Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chưa quy định 'quyền được chết' vào Hiến pháp

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho tiếp tục nghiên cứu, chưa thể hiện quy định "quyền được chết" trong Dự thảo Hiến pháp.

Về đề nghị bổ sung “quyền được chết” vào Dự thảo Hiến pháp, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) nhận thấy “quyền được chết” là vấn đề cần được quan tâm, tuy vậy đây cũng là một vấn đề mới, còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục nghiên cứu, chưa thể hiện quy định "quyền  được chết" trong Dự thảo Hiến pháp.

Tại Điều 31 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Về nguyên tắc "suy đoán vô tội" có ý kiến đề nghị cân nhắc cách thể hiện quy định tại khoản 1 Điều này; thay từ “không có tội” bằng cụm từ “chưa có tội”; bỏ cụm từ “được chứng minh theo trình tự luật định”.

Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, khoản 1 Điều 31 quy định nguyên tắc quan trọng trong tố tụng hình sự là “suy đoán vô tội”. Quy định “người bị buộc tội được coi là không có tội” sẽ khẳng định nguyên tắc này một cách chặt chẽ và rõ ràng.

Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ cụm từ “không có tội”, đồng thời, tiếp thu ý kiến bỏ cụm từ “được chứng minh theo trình tự luật định” trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, vấn đề này sẽ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều 31 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thể hiện lại như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”

Ủy ban DTSĐHP cũng đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến nêu trên và chỉnh lý lại khoản 2 Điều 31 như sau: “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai”.

Theo Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm