Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

ĐS Nguyễn Quốc Cường: Thương tiếc ông Abe - người bạn lớn của Việt Nam

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đánh giá ông Shinzo Abe là nhà lãnh đạo dành cho Việt Nam nhiều tình cảm và ngoại lệ, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

cuu thu tuong nhat ban shinzo abe anh 1

“Tôi rất sốc khi nghe tin ông Abe bị bắn ở Nara. Ông Abe đã không qua khỏi (sau vụ việc này). Tôi gần như là không tin vào mắt mình nữa. Thực sự tôi rất sốc và buồn khi nghe thấy tin này”, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường chia sẻ với Zing về cảm xúc sau khi nghe tin cựu Thủ tướng Shinzo Abe qua đời sau khi bị ám sát vào sáng 8/7.

Đại sứ Cường đánh giá ông Abe “là một người bạn lớn của Việt Nam” khi ông có nhiều đóng góp lớn vào quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Trong hai nhiệm kỳ, ông đã có tổng cộng 4 lần sang thăm Việt Nam. Không chỉ là người vun đắp mối quan hệ Việt - Nhật, ông Abe còn coi trọng vai trò quốc tế của Việt Nam và dành cho Việt Nam nhiều sự ưu ái.

Còn trên cương vị là người đứng đầu chính phủ, ông Cường cho rằng ông Abe là nhà lãnh đạo có tầm nhìn khi đưa nước Nhật đạt được nhiều thành tựu, trong đó phải kể tới chính sách “Abenomics”. Cựu đại sứ cũng nhận định ông Abe là người có ảnh hưởng lớn trong chính trường Nhật Bản, đặc biệt là với đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Hôm 8/7, vào lúc khoảng gần trưa (giờ địa phương), ông Shinzo Abe bị một người đàn ông tấn công bằng súng tại Nara. Ông mất nhiều máu và qua đời vào buổi chiều cùng ngày, dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa.

Nghi phạm được xác định là nam giới, 42 tuổi và là người dân địa phương. Y sử dụng súng hoa cải để gây án. Sau khi bắn trúng ông Abe, nghi phạm không bỏ trốn mà vẫn ở lại hiện trường.

“Ông Abe dành cho Việt Nam nhiều ngoại lệ”

- Ông đánh giá thế nào về đóng góp của ông Abe trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản?

- Ông Abe là người bạn lớn của Việt Nam. Ông có đóng góp rất lớn cho quan hệ Việt Nam và Nhật Bản nhiều năm qua.

Trong cả hai nhiệm kỳ thủ tướng, ông đều có chuyến thăm Việt Nam. Ông đã đến Việt Nam trên cương vị thủ tướng tổng cộng 4 lần. Việt Nam có lẽ là nước được ông Abe đến nhiều nhất, nếu không kể Mỹ, với tư cách là thủ tướng Nhật Bản. Điều đó có thể cho thấy tình cảm của ông với Việt Nam.

Ông Abe cũng có tình cảm gần gũi với lãnh đạo Việt Nam. Trong nhiệm kỳ của ông, quan hệ hai nước liên tục được nâng tầm, từ Tuyên bố chung “Hướng tới Quan hệ Đối tác Chiến lược” năm 2006, đến Quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng năm 2014 đến nay. Quan hệ Việt - Nhật liên tục phát triển sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề kinh tế thương mại đầu tư, vấn đề giao lưu tiếp xúc giữa 2 nước.

Ông Abe cũng khuyến khích doanh nghiệp 2 nước hợp tác. Trong các năm qua, số lượng người Việt ở Nhật Bản tăng lên rất mạnh mẽ, thậm chí còn thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 ở Nhật Bản.

Thông qua những đóng góp của ông Abe, tôi muốn nhấn mạnh rằng ông đánh giá rất cao vai trò và vị thế khu vực và quốc tế của Việt Nam. Ông Abe cũng chú trọng giúp Việt Nam nâng cao vị thế quốc tế. Hồi năm 2016, ông đã mời Thủ tướng tham dự Hội nghị thượng đỉnh mở rộng. Lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 là khi Nhật Bản đảm nhận vai trò nước chủ nhà.

Năm 2019, khi Nhật Bản là chủ nhà của G20, chính phủ ông Abe lại một lần nữa mời Thủ tướng Việt Nam tham dự. Điều đó cho thấy Nhật Bản rất chú ý tới vai trò quốc tế của Việt Nam, và cũng hỗ trợ Việt Nam nâng cao vị thế đó.

- Theo ông, quyết định nào của ông Abe trong thời gian tại nhiệm có ý nghĩa lớn nhất đối với sự hợp tác giữa hai nước?

- Tôi cho rằng quyết định ý nghĩa lớn nhất là nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước thành Đối tác Chiến lược sâu rộng. Nội hàm đã đưa quan hệ hai nước sâu rộng, thực chất và hiệu quả trên tất cả lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đầu tư, trao đổi nhân dân, trao đổi nhân lực, an ninh, đối ngoại,...

Ngoài ra, tôi cũng nhớ đến chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước lúc đó tới Nhật Bản, và cả chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015.

Trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Abe, tất cả lãnh đạo cao nhất của cả hai nước đều có chuyến trao đổi đoàn qua lại. Về phía Nhật Bản, lớn nhất phải kể đến chuyến thăm lịch sử của Nhà vua và Hoàng hậu lần đầu tiên tới Việt Nam.

Tôi muốn nhắc lại cựu thủ tướng có tới 3 chuyến thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ thứ 2. Trong chuyến đầu tiên vào năm 2012, khi ông tái cử, ông đã chọn Việt Nam làm điểm đến nước ngoài đầu tiên. Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản cũng tới thăm Việt Nam.

cuu thu tuong nhat ban shinzo abe anh 2

Cựu Thủ tướng Abe trong lần thăm chính thức Việt Nam năm 2017. Ảnh: Zing.

- Những ấn tượng của ông khi tiếp xúc cá nhân với ông Abe là gì?

- Trong thời gian làm đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản từ giữa năm 2015-2018, tôi có nhiều dịp tiếp xúc với ông Abe khi tháp tùng các nhà lãnh đạo Việt Nam trong các chuyến thăm Nhật Bản và các chuyến thăm của thủ tướng Nhật Bản sang Việt Nam.

Tôi cảm nhận được tình cảm lớn của ông Abe dành cho lãnh đạo, đất nước, người dân Việt Nam. Ông luôn nói ông rất coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam. Ông cũng mong muốn hỗ trợ công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Những nhu cầu về ODA trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ phía Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ phía ông Abe và chính phủ Nhật Bản trong thời gian ông tại nhiệm.

Nhiều lần, ông cũng dành cho Việt Nam những ngoại lệ.

Chẳng hạn như lần đón Tổng bí thư sang thăm Nhật Bản với tư cách là quốc khách. Phía Nhật Bản dành cho Tổng bí Thư những nghi thức trọng thị nhất dù cho thể chế chính trị hai nước là khác nhau. Hoặc khi tôi đến Văn phòng Thủ tướng, ông cũng vui vẻ nhận lời.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam, ông dành nhiều thời gian đón thủ tướng với tư cách là những người bạn thân thiết. Lúc Thủ tướng Phạm Minh Chính còn giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương sang thăm Nhật Bản, ông cũng dành nhiều tình cảm trong chuyến thăm đó.

Những ngoại lệ như vậy không phải đạt được dễ dàng. Qua đó, tôi cảm nhận được sự hỗ trợ và tình cảm của ông dành cho Việt Nam.

- Kỷ niệm cá nhân nào với ông Abe mà ông nhớ nhất?

- Có một kỷ niệm mà tôi không thể quên được, đó là món quà trước khi rời Nhật Bản về nước. Tôi nhận được lá thư của ông Abe, trong đó ông đánh giá đóng góp của cá nhân tôi cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Ông cũng nêu tôi là người bạn của nhân dân Nhật Bản. Đó là món quà có giá trị nhất đối với tôi.

cuu thu tuong nhat ban shinzo abe anh 3

Thủ tướng Shinzo Abe là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản hiện đại. Ảnh: Reuters.

“Ông Abe là một người mạnh mẽ và quyết đoán”

- Ông cảm thấy ông Abe là người có tính cách ra sao?

- Tôi cảm nhận ông Abe là một người mạnh mẽ, là một nhà chính trị quyết đoán, thể hiện được vai trò ổn định chính trị Nhật Bản trong thời gian dài, là vị thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản hiện. Có thể một phần là do quê ông ở Yamaguchi - cái nôi của cuộc Duy tân Minh Trị - nên tính cách của ông cũng có phần bị ảnh hưởng.

- Với Nhật Bản, ông đánh giá ảnh hưởng của ông Abe thế nào?

- Tôi muốn đề cập tới tầm ảnh hưởng rất lớn của ông Abe đối với chính trị Nhật Bản, đặc biệt là đảng cầm quyền Dân chủ Tự do. Trong thời gian đó, tôi thấy không ai có thể coi là đối thủ hay cạnh tranh với chức thủ tướng với ông Abe.

Trước thời ông Abe lên nắm quyền, trước năm 2012, chính trị nội bộ Nhật Bản không ổn định. Cứ trung bình một năm lại thay một thủ tướng. Khi ông Abe lên cầm quyền lần thứ 2 vào năm 2012, ông trở thành vị thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản kể sau Thế chiến II với gần 8 năm cầm quyền, góp phần đưa nội trị của Nhật Bản trở lại ổn định. Có sự ổn định đó thì mới có thể giúp Nhật Bản đưa ra các chính sách kinh tế lâu dài.

cuu thu tuong nhat ban shinzo abe anh 4

Trong thời gian làm đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản từ giữa năm 2015-2018, Đại sứ Cường có nhiều dịp tiếp xúc với ông Abe. Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cung cấp.

Ông Abe có chính sách Abenomics, giúp đưa Nhật Bản ra khỏi tình trạng kinh tế suy thoái. Trong thời kỳ đó, kinh tế Nhật Bản gần như luôn tăng trưởng dương. Đó là thành tựu đáng ghi nhận.

- Còn trong khu vực và quốc tế, ông nhận định ảnh hưởng của ông Abe ra sao?

- Dưới thời cựu thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản muốn nâng cao tầm nhìn, ảnh hưởng và vị thế của đất nước Nhật Bản để phù hợp với chủ trương ngoại giao tầm nhìn toàn cầu.

Ông Abe cũng là vị thủ tướng trong những năm cầm quyền đã đến thăm rất nhiều quốc gia. Từ đó, ông đã giúp phát huy vai trò của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Ngày rúng động của nước Nhật vì cái chết của ông Shinzo Abe Vụ ám sát một cựu thủ tướng có ảnh hưởng lớn như ông Shinzo Abe, và tại một đất nước với tỷ lệ bạo lực súng đạn thấp như Nhật Bản đã tạo nên một cơn "địa chấn" đối với người dân.

Thư nước Nhật: 'Chị ơi, em bật khóc khi nghe tin ông Abe qua đời'

“Cả nước Nhật sẽ thương nhớ ông Shinzo Abe”, bạn bè và đồng nghiệp của tôi ở Tokyo, Nhật Bản chia sẻ.

Thế giới sẽ còn nói rất lâu về Shinzo Abe

Tầm ảnh hưởng của Shinzo Abe đã vượt quá hai nhiệm kỳ thủ tướng của ông. Sau ngày hôm nay, di sản đó sẽ kéo dài hơn cả cuộc đời Abe.

Phương Linh - Hồng Sơn

Bạn có thể quan tâm