Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng họ cũng sẽ khởi động liên minh với Canada và Anh để "hành động khẩn cấp" nhằm tăng cường kiểm soát và giám sát trong cuộc chiến chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), theo Reuters.
Bên cạnh đó, quan chức cấp cao của Mỹ nhận định bản ghi nhớ này sẽ chỉ đạo các cơ quan hướng tới việc "chấm dứt nạn buôn người, bao gồm cả lao động cưỡng bức, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng đại dương an toàn, bền vững”.
Bộ Lao động, Bộ Quốc phòng, Lực lượng Tuần duyên Mỹ và các cơ quan thực thi khác sẽ cùng với đối tác tư nhân và nước ngoài điều tra các tàu đánh cá được cho là đánh bắt hải sản bằng lao động cưỡng bức, quan chức này cho biết.
Tổng thống Biden tham dự hội nghị G7 ở Đức hôm 27/6. Ảnh: Reuters. |
Nỗ lực này không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng quan chức này cho biết Trung Quốc là một trong những nước vi phạm lớn nhất.
Giới chức Mỹ từng tuyên bố sẽ đưa ra các chính sách nhằm chống lại nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Động thái này như một phần của việc tăng cường hành động với khu vực để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng nước này đánh cá có trách nhiệm, khẳng định đã và đang hợp tác với quốc tế để ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp.
"Lời cáo buộc của Mỹ là hoàn toàn sai sự thật và không giúp bảo vệ môi trường biển, cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngư nghiệp bền vững", ông Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, nói.
Một số quốc gia trong khu vực cho rằng đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc thường xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ và gây ra thiệt hại về môi trường, kinh tế.