Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đồng USD lao dốc mạnh

Đồng bạc xanh đã giảm mạnh từ mức cao nhất trong vòng 20 năm. Điều này giúp giá trị của đồng euro và bảng Anh bật tăng so với USD.

Việc Fed tăng lãi suất mạnh tay khiến chỉ số USD tăng vọt. Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu của Trading Economics, sức mạnh của đồng USD đã suy yếu trong ngày 4/10 nhờ đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chững lại.

Cụ thể, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - đã giảm xuống dưới mức 111 điểm, đánh dấu mức thấp nhất trong hơn một tuần.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đạt 3,5677%, giảm mạnh so với hơn 4% được thiết lập vào tuần trước.

"Lãi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ lao dốc sau khi báo cáo sản xuất ISM phát đi những tín hiệu quan trọng về việc lạm phát đang hạ nhiệt", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ - bình luận với Zing.

Chi so USD anh 1

Chỉ số USD lao dốc trong vòng một ngày qua. Ảnh: Trading Economics.

Fed sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất?

"Còn quá sớm để kết luận Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chấm dứt việc tăng lãi suất khi nào. Nhưng Phố Wall ngày càng tin rằng chu kỳ nâng lãi suất có thể kết thúc vào tháng 12", ông Moya nhận định.

Báo cáo sản xuất ISM (Viện Quản lý Cung ứng) chỉ ra rằng hoạt động của các nhà máy Mỹ đang giảm tốc. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất giảm xuống 50,9 điểm, mức thấp thấp kể từ những ngày đầu của đại dịch và thấp hơn đáng kể so với ước tính 52 điểm.

Còn quá sớm để kết luận Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ chấm dứt việc tăng lãi suất khi nào. Nhưng Phố Wall ngày càng tin rằng chu kỳ nâng lãi suất có thể kết thúc vào tháng 12

Chuyên gia tài chính Edward Moya

Các chỉ số phụ như lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều lao dốc. "Điều này cho thấy việc Fed thắt chặt chính sách đã bắt đầu tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế", ông Moya nhận định.

Hôm 28/9, chỉ số USD đã vượt mức 114,7 điểm, ngưỡng cao nhất kể từ tháng 5/2002. Đằng sau đà tăng mạnh của đồng bạc xanh là cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ.

Trong cuộc họp chính sách tháng 9, Fed đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp, đưa mặt bằng lãi suất điều hành của Mỹ lên 3-3,25%.

Đến nay, việc đồng bạc xanh sụt giảm phần nào giúp đồng bảng Anh và đồng euro tăng mạnh từ mức thấp nhất nhiều năm so với đồng USD.

Đồng euro hiện được giao dịch ở mức 0,98 USD đổi 1 euro, mạnh hơn 0,6% so với một ngày trước đó, nhưng vẫn yếu hơn 14,67% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngày 26/9, đồng euro đã rơi xuống mức 0,96 USD đổi 1 euro, mức yếu nhất trong vòng 20 năm.

Euro, bảng Anh mạnh lên so với USD

Trong khi đó, tỷ giá GDP/USD hiện ở mức 1,134 điểm, tăng 0,12% so với một ngày trước đó, nhưng vẫn sụt giảm 16,73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 26/9, đồng tiền của Anh có lúc được giao dịch ở mức 1,0382 USD đổi 1 bảng Anh, ngưỡng thấp chưa từng có, rồi phục hồi phần nào về 1,072 USD đổi 1 bảng Anh.

Theo đội ngũ phân tích của MUFG, những diễn biến mới của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cho thấy giới đầu tư đã bớt bất an phần nào. Bởi Fed đang tiến tới cuối chu kỳ tăng lãi suất.

"Kỳ vọng của thị trường đối với mức lãi suất vào cuối chu kỳ của Fed trong năm 2023 đã giảm từ khoảng 4,75% xuống 4,39%", nhóm chuyên gia nhận định.

Chi so USD anh 2

Tỷ giá EUR/USD và GBP/USD bật tăng so với mức thấp hồi tháng 9. Ảnh: Trading Economics.

"Dù vậy, Fed có thể vẫn cần mạnh tay tăng lãi suất vì lạm phát vẫn ở mức cao", ông Moya cảnh báo. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát yêu thích của Fed - đã tăng 6,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ đã tăng lần lượt 0,1% và 8,3% so với tháng 7 và tháng 8/2021, vượt dự báo của giới quan sát.

Theo tuyên bố của FOMC (cơ quan hoạch định chính sách của Fed) trong cuộc họp vào tháng 9, các chỉ số mới đây cho thấy mức tăng trưởng khiêm tốn trong chi tiêu và sản xuất. Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm vẫn mạnh mẽ, trong khi lạm phát tiếp tục leo thang.

Cơ quan hoạch định chính sách của Fed cũng nhấn mạnh rằng "việc liên tục tăng lãi suất mục tiêu là thích hợp".

Theo dot plot (biểu đồ chấm thể hiện kỳ vọng của các thành viên), 6 trong số 19 thành viên FOMC ủng hộ việc đưa lãi suất lên 4,75-5% vào năm tới, nhưng giá trị trung tâm là 4,6%, tức lãi suất sẽ khoảng 4,5-4,75%.

Giá dầu thế giới bật tăng

Giá dầu thô tăng lên trước khả năng OPEC+ vào cuộc để chặn đà suy yếu trên thị trường dầu. Câu hỏi đặt ra là động thái này có đủ lớn để bù đắp sự sụt giảm về nhu cầu hay không.

Những thách thức đang bóp nghẹt kinh tế thế giới

Bước vào quý cuối năm 2022, triển vọng của kinh tế thế giới đang xấu đi vì bất ổn địa chính trị, lạm phát ở mức cao và làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm