Hai năm trở lại đây, mỗi khi đến thời điểm công bố điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia thay vì phải đến các địa điểm niêm yết vật lý hay tra cứu trên website, hàng chục nghìn học sinh lớp 12 tại tỉnh Quảng Nam đã dễ dàng tra cứu điểm thi qua Zalo “1022 Quảng Nam” với smartphone.
“Tra cứu điểm thi THPT qua Zalo rất nhanh và hiệu quả”, em Nguyễn Tiên Quang (18 tuổi, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) nhận xét.
Đây là một trong nhiều tiện ích của trang Zalo “1022 Quảng Nam” đang được Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam) triển khai trong số hóa các dịch vụ, tiện ích công để phục vụ người dân tốt hơn.
Hàng trăm lượt truy vấn mỗi ngày
Tương tự, với chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (34 tuổi, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), công việc của một viên chức nhà nước tương đối bận rộn, để tối ưu thời gian chị thường lựa chọn làm các dịch vụ, thủ tục có thể thực hiện online. Gần đây nhất thông qua Zalo “1022 Quảng Nam”, chị Hằng có nộp hồ sơ để giải quyết TTHC về đất đai và rất hài lòng.
“Không cần tốn thời gian đi lại, tôi chỉ cần nhập mã hồ sơ hoặc quét QR là có thể theo dõi xem hồ sơ của mình xử lý tới khâu nào, có cần bổ sung hay không. Zalo của tỉnh sẽ tự động nhắn tin khi hồ sơ của tôi hoàn tất”, chị Thúy Hằng nói.
Thông tin, tiến độ giải quyết các TTHC đã nộp được gửi cho người dân qua Zalo “1022 Quảng Nam”. Ảnh: NVCC. |
Là 1 trong những tỉnh thành đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng nền tảng công nghệ Zalo trong công tác cải cách hành chính, hiện trang Zalo “1022 Quảng Nam” thu hút gần 100.000 lượt người dân quan tâm, theo dõi.
Trung bình mỗi tháng Zalo “1022 Quảng Nam” có hơn 110.000 lượt xem bài viết và gần 1.400 lượt chia sẻ các tin bài giá trị. Mỗi ngày có hàng trăm truy vấn đến các tiện ích được cung cấp trên trang Zalo này.
“Từng bước chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam”.
Ông Trương Thanh Bình
Ông Trương Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam) - cho biết, từ khi Zalo “1022 Quảng Nam” được thành lập người dân, doanh nghiệp lại có thêm kênh tương tác nhanh, hiệu quả cùng chính quyền.
Sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng được nâng cao.
Sau hơn 3 năm, hiện trang Zalo “1022 Quảng Nam” đã và đang triển khai 3 nhóm tiện ích hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gồm: Nhóm thông tin hỗ trợ dịch vụ công; nhóm hỗ trợ tra cứu thông tin cần biết và nhóm thông tin hỗ trợ phòng tránh dịch bệnh Covid-19.
Nhóm tiện ích hỗ trợ dịch vụ công trên Zalo “1022 Quảng Nam” giúp số hóa TTHC, tiết kiệm thời gian cho người dân. Ảnh: Sở TT&TT tỉnh Quảng Nam. |
Trong đó, tiện ích hỗ trợ dịch vụ công đặc biệt được người dân đánh giá cao khi hầu hết thủ tục hành chính từ bước nộp hồ sơ, tra cứu tình trạng hồ sơ, thông báo phí, lệ phí đến thông báo khi cần bổ sung hồ sơ, báo kết quả, gửi bản mềm kết quả giải quyết... đều được thực hiện qua Zalo.
“Sự ra đời của Zalo ‘1022 Quảng Nam’ là minh chứng của việc quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong TTHC. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các dịch vụ công do tỉnh cung cấp”, ông Trương Thanh Bình nhấn mạnh.
Song song, trang Zalo “1022 Quảng Nam” cũng có trách nhiệm tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính. Trung bình mỗi tháng có hơn 7.780 tương tác giải đáp, hỗ trợ người dân thông qua trang Zalo.
“Ngoài cán bộ chuyên trách vận hành, trả lời trực tiếp chúng, tôi cũng tích hợp chatbox tự động trả lời các truy vấn của người dân, doanh nghiệp gửi đến”, đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thông tin.
Địa phương hóa theo nhu cầu
Ngoài phục vụ số hóa TTHC, trang Zalo của tỉnh Quảng Nam có nhiều tiện ích thiết thực với đời sống hàng ngày của người dân địa phương đặc biệt là người dân cả nước khi đến đây tham quan du lịch.
Lần đầu đến thành phố Hội An (Quảng Nam), anh Hồ Trung Dũng rất ngạc nhiên vì hầu hết thông tin về du lịch tại địa phương từ các địa điểm tham quan nổi tiếng của huyện xã, các điểm lưu trú đến gợi ý về ẩm thực, đặc sản địa phương đều được tích hợp và dễ dàng tìm kiếm trên trang Zalo “1022 Quảng Nam” của tỉnh.
Các tính năng trên Zalo “1022 Quảng Nam” được xây dựng theo thế mạnh của địa phương và nhu cầu thực tế. |
“Zalo của tỉnh như một quyển ‘Cẩm nang online’, các thông tin du lịch đều được cung cấp chi tiết. Đơn cử, tôi chỉ cần mở Zalo của tỉnh chọn đặc sản nổi bật thì sẽ được giới thiệu tên cơ sở bán hàng, địa chỉ, số điện thoại... ”, anh Dũng thích thú.
Ngoài ra các tiện ích phục vụ đời sống hàng ngày, trên Zalo này cũng có thể tra cứu thông tin như lịch trình xe bus, lịch cắt điện, cơ ở y tế, tra cứu giá đất, xe vi phạm trật tự an toàn giao thông hay thông tin các văn bản pháp luật, chính sách của tỉnh Quảng Nam, Trung ương, thông tin về phòng chống thiên tai, dịch bệnh...
“Để triển khai các tiện ích nói trên, chúng tôi đã thực hiện việc lấy ý kiến các ngành trên địa bàn tỉnh, khảo sát nhu cầu thực tế của người dân và địa phương cũng như tham khảo OA của các tỉnh bạn”, ông Bình nói.
Một buổi tập huấn phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số cho người dân xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình. Ảnh: Sở TT&TT tỉnh Quảng Nam. |
Có được những kết quả nói trên công tác truyền thông đã được đơn đầu tư nghiêm túc từ những ngày đầu thông qua việc lồng ghép, giới thiệu về Zalo “1022 Quảng Nam” trong các buổi hội thảo về chuyển đổi số. Tổ chức tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh việc ứng dụng Zalo để giải quyết thủ tục hành chính.
“Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải đi đầu trong triển khai thực hiện. Đồng thời, là tuyên truyền viên để vận động tổ chức, người dân, doanh nghiệp hưởng ứng, thực hiện”.
Ông Trương Thanh Bình
Cũng theo ông Bình, một trong những rào cản khiến người dân chưa mặn mà sử dụng các dịch vụ công trực tuyến là quy trình phức tạp, ngại thao tác online, tâm lý nhiều người muốn gặp trực tiếp cán bộ thụ lý hồ sơ để yên tâm hơn.
Vì vậy, để tiếp tục phổ biến rộng rãi, nâng cao hiệu quả của trang Zalo “1022 Quảng Nam”, hiện đơn vị đang tận dụng truyền thông qua các tổ công nghệ cộng đồng (hiện 50% số xã tại tỉnh Quảng Nam có tổ công nghệ cộng đồng).
“Chúng tôi sẽ lồng ghép các nội dung, giới thiệu về Zalo ‘1022 Quảng Nam’ trong sinh hoạt của tổ công nghệ cộng đồng để mọi người biết và sử dụng. Đây sẽ là lực lượng xung kích ở địa phương giúp hỗ trợ, dần thay đổi thói quen của người dân, doanh nghiệp khi tương tác với chính quyền các cấp”, ông Bình cho hay.