Khi chúng tôi đến, anh Phạm Thanh Liêm đang ngồi trước hiên nhà ăn cơm nguội với cá kho. Vừa ăn, anh vừa trò chuyện: “Tôi mới bán 2 máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu sang Lào. Giờ đang tập trung làm để xuất sang Campuchia”.
Xong bữa cơm, anh Liêm kể, tháng 3/2015, anh xuất sang Nigeria 2 máy cày, 2 máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu, 1 máy gặp đập liên hợp, 1 máy bơm nước trị giá 2,1 tỷ đồng. Anh Liêm xuất khẩu máy nông nghiệp từ năm 2010 (năm đó xuất sang Mozambique 15 máy gặt đập liên hợp, máy sạ hàng và máy kéo). Anh Liêm cho biết, trung bình mỗi năm bán trên 100 máy sạ hàng (60 triệu đồng/chiếc) ở trong và ngoài nước, chủ yếu xuất sang châu Phi, Lào, Campuchia.
Nông dân gợi ý
Anh Liêm là con trai lớn trong gia đình nghèo có 6 anh em. Cuộc sống khó khăn nên anh học giữa lớp 6 thì nghỉ để làm thuê. Anh đi nhiều nơi kiếm sống, trải qua nhiều nghề hàn, tiện, làm đồng, sửa máy, sửa xe tải… Sau đó, anh quyết định về nhà mở cơ sở làm cửa sắt, đóng thùng suốt lúa phục vụ nông dân.
Kỹ sư chân đất Phạm Thanh Liêm đang lắp máy. |
Anh Liêm kể, năm 2004, máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trên đồng. Chiều tối, anh em hàng xóm đến nhà uống trà và gợi ý anh làm cái gì đó giúp bà con, vì máy Trung Quốc mau hỏng, tốn phí sửa chữa. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng làm máy sạ hàng kết hợp phun thuốc.
“Ban ngày làm cửa sắt cùng thợ, ban đêm, tôi mày mò nghiên cứu. Không ít lần thất bại, hư hỏng bỏ hàng tấn sắt vụn. Nhiều lúc đã tính bỏ cuộc vì vay hơn hơn 3 tỷ đồng, không biết thu lại được không?”, anh Liêm kể.
Sau hơn 3 năm vất vả với nhiều lần thất bại, năm 2008, anh sản xuất thành công máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu. Máy sạ hàng của anh năng suất cao, dễ sử dụng. Máy chỉ cần 1 người điều khiển, năng suất 10 ha/ngày, hoạt động được ở mọi địa hình, tốn 4 lít dầu/12 ha. Nông dân có thể điều khiển sạ thưa hay dày, thẳng hàng hay không, theo ý muốn.
Giáo sư giúp sức
Anh Liêm cho biết, anh có được thành công như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ rất lớn của GS Võ Tòng Xuân, hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ. Anh kể: “Lúc tôi chế tạo thành công máy sạ hàng là gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì vốn liếng đổ vào đầu tư, chưa lấy lại được đồng nào, trong khi cứ 3 tháng đóng lãi ngân hàng gần 60 triệu đồng, chưa kể nợ bên ngoài. Tôi vác hồ sơ đi gõ cửa các cơ quan nhà nước xin hỗ trợ vốn để nghiên cứu, suốt mấy năm trời không ai giúp”.
Anh đang định bán gần 2 ha đất để trả nợ thì may mắn được GS Xuân giúp đỡ rồi dẫn sang châu Phi tham gia dự án “Giúp nông dân trồng lúa”. Sang đó, anh Liêm hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cơ giới cho nông dân. GS Xuân tiếp tục giới thiệu anh Liêm sang Campuchia, Lào tìm đối tác và bán sản phẩm.
Tháng 4/2014, anh Liêm được một doanh nghiệp mời sang Thái Lan tham quan và khảo sát địa hình nông nghiệp. Tại đó, một tập đoàn sản xuất máy nông nghiệp của Thái Lan đề xuất mua bằng sáng chế độc quyền máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu của anh với giá 2 triệu USD. Đồng thời, mời anh sang làm chuyên gia cơ khí với mức lương cao, nhưng anh từ chối.
“Tại sao anh từ chối lời đề nghị hấp dẫn như thế?”, chúng tôi hỏi. Anh bình thản đáp: “Cả đời tôi làm thuê làm mướn rồi, nay mới có cơ hội làm chủ và có thể giúp đỡ được nhiều người có công ăn việc làm. Nếu bán đi thì tôi lại làm công cho người ta nên bao nhiêu tiền tôi cũng không muốn bán”.
Năm 2012, anh Phạm Thanh Liêm được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích sáng chế: Thiết bị gieo hạt thành hàng. Cùng năm, máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đầu năm 2015, anh vinh dự được chọn tham dự “Gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên” tại thủ đô Hà Nội.