Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đóng tiền để được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự?

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, cho biết đã nghe nói về việc có thể đóng tiền để thực hiện “nghĩa vụ thay thế” và không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận tại tổ góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, không tán thành với 1 nội dung được nêu dự thảo Hiến pháp: “Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định”.

Ông Chiến cho rằng đã là nghĩa vụ quân sự thì công dân phải thực hiện và nhà nước tạo điều kiện để người dân thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình. Việc quy định “thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định” sẽ tạo ra cơ chế không công bằng trong việc tuyển chọn công dân nhập ngũ.

“Bây giờ cũng có ý kiến cho rằng lực lượng thanh niên của chúng ta rất đông, tuyển vào nghĩa vụ quân sự thì ít nên để đảm bảo công bằng thì anh không muốn nhập ngũ thì phải đóng góp bằng nghĩa vụ khác thay thế. Tôi chưa hiểu nghĩa vụ thay thế đó là gì, nhưng có nghe nói có thể bằng tiền. Tôi không đồng ý với cái đó, bởi đã là nghĩa vụ thì phải thực hiện”, ông Chiến nói.

Trao đổi thêm sau đó với PV, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết trong văn bản góp ý gửi ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông cũng đã nói rõ chuyện này. Tuyển chọn thanh niên thực hiện nghĩa vụ ít nhưng lực lượng nghĩa vụ quân sự không chỉ có lực lượng thường trực mà còn có cả dự bị, động viên.

“Chúng ta có thể rút ngắn thời gian huấn luyện quân sự, dự bị động viên, khi cần thì huy động. Đi mấy tháng cũng là thực hiện nghĩa vụ quân sự chứ không phải chỉ cứ nhập ngũ đủ 2 năm mới là thực hiện nghĩa vụ quân sự”, ông Chiến bày tỏ.

Ông Chiến cho rằng nếu quy định “thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự” bằng cách nộp 1 khoản tiền sẽ xảy ra câu chuyện: Nhà giàu có tiền muốn con cái ở nhà làm việc khác, người đỗ đại học, cao đẳng không muốn đi bộ đội sẽ sẵn sàng nộp tiền, còn nhà nghèo không có tiền nộp thì phải đi bộ đội.

“Con nhà nghèo thì thường ăn uống kham khổ, sức khỏe yếu lại phải đi bộ đội. Tôi lo lắng nghĩ tới trường hợp chất lượng quân đội sẽ yếu” - ông Chiến nói và cho rằng quy định hiện nay đã đảm bảo sự công bằng. Mọi công dân đều phải đảm bảo nghĩa vụ quân sự nhưng không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn.

Thông qua kiểm tra sức khỏe sẽ tuyển trọn được những người đủ tiêu chuẩn. Nếu tuyển nhiều thì lấy những người đủ tiêu chuẩn sức khỏe A1, A2, A3, còn nếu lấy ít thì chỉ cần những người đạt tiêu chuẩn A1. Như vậy dù đỗ đại học, cao đẳng nhưng địa phương có giấy gọi đi nghĩa vụ quân sự trước thì anh vẫn phải thực hiện xong nghĩa vụ quân sự rồi mới tiếp tục thực hiện việc học. “Như thế đảm bảo được chất lượng quân đội sẽ lên, đảm bảo sự công bằng. Nên bỏ “việc thực hiện nghĩa vụ thay thế theo luật định”, ông Chiến nói.

Đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng ban biên tập dự thảo Hiến pháp, cho biết nội dung xung quanh việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự là vấn đề gây nhiều tranh cãi, đặc biệt xuất phát từ ý kiến đóng của Bộ Quốc phòng dựa trên tình hình thực tế trong thời thời bình.

 Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ thay thế sẽ được thực hiện theo luật định, có thể trong Luật Nghĩa vụ quân sự do Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng. “Mà quy định trong luật thì không thể trái với Hiến pháp. Hiến pháp đã quy định mọi công dân phải làm nghĩa vụ quân sự, nếu luật lại quy định một nghĩa vụ khác thay thế nghĩa vụ quân sự thì không được. Quốc hội sẽ xem xét việc có nên để cụm từ đó hay bỏ đi như đại biểu Chiến góp ý”, theo lời ông Lý.

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm