Chỉ số công nghiệp Dow Jones ở sàn New York giảm tới 800,49 điểm (xấp xỉ 3%) trong phiên ngày 14/8, chủ yếu do cổ phiếu ngân hàng và chế tạo giảm mạnh.
Số liệu kinh tế bi quan từ Đức và Trung Quốc làm gia tăng lo ngại rằng các nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu phát triển chững lại, sau những ảnh hưởng thương chiến Mỹ - Trung, theo Wall Street Journal.
Chỉ số Dow Jones ở sàn New York rớt hơn 800 điểm trong phiên 14/8. Ảnh: WSJ. |
Ngoài ra, tín hiệu từ thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ cho thấy một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể đang “lấp ló” phía chân trời.
Lo ngại về tương lai, các nhà đầu tư đổ xô mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ, được coi là ít rủi ro nhất (chính phủ Mỹ luôn có thể in tiền để trả lại mệnh giá trái phiếu).
Giới đầu tư đang có nhu cầu cao hơn đối với trái phiếu có thời gian đáo hạn 10 năm, đẩy giá trái phiếu 10 năm lên cao và làm cho lợi suất thực (yield - tỷ lệ lợi nhuận sẽ nhận được khi đầu tư vào trái phiếu) của trái phiếu loại này giảm xuống.
Theo Wall Street Journal, điều đáng chú ý là lợi suất trái phiếu 10 năm đã giảm xuống dưới lợi suất trái phiếu 2 năm lần đầu tiên kể từ năm 2007, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính. Lẽ ra, lợi suất 10 năm phải lớn hơn lợi suất 2 năm, theo quy luật của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ.
Ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung đang “tràn ra” các cường quốc khác, theo Wall Street Journal. Ảnh: Reuters. |
“Chưa biết chúng ta có rơi vào khủng hoảng kinh tế hay không, đây cũng là dấu hiệu không tốt”, Michael Farr, Chủ tịch công ty đầu tư Farr, Miller & Washington ở Mỹ, nói. “Bạn sẽ thấy giới đầu tư thận trọng hơn nữa”.
Ngày “đỏ sàn” 14/8 đã lấy đi hy vọng có được sau khi Tổng thống Trump đột ngột tuyên bố hoãn kế hoạch đánh thuế Trung Quốc.
Cùng ngày ở Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm 2,9% còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 3%. Chỉ số Đức DAX giảm 2,2%, còn Stoxx Europe của châu Âu giảm 1,7%.