tỷ USD mỗi năm. Những dự án đầu tư lớn có sự tham gia của các công ty từ Mỹ…

Rất nhiều thành tựu đã đạt được trong mối quan hệ đối tác sâu sắc và rộng lớn này. Đó là điều hoàn toàn không có cách đây 22 năm. Chúng ta đã đi một hành trình dài, đạt được nhiều kết quả ấn tượng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Cựu ngoại trưởng John Kerry từng thốt lên: “Làm sao mà có thể nhanh như vậy, từ hai nước cựu thù đã trở thành đối tác. Thành công này cũng để lại bài học cho cả thế giới. Đó thực sự là một câu chuyện đầy cảm hứng”.

Quãng thời gian 3 năm qua tiếp tục là nỗ lực xây dựng lòng tin và chúng ta cần duy trì việc này, tiếp tục nỗ lực vì những điều tốt đẹp cho nhân dân hai nước, cho khu vực và cho thế giới.

Đại sứ Ted Osius: Người kế nhiệm tôi là nhà ngoại giao xuất chúng Đại sứ Mỹ chia sẻ về 3 năm nhiệm kỳ ở Việt Nam, cho biết người kế nhiệm ông là nhà ngoại giao chuyên nghiệp đỉnh cao với nhiều kinh nghiệm làm việc trong các vấn đề châu Á.

dai su Ted Osius chia se nhiem ky 3 nam tai Viet N anh 3

- Cá nhân ông cho rằng những thành tựu nào là quan trọng nhất mà ông đạt được tại Việt nam trong 3 năm qua?

- Đại sứ Ted Osius: Trong tâm trí tôi thì những thành tựu đó đều gắn với những chuyến thăm quan trọng. Chúng tôi đã góp mặt trong chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (2015), chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2017), chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama (2016).

dai su Ted Osius chia se nhiem ky 3 nam tai Viet N anh 4

Qua mỗi chuyến thăm đó, hai nước đã xây dựng lòng tin, điều vô cùng cần thiết cho mối quan hệ song phương. Cũng qua đó, đôi bên thể hiện được sự tôn trọng dành cho nhau, tìm được những lĩnh vực mà cả hai có lợi ích chung, nơi mà chúng ta có thể cùng nhau hợp tác. Đó là những lĩnh vực vô cùng quan trọng với cả hai: An ninh, giáo dục, thúc đẩy thương mại, biến đối khí hậu, vấn đề sức khỏe.

Mỗi khi diễn ra một chuyến thăm quan trọng, chúng ta lại tìm ra cách để hợp tác tốt hơn. Tôi nghĩ rằng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, bởi vì mối quan hệ này có rất nhiều động lực, và chúng ta còn những chuyến thăm quan trọng sắp tới. Tôi nghĩ hai nước có thể tận dụng các chuyến thăm, các động lực đang có để làm sâu sắc thêm sự tin cậy và tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa so với những gì chúng ta từng làm trong quá khứ.

- Ông dường như là đại sứ duy nhất có cơ hội góp mặt trong chuyến thăm Việt Nam của hai tổng thống Mỹ liên tiếp, cũng như chuẩn bị cho nhiều chuyến thăm cấp cao của các lãnh đạo cấp cao Việt nam đến Mỹ. Ông có thể chia sẻ cảm xúc và một vài điều đáng nhớ?

- Đại sứ Ted Osius: Trước khi trả lời câu này, tôi xin chia sẻ về một ấn tượng sâu sắc với một sự kiện mà tôi tham gia từ trước khi trở thành đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000.

Khi ông ấy sang, rất nhiều người đã tràn ra đường phố, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh, để chào đón ông. Không thể tưởng tượng được là sự chào đón lại nồng hậu đến như thế.

Và cũng thật là tuyệt vời là 16 năm sau, khi Tổng thống Obama tới đây, cả triệu người xuất hiện trên đường phố thành phố Hồ Chí Minh để chào mừng ông. Obama nói ông đã đi công du khắp thế giới trong 7 năm rưỡi nhưng chưa có nơi nào ông được chào đón nhiệt tình như ở thành phố Hồ Chí Minh. Obama đã có cơ hội để giao lưu với giới trẻ, gửi thông điệp đến Việt Nam cũng thể hiện sự tôn trọng với văn hóa, lịch sử của đất nước này.

dai su Ted Osius chia se nhiem ky 3 nam tai Viet N anh 5

Và sắp tới đây chúng ta còn chào đón chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump. Một lần nữa, hai bên cam kết làm sâu sắc quan hệ, chúng tôi thể hiện sự trân trọng với Việt Nam, hai bên tìm cách thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong thương mại, an ninh, môi trường và sức khỏe. Cam kết đó sẽ được duy trì, bởi Mỹ có lợi ích ở Việt Nam. Cho dù tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam là người của đảng Dân chủ hay Cộng hòa, họ sẽ tiếp tục tới đây để làm sâu sắc quan hệ vì lợi ích của nhân dân cả hai nước, và lợi ích khu vực.

- Kết thúc nhiệm kỳ của mình, còn điều gì mà ông chưa thực hiện được?

- Đại sứ Ted Osius: Vẫn còn nhiều việc tôi chưa thể hoàn thành. Tôi nghĩ rằng hai nước chúng ta vẫn có thể thắt chặt quan hệ hơn nữa. Quá trình hòa giải vẫn còn nhiều vấn đề để giải quyết, đặc biệt là giữa hơn 2 triệu người Mỹ gốc Việt với người dân ở Việt Nam. Chúng tôi cho rằng chúng tôi đã nỗ lực đóng góp cho quá trình đó, nhưng chặng đường phía trước còn rất dài.

Bên cạnh đó, tôi muốn đóng góp thêm cho giáo dục ở Việt Nam, bởi vì tôi muốn nhìn thấy thế hệ trẻ ở Việt Nam có được những cơ hội giáo dục tốt nhất, những cơ hội mà thế hệ bố mẹ, ông bà của họ không may mắn có được.

- Xin ông chia sẻ cảm nhận về vị tân đại sứ, người sẽ kế tiếp những công việc của ông tại Việt Nam?

dai su Ted Osius chia se nhiem ky 3 nam tai Viet N anh 6

- Đại sứ Ted Osius: Mỗi vị đại sứ sẽ bàn giao lại trọng trách cho người kế nhiệm. Đại sứ Pete Peterson đã lần lượt bàn giao lại cho những vị tiền nhiệm của tôi như cựu đại sứ Marine hay cựu đại sứ Shear. Rồi ông Shear bàn giao lại cho tôi. Tôi có nhiệm vụ là sẽ cố gắng bàn giao tình hình tốt đẹp cho người kế tiếp. 

Người kế nhiệm tôi cũng là người quen biết của tôi trong nhiều năm. Daniel là một người bạn tốt, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp thượng hạng. Anh ấy thông thạo tiếng Hoa và tiếng Nhật và phần lớn sự nghiệp gắn liền với khu vực châu Á. Daniel đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam năm ngoái, khi đó anh ta là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia. Tại Bộ Ngoại giao hiện nay, Daniel đảm nhiệm vấn đề bán đảo Triều Tiên đang nóng bỏng.

Có thể nói anh ấy là nhà ngoại giao vô cùng kinh nghiệm và xuất chúng. Ngoài ra, Daniel còn có một trái tim nhiệt huyết, sự nồng ấm, chu đáo, quan tâm đến những người khác, và tinh thần tích cực. Tôi không thể nghĩ ra ai khác thích hợp hơn ngoài Daniel để chuyển giao trọng trách này.

- Sau 3 năm, đến nay ông cảm nhận cuộc sống ở Việt Nam có gì khác biệt so với những nơi khác mà ông từng công tác trước đó như Ấn Độ hay Indonesia?

- Đại sứ Ted Osius: Có hai khác biệt lớn. Thứ nhất, (ở Việt Nam) tôi được bổ nhiệm vị trí đại sứ Mỹ và được chỉ định đến đất nước này, đối với tôi mà nói, giống như điều ước thành sự thật. Đây là công việc mà tôi không thể trông đợi hơn: Trở thành đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đất nước mà tôi yêu, với văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ mà tôi muốn tìm hiểu.

Điểm khác biệt lớn thứ hai so với những lần công tác trước là hiện nay chúng tôi đã có con. Hồi công tác ở Indonesia, Ấn Độ thì chỉ có chúng tôi với nhau thôi. Mọi thứ rất khác biệt khi chúng tôi sống ở nước ngoài và cùng lúc đảm nhiệm hai vai trò: nhà ngoại giao và bậc phụ huynh. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để có thể vừa đảm nhiệm tốt cả hai vai trò đó.

- Ông Clayton Bond: Với tôi đó như là giấc mơ thành hiện thực. Không có điều gì mà chúng tôi trông đợi hơn thế. Không chỉ vì (Ted) đảm nhiệm vai trò đại sứ Mỹ mà còn bởi chúng tôi được cử tới đất nước này. Điều này khiến chúng tôi càng vinh hạnh và háo hức hơn khi được bổ nhiệm tại Việt Nam.

dai su Ted Osius chia se nhiem ky 3 nam tai Viet N anh 7

- Hai ông thích nhất điều gì ở Việt Nam?

- Ông Clayton Bond: Tôi yêu thích lịch sử. Việt Nam có nền lịch sử lâu đời và hào hùng. Tôi yêu vẻ đẹp Việt Nam thể hiện theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là tôi rất yêu phong cảnh tuyệt vời nơi đây.

Tôi yêu những con người thân thiện. Điều có ý nghĩa nhất khi tôi nghĩ về Việt Nam là sự chào đón nồng ấm mà gia đình chúng tôi nhận được. Cả hai đã tự hỏi mọi chuyện sẽ ra sao khi chúng tôi đồng giới và có con nhỏ. Nhưng chúng tôi đã được tiếp đón vô cùng thiện tình.  

- Đại sứ Ted Osius: Tôi chỉ muốn nói thêm rằng chúng tôi đã được chào đón nồng hậu ở tất cả mọi nơi, miền Bắc, miền Trung, miền Nam, bất cứ nơi đâu chúng tôi đến. Tôi nghĩ rằng sự ấm áp và thân thiện đó là nét đặc trưng của Việt Nam. Những người tới đây để du lịch hay sinh sống đều cảm thấy được chào đón.

Đặc biệt tôi còn thích ẩm thực Việt, vô cùng tuyệt vời. Chúng tôi yêu thích thưởng thức ẩm thực của mọi miền đất nước. Và đất nước này là nơi mà những đứa con của chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương, sự an toàn, được ủng hộ.

- Ông Clayton Bond: Chúng tôi từng sống ở nhiều nơi, trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng chưa có nơi nào mà trẻ em lại được yêu thương và trân trọng như ở đây.

dai su Ted Osius chia se nhiem ky 3 nam tai Viet N anh 8

- Một ngày bình thường của đại sứ Mỹ diễn ra như thế nào? Ông có nhiều thời gian dành cho gia đình và các con không?

- Đại sứ Ted Osius: Rất bận rộn. Tôi đi công tác rất nhiều, tuy không phải tất cả 63 tỉnh thành nhưng cũng phải hơn 50 nơi. Có những khi tôi không ở Hà Nội. Nhưng bất cứ khi nào ở Hà Nội, chúng tôi tận dụng mọi lúc có thể để dùng bữa sáng và bữa tối với các con, dù không phải 100% nhưng chúng tôi đã rất cố gắng để có thể ăn sáng cùng giờ với bọn trẻ, đưa chúng lên xe buýt tới trường.

Chúng tôi cố gắng để có mặt ở nhà, ăn tối cùng các con cho dù sau đó có việc phải ra ngoài. Công việc của tôi thì không ngày nào giống ngày nào. Nhưng có một điều cơ bản xuyên suốt đó là chúng tôi luôn cố gắng kết thêm bạn cho nước Mỹ. Chúng tôi cố gắng xây đắp mối quan hệ trên cơ sở những lợi ích chung của hai quốc gia, tham gia những cuộc gặp, giao lưu với những người trẻ, đôi khi là nói chuyện với các nhà ngoại giao khác.  

- Trong vai trò là “người đồng hành” của Đại sứ, ông hỗ trợ bạn đời của mình như thế nào?

- Ông Clayton Bond: Tôi rất quan tâm đến việc chúng tôi là người đại diện được tổng thống Mỹ cử đến Việt Nam. Tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi đại diện cho những giá trị tốt đẹp nhất của Mỹ cũng như của Việt Nam, để có thể tạo sự kết nối tốt nhất giữa hai nước.

Chẳng hạn, tầng trệt trong căn nhà này là nơi chúng tôi tiếp đón những vị khách quý. Tôi muốn rằng dù họ là người Việt, người Mỹ hay bất kỳ nước nào khác, đều dễ dàng bắt gặp những đặc trưng văn hoá Mỹ và Việt Nam ngay tại đây. Tương tự là chuyện đãi tiệc, tôi muốn những món ăn chính là tinh hoa của ẩm thực Mỹ và Việt Nam.  

Tôi rất xem trọng và kỹ lưỡng với những vấn đề trên. Bởi vì tôi cảm thấy việc được đại diện cho nước Mỹ, được sống ở đây là một đặc ân, nên tôi cảm thấy mình có trách nhiệm đại diện cho nước Mỹ theo cách tốt nhất.

- Dự định tiếp theo của các ông sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam?

- Đại sứ Ted Osius:  Ở lại Việt Nam là phương án rất hay. Dù thế nào đi chăng nữa thì chúng tôi cũng vẫn giữ mối liên hệ với Việt Nam. Với tôi thì có thể là thông qua giáo dục. Bởi vì điều tôi muốn làm tiếp theo là tham gia vào lĩnh vực giáo dục.

dai su Ted Osius chia se nhiem ky 3 nam tai Viet N anh 9

Chúng tôi giờ đây đã vô cùng gắn bó với đất nước này. Thực sự thì tôi cảm thấy tâm hồn mình tự bao giờ đã thuộc về nơi này.

Con trai chúng tôi từng sống ở Mỹ, nhưng quê hương duy nhất mà con gái của chúng tôi đến là Việt Nam. Bé lớn lên tại chính nơi đây. Con gái chúng tôi còn nói tiếng Việt, con trai thì hiểu ngôn ngữ này. Chúng cũng thích đồ ăn Việt Nam nữa. Bạn học và cô giáo của chúng đều là người Việt. Lũ trẻ rất gắn bó với nơi đây.

dai su Ted Osius chia se nhiem ky 3 nam tai Viet N anh 10

Cảnh Toàn - Nguỵ An

Ảnh: Tiến Tuấn
Video: Quang Đức
Đồ hoạ: Lê Nhân

Bạn có thể quan tâm