Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đồng vàng trên cao nguyên: Những nông dân tỷ phú

Ở huyện Đăk Song (Đăk Nông) bây giờ, việc nông dân lái ôtô Fortuner hoặc Hilus đi làm vườn đi thăm trang trại là khá phổ biến. Số nông dân tỷ phú ở Đăk Song là rất nhiều.

"Ít thôi, hơn... 20 tỷ!"

Nông dân Nguyễn Thanh Tịnh (65 tuổi, ở thôn 3, xã Nâm Djang, huyện Đăk Song) nói rất thản nhiên khi tôi hỏi thu nhập của gia đình ông năm 2014 là bao nhiêu: "Ít thôi, hơn... 20 tỷ!". Tôi giật mình với cái gọi là "ít thôi" của ông. Quê gốc ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), nhưng ông Tịnh lại sinh ra ở Đồng Nai.

Do làm ăn khó khăn nên năm 1990, ông đưa vợ con lên Đăk Song, cùng vỡ đất trồng tiêu với ông bác ruột. Ông cho biết: Ngày mới lên khổ lắm, chưa quen khí hậu nên hay ốm vặt, trước giờ chưa trồng tiêu nên cứ lúng túng như gà mắc tóc, đất đai chưa có nhiều nên phải đi làm thuê cho người khác...

Bây giờ, sau nhiều năm tích cóp, gia đình ông Tịnh đã có một gia sản mà bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ: 4 ha cà phê đang kinh doanh, 16 ha hồ tiêu (10 ha đã kinh doanh).

Ông tính toán: Năm 2014 thu được 16 tấn cà phê, bán với giá 35.000 đồng/kg, ông thu được 560 triệu đồng. Đặc biệt với hồ tiêu, năng suất bình quân 5 kg/trụ, nhân với 100 ngàn trụ (10 ha đã kinh doanh), thu được khoảng 100 tấn sản phẩm, bán với giá 200 ngàn đồng/kg, ông thu được 20 tỷ đồng. Với quy mô như trên, ông thuê 10 người là lao động thường xuyên, còn khi vào vụ, ông phải thuê 70-80 lao động.

"Ta đi vườn thôi!" - ông rủ rê, và ra phía sau ngôi biệt thự, lùi chiếc Fortuner ra, chở chúng tôi đi thăm vườn. Hóa ra ở vườn cũng có một ngôi biệt thự sang trọng khác, ông làm cho con trai đã ra ở riêng (ông có 6 người con. Cô út đang học đại học dưới Sài Gòn, còn lại đã có gia đình và nghe đâu, cũng có cơ ngơi sang trọng cả). Phía đối diện, bên cạnh dòng suối và hệ thống ao cá là dãy nhà xây khang trang, dành cho 10 lao động thường xuyên ăn ở, sinh hoạt.

Tác giả (đội mũ trắng) bên nông dân Nguyễn Thanh Tịnh... Đọc thêm tại: http://nongnghiep.vn/dong-vang-tren-cao-nguyen-nhung-nong-dan-ty-phu-post153527.html | NongNghiep.vn

Tác giả (đội mũ trắng) bên nông dân Nguyễn Thanh Tịnh.

Nói về việc làm ăn, ông cho biết thêm: Hàng năm, thừa tiền là lại mua thêm đất, trồng thêm hồ tiêu. Mới đây, ông mua thêm được 25 ha đất, đang tiến hành trồng cỏ nuôi bò. Hiện ông đang làm trang trại bò, đã mua được 20 con bò lai.

Những nông dân như ông Tịnh, ông Thu và nhiều người khác nữa, bằng niềm đam mê và sự hiểu biết, đã làm giàu cho chính mình, làm giàu cho xã hội. Họ đã chung tay xây dựng nên những cánh đồng vàng trên cao nguyên thẳm xanh này. Họ là những người xứng đáng được tôn vinh nhất.

Thấy chúng tôi tỏ thái độ ngưỡng mộ, ông Tịnh nói: "Tôi thuộc diện trung bình ở đây, mới chỉ là em út của anh Quân bên kia thôi!" - ông đưa tay chỉ ngôi biệt thự gần đấy. Chúng tôi nhìn theo mà không phân biệt được đâu là nhà ông Quân, bởi suốt dọc hai bên đường đều là biệt thự, nhà nào cũng có ô tô mà bét nhất là... KIA SORENTO, có nhà còn có thêm xe bán tải loại xịn dành riêng đi làm vườn.

Ông Tịnh mời chúng tôi ở lại ăn cơm trưa. Ở đây có vườn cây, có ao cá, có suối nước trong. Trên xe lại có mấy chai rượu Ama Kông. Kể ra ở lại ăn cơm với ông thì thật là thú vị. Tuy nhiên, chúng tôi còn phải sang bên thôn 10 bởi nghe đâu bên ấy, có một lão "gàn", bỏ phố lên rừng để làm... tỷ phú.

Bỏ phố lên rừng

Đó là nông dân Đinh Xuân Thu (55 tuổi, ở thôn 10, cùng xã Nâm Djang). Sau khi tạo dựng cơ nghiệp bề thế, ông "gửi" vợ con ở Sài Gòn, riêng mình lên Tây Nguyên tìm đường làm ăn. Ở đây, ông trải qua rất nhiều nghề mà nghề nào cũng thành công. Và có lẽ khi... không còn rừng, ông bỏ nghề lâm nghiệp để từ đây, ông bén duyên với nghề nông. Năm 2004, ông chính thức đăng ký thành lập trang trại với quy mô 30 ha, gồm 5 ha hồ tiêu, còn lại là rừng trồng gỗ quý như sao, cẩm, giáng hương...

Cứ làm, tích lũy và mua thêm đất để đến nay, trang trại của ông có tổng diện tích 41 ha. Riêng hồ tiêu có 21 ha cho leo cây xà cừ, muồng đen, sưa đỏ... Hiện đã có 6 ha hồ tiêu cho kinh doanh và năm tới, sẽ có trên 10 ha đưa vào kinh doanh. Ngoài ra, ông còn tổ chức chăn nuôi một cách vô cùng khoa học với 50 con bò, bầy gà sinh thái 1.000 con thả tự nhiên, 40 con giống lợn rừng lai, 3 ha mặt nước nuôi cá chình. Ông cho biết, sắp tới ông sẽ tổ chức nuôi dê, trùn quế, 1.000 con lợn gia công cho Công ty CP ở Đồng Nai...

Trang trại của ông thường xuyên có 15 lao động ăn ở và làm việc, được trả lương cao, có nhiều chế độ khen thưởng xứng đáng. Ông cho biết: Năm 2014, tổng thu từ trang trại trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng.

Làm cái nghề này, đã từng tiếp xúc với rất nhiều nông dân, nhưng tôi lại có ấn tượng mạnh với nông dân Đinh Xuân Thu này. Đến trang trại, vừa bước xuống xe, ông đưa khách ra ngôi nhà thủy tạ giữa hồ nước trong vắt. Sau khi mời nước, ông đưa ra hộp bánh có chữ Nhật: "Của mấy thằng Nhật sang tham quan và học hỏi kinh nghiệm ở trang trại của tôi, nó cho tôi đấy. Không khéo nó mua từ... chợ Bến Thành cũng nên!".

Sau tràng cười sảng khoái, ông bắt đầu thao thao nói về cây hồ tiêu. Anh Hà - Trưởng phòng Khoa học (Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) - người đã từng có hàng chục năm du học chuyên ngành ở Pháp, ở Canada cũng phải... há mồm nghe ông nói một cách đầy thán phục. "Làm nhiều, chịu khó học hỏi, chịu khó đọc sách, lâu rồi cũng tích lũy được kinh nghiệm thôi", ông Thu nói.

Ông Thu tâm sự, anh chị em của ông hầu hết đã định cư và thành đạt ở nước ngoài. Nhiều lần, các anh của ông khuyên ông nên ra nước ngoài sinh sống, nhưng ông nhất quyết không đi, lại còn bỏ Sài Gòn phồn hoa để lên rừng lập nghiệp. Ông vốn học tài chính kế toán, giờ chuyển sang làm nông nghiệp lại rất thành công. Nông dân mà nói tiếng Anh như... thầy, lái xe như xiếc.

Ông "lùa" chúng tôi lên chiếc Hilus bán tải, dạo một vòng quanh trang trại rộng 41 ha, giới thiệu từng cây, từng con một cách tỷ mỷ, đầy am hiểu. Hiếm có một nông dân nào như ông Thu: Học vấn cao, hiểu biết nhiều. Và hình như ông thuộc tuýp người "không chịu dừng lại".

Nông dân tỷ phú ở đất vải thiều

Lục Ngạn (Bắc Giang) là vùng đất nổi tiếng với cây vải thiều truyền thống, nay đang được nhiều người biết đến là "tập đoàn cây ăn quả" với nhiều loại cây đặc sản, có thương hiệu.

http://nongnghiep.vn/dong-vang-tren-cao-nguyen-nhung-nong-dan-ty-phu-post153527.html

Theo Trần Đăng Lâm/Nông Nghiệp Việt Nam

Bạn có thể quan tâm