Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TT Trump áp thuế 10% lên hàng Trung Quốc, cổ phiếu châu Á lao dốc

Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc còn lại trong khi Nhật Bản chính thức leo thang cuộc chiến thương mại với Hàn Quốc.

Lệnh đánh thuế từ Tổng thống Trump được đưa ra ngay sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kết thúc vòng đàm phán về thương mại trong tuần này, và dự định tiếp tục thương thảo ở Washington đầu tháng sau.

Không lâu sau đó, Nhật Bản tuyên bố loại Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" ưu đãi về nhập khẩu, động thái sẽ làm leo thang cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tuần qua giữa hai nước.

Chứng khoán châu Á hạ điểm ngay sáng 2/8, sau quyết định gây ngạc nhiên của ông Trump. Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,58%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,28%.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,13% trong buổi sáng, trong khi chỉ số Topix hạ 1,93%. Kospi của Hàn Quốc giảm 1,06%.

trump ap thue hang Trung Quoc anh 1
Tổng thống Trump trả lời báo chí ở Washington ngày 30/7. Ảnh: Reuters.

"Đòn giáng" bất ngờ từ Mỹ

Phản ứng với tuyên bố áp thuế của Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói đây không phải là cách giải quyết “cọ xát thương mại” giữa Bắc Kinh và Washington.

“Áp thêm thuế không phải là biện pháp mang tính xây dựng để giải quyết cọ xát thương mại và kinh tế. Như vậy không đúng cách”, ông Vương trả lời báo chí bên lề một hội nghị với các nước Đông Nam Á ở Thái Lan.

“Không rõ vì sao ông Trump lại leo thang cuộc chiến tranh thương mại”, Tapas Strickland, kinh tế gia của ngân hàng National Australia Bank, viết trong một phân tích.

Tại hội nghị G-20 ở Nhật Bản hồi tháng 6, ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn tuyên bố đã đạt được thỏa thuận tạm ngưng leo thang cuộc thương chiến.

“Đáng lo ngại cho kinh tế thế giới là việc ông Trump đang muốn dùng hết sức mạnh, rồi hy vọng Trung Quốc sẽ quỵ ngã trước sức ép và buộc phải làm theo yêu cầu của Mỹ”, ông Strickland viết.

“Nếu vậy, Trung Quốc có thể sẽ trả đũa bằng các hàng rào phi thuế quan, cũng như tăng cường các gói trợ cấp (nội địa) để đối phó với thách thức bên ngoài”, ông nói thêm.

trump ap thue hang Trung Quoc anh 2
Cuộc đàm phán ở Thượng Hải kết thúc mà không có tiến triển đáng kể. Ảnh: Reuters.

Trước đó, vào tháng 5, hai nước Mỹ - Trung đã đến gần nhất tới một thỏa thuận có thể giải quyết cuộc chiến thương mại diễn ra từ đầu năm 2018.

Tuy nhiên, đàm phán đã không thành, được cho một phần là vì Bắc Kinh không chấp nhận việc luật hóa một số điều khoản, liên quan tới cáo buộc Trung Quốc ép buộc chuyển giao công nghệ.

Mỹ từ lâu đã cáo buộc Bắc Kinh ép các doanh nghiệp Mỹ lập liên doanh thì mới được tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân, đồng nghĩa với việc chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Ngoài ra, công ty Trung Quốc bị cho là cạnh tranh không lành mạnh với các khoản trợ cấp khổng lồ từ nhà nước.

Ngay sau đó, Tổng thống Trump ra lệnh tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải tăng thuế trả đũa đối với 60 tỷ USD hàng Mỹ. Mỹ cũng ra lệnh cấm bán linh kiện, công nghệ cho Huawei, chặn nguồn cung quan trọng cho các sản phẩm điện thoại di động của hãng này.

Cuộc chiến khác tại châu Á

Nhật Bản ngày 2/8 loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi về nhập khẩu hàng Nhật, và lệnh này sẽ có hiệu lực từ 28/8. Đây là bước leo thang mới nhất trong mâu thuẫn thương mại Nhật - Hàn, nhiều khả năng sẽ khiến căng thẳng gia tăng thêm.

Cổ phiếu Samsung giảm 2% ngày 2/8, trong khi Hynix giảm 3%.

Động thái mới nhất của Tokyo được dự báo sẽ ảnh hưởng tới hơn 900 mặt hàng, bao gồm nguyên vật liệu, hóa chất và linh kiện. Ngành công nghệ Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp Nhật Bản. Và mặc dù hai lãnh đạo đang nhận được thêm sự ủng hộ vì lập trường cứng rắn trước láng giềng, Nhật Bản có thể sẽ tự làm hại kinh tế của mình vì nhiều ngành có liên kết lớn với Hàn Quốc, theo Bloomberg.

trump ap thue hang Trung Quoc anh 3
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đi qua Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở hội nghị G-20 ở Osaka, Nhật Bản ngày 28/6. Ảnh: Getty.

Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko tuyên bố quyết định này không nhằm mục đích trả đũa, mà vì an ninh quốc gia. Nhưng ông cũng nhắc đến sự xói mòn lòng tin sau phán quyết của tòa án Hàn Quốc cuối năm ngoái yêu cầu công ty Nhật bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức Hàn Quốc trong Thế Chiến II, theo Reuters.

Tháng trước, Nhật Bản tuyên bố sẽ thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu ba loại nguyên liệu chuyên dùng cho ngành công nghệ ở Hàn Quốc. Tokyo nói nước láng giềng kiểm soát lỏng lẻo các nguyên liệu nhạy cảm, và coi đây là vấn đề an ninh quốc gia, theo Bloomberg.

Nhưng Hàn Quốc phủ nhận, và coi đây là đòn trả đũa nghiêm trọng của Tokyo đối với phán quyết về lao động cưỡng bức. Tokyo luôn cho rằng mọi đền bù thời chiến đã được dàn xếp trong hiệp định năm 1965, nhưng tòa án Hàn Quốc nói hiệp định này chưa tính đến sự đau đớn về tinh thần của nạn nhân.

“Với Hàn Quốc, một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại, các động thái này (của Tokyo) đang phủ bóng đen lên các dự báo”, An Young Jin, kinh tế gia ở SK Securities nói với Bloomberg.

Quan chức Hàn Quốc đã cảnh báo sẽ xem xét lại hiệp định chia sẻ thông tin tình báo với Nhật, trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thử tên lửa.

Sau cuộc họp kín kết thúc sớm, Mỹ im lặng, TQ nhượng bộ

Phó thủ tướng Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã gặp nhau trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 5, nhưng những cam kết mà hai bên đưa ra vẫn tương đối mơ hồ.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm