Năm 2020, tại diễn đàn trí tuệ nhân tạo thường niên Zalo AI Summit, một số chuyên gia dự đoán AI, cụ thể là trợ lý giọng nói sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam trong 5 đến 10 năm nữa. Bởi giọng nói được xem là công cụ giao tiếp hiệu quả nhất giữa người và máy móc, và đã phổ cập ở các nước phương Tây từ một thập kỷ trước.
Năm 2018, PwC - một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (Big 4) - còn đưa ra báo cáo về tác động của trợ lý giọng nói đến cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân Mỹ. Ngoài dùng trên điện thoại, máy tính bảng, laptop, loa thông minh... 40% người được khảo sát cho biết thường xuyên gọi trợ lý giọng nói trong lúc lái xe.
Nhu cầu điều khiển bằng giọng nói trên ôtô gia tăng
Thực tế, sự phổ biến của AI ở Việt Nam đã đến sớm hơn dự đoán, khi hiện nay hàng nghìn chiếc ôtô trên đường phố đã có thể sử dụng các tiện ích hiện đại trong lúc lái xe, ra lệnh bằng giọng nói thực hiện tác vụ thông minh. Quá trình phát triển nhanh chóng của công nghệ trong nước đã mang AI len lỏi vào cuộc sống thường nhật của người dân mà không mất thời gian quá lâu.
Chỉ trong một năm, số lượt cài đặt và sử dụng Kiki trên xe hơi đã lên đến 100.000 xe. Nếu so sánh với con số 400.000 xe hơi bán ra trong năm 2021, 100.000 xe là con số ấn tượng. Chia sẻ trong một nhóm về ôtô trên mạng xã hội, tài khoản Phương Nguyễn viết: “Khá ấn tượng với tin này. Tôi dùng thì thấy Kiki khá hay, trả lời nhanh và đúng”.
Hiện cả nước có 100.000 ôtô cài đặt sử dụng trợ lý giọng nói Kiki. |
Trước đây, chủ sở hữu những chiếc xe thông thường không có hệ thống thông tin giải trí (IVI system - In-Vehicle Infotainment) phải nhờ trợ giúp của smartphone để nghe nhạc, hoặc thủ công tìm bản đồ. Mất nhiều thao tác rườm rà, người cầm vô lăng mới đồng bộ được xe với điện thoại. Thậm chí ôtô có màn hình tuy có thể mở các tiện ích nhưng lại đòi hỏi chủ phương tiện phải thực hiện thủ công tất cả thao tác trong lúc đánh lái. Điều bất tiện này buộc tài xế phải rời tay khỏi vô lăng, gây mất tập trung.
Trong bối cảnh trợ lý giọng nói trên ôtô trở thành xu hướng toàn cầu, người dùng Việt tìm thấy một “chiếc phao” để điều khiển tác vụ trong lúc lái xe, tuy nhiên khá loay hoay làm quen các trợ lý ngoại nhập với yêu cầu nhận lệnh bằng tiếng Anh. Khi trợ lý tiếng Việt Kiki ra mắt cuối năm 2020, người lái xe trong nước mới hoàn toàn thoải mái ra lệnh cho trợ lý bằng tiếng mẹ đẻ.
Kiki lần đầu ra mắt vào cuối năm 2020 tại sự kiện Zalo AI Summit. |
Thời điểm đó, Kiki được người dùng đón nhận với 3 tính năng cơ bản là tìm đường, mở nhạc, đọc tin tức và được sử dụng trên ôtô thông qua kết nối Apple CarPlay hoặc Android Auto với ứng dụng Zing MP3. Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo “make in Vietnam” giúp những chủ phương tiện đời cũ hưởng lợi lớn khi có thể dễ dàng tận hưởng những tiện ích thông minh, vốn chỉ có ở dòng xe cao cấp.
Được kỳ vọng phát triển sâu hơn trong thị trường ôtô
Trong bài viết đánh giá về sự phổ biến của trợ lý giọng nói trên xe ngày nay, tờ Business Insider nhận định nhiều thương hiệu ôtô đã tạo sự độc đáo, thêm các dịch vụ địa phương hóa sau khi tích hợp trợ lý giọng nói trên hệ thống IVI System của xe. Điều này ngoài tăng trải nghiệm cho người dùng trong chiếc xế cưng, còn có thể là yếu tố tạo sự khác biệt chính cho hãng sản xuất xe trên thị trường.
Nhận thấy lợi thế chiến lược từ việc sở hữu trợ lý giọng nói tiếng Việt trên xe hơi nhưng chưa được các hãng ôtô chú trọng, từ giữa năm 2021, 2 hãng màn hình Gotech và Zestech tích hợp Kiki lên tất cả sản phẩm màn hình ôtô thông minh. Sự kiện này được xem là cột mốc đáng nhớ của thị trường ôtô thông minh năm ngoái. Các phương tiện đời cũ dễ dàng hơn trong việc trải nghiệm các tiện ích hiện đại bằng cách lắp ráp thêm màn hình DVD trên xe có tích hợp sẵn Kiki. Bản thân 2 hãng màn hình dẫn đầu thị trường cũng tăng trưởng đáng kể sau khi tích hợp thành công trí tuệ nhân tạo.
Chủ phương tiện có nhiều cơ hội sở hữu tiện ích thông minh trên xe khi nhiều thương hiệu màn hình tích hợp sẵn trợ lý giọng nói. |
Anh Trần Văn Hoàng (quận Thủ Đức, TP.HCM) nói: “Trước đây tôi biết có trợ lý giọng nói dùng được trên xe nhưng lại không biết tiếng Anh nên không xài. Nhưng Kiki thì nói bằng tiếng Việt được, chỉ cần mua màn hình là có thể tìm đường, nghe nhạc khá tốt”.
Liên tiếp sau đó, các hãng màn hình ôtô khác cũng tích hợp Kiki trên sản phẩm như Bravigo, Safeview, OledPro, Eononpro, Teyes... giúpngười dùng xe hơi trong nước có cơ hội sở hữu trí tuệ nhân tạo.
Theo số liệu từ Automotiveworld.com, trong 5 năm tới các nước châu Á - Thái Bình Dương có doanh số bán ôtô tích hợp sẵn trợ lý giọng nói tăng rất nhanh và con số này có thể đạt hơn 50 triệu chiếc vào năm 2028. FutureBridge, công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Ấn Độ cho biết, chủ sở hữu ôtô có xu hướng thích những trợ lý phổ biến và gần gũi thay vì của các hãng xe phát triển riêng.
Doanh số ôtô tích hợp sẵn trợ lý giọng nói tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán tăng nhanh trong vài năm tới. |
Con số 100.000 ôtô cài đặt Kiki cũng chỉ ra rằng một bộ phận không nhỏ người lái xe ở Việt Nam đang có nhu cầu sử dụng tiện ích giải trí và thực hiện tác vụ hữu dụng thông qua câu lệnh giọng nói. Điều này cũng đặt ra bài toán với các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước làm sao để phục vụ người dùng tốt hơn, thay vì giải pháp mua và lắp ráp màn hình rời ở bên ngoài.
Những tác vụ quen thuộc trên xe như tìm đường, mở nhạc… đều được trợ lý giọng nói hỗ trợ thực hiện. |
Thị trường xe hơi thông minh trong nước thời gian tới có lẽ cần thêm những trang bị gần hơn với nhu cầu của thế hệ người dùng mới, ưa thích công nghệ và trải nghiệm tiện lợi đi kèm chi phí phải chăng.