Bên hành lang QH ngày 22/10, phóng viên ghi lại ý kiến của đại biểu sau khi nghe báo cáo về phòng, chống tham nhũng năm 2013 của Chính phủ cùng ngày.
Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH Lê Như Tiến: Địa chỉ chưa rõ
Báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2013 của Chính phủ đã nêu khá toàn diện bức tranh về phòng chống tham nhũng với những nguyên nhân, giải pháp. Nhưng quan trọng nhất, tôi thấy “địa chỉ tham nhũng” chưa được chỉ rõ. Bên cạnh đó, vẫn thiếu trách nhiệm của người đứng đầu.
Báo cáo có nêu đã xử lý một số người đứng đầu, nhưng mà chỉ rõ địa chỉ tham nhũng nhiều nhất ở ngành nào, địa phương nào, đã xử lý người đứng đầu ra sao thì chưa thấy đậm nét.
Các văn bản pháp lý về phòng, chống tham nhũng chúng ta đều có cả. Về mặt tổ chức bộ máy chúng ta đã có từ Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương cho đến các tỉnh, thành phố trực thuộc đều có Ban chỉ đạo phòng của địa phương.
Ban Nội chính cũng được thành lập như cơ quan thường trực giúp Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương để xử lý tham nhũng. Theo đó, các tỉnh cũng thành lập Ban Nội chính. Chưa kể chúng ta còn có cả một hệ thống bảo vệ pháp luật là cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Như thế là hoàn thiện chứ không phải thiếu. Nhưng tại sao phòng chống tham nhũng như kết luận báo cáo của Thủ tướng cũng như của Chính phủ vẫn nói là chưa chặn đứng và đẩy lùi được tham nhũng?
Nguyên nhân chính là việc thực thi pháp luật không nghiêm, thiếu nghiêm túc, quyết liệt.
Nguyên nhân lớn thứ hai là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, tổ chức đơn vị, bộ ngành, và các địa phương trong việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng chưa thật sự quyết liệt, làm hết trách nhiệm.
ĐB Đỗ văn Đương: Phải rà soát tất cả vụ án lớn
Để xử lý tham nhũng, phải tăng cường công tác kiểm toán, các cơ quan điều tra phải tập trung khám phá, tăng kiến nghị thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tăng tỉ lệ khởi tố điều tra các vụ án lớn, phức tạp mà các cơ quan điều tra chống tham nhũng chuyên trách phải tập trung vào, phải có chỉ tiêu cụ thể.
Như hiện nay là không giao chỉ tiêu cụ thể, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể thì ta vẫn cứ mơn man bên ngoài, chỉ đi “đánh” tham nhũng vặt, còn những vụ án trọng điểm nhân dân biết hết và bức xúc.
Đặc biệt, trong năm 2014, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải xử lý được dứt điểm tất cả các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ tham nhũng đã khởi tố điều tra trên 3 năm nay.
Tập trung là xử lý được, kéo dài thì rất khó. Ngoài ra phải cương quyết rà soát tất cả các vụ án lớn, nghiêm trọng mà đình chỉ điều tra hoặc xử lý hành chính phải phục hồi lại, xem xét xử lý hình sự. Phải hạn chế tối đa án treo.