Các doanh nghiệp địa ốc cần chủ động tìm kiếm những dòng vốn khác bên cạnh việc vay ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Do các điều kiện sàng lọc, hạn chế tín dụng được quy định chặt chẽ hơn. Trong ngắn hạn, Thông tư 06 có thể gây áp lực cho doanh nghiệp bất động sản về khả năng tiếp cận nguồn vốn, đồng nghĩa với tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại”, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, trao đổi với Tri thức trực tuyến.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 06 sửa đổi một số điều về quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đặt ra thêm các tiêu chuẩn khắt khe trong việc cấp vốn tín dụng đối với ngành bất động sản.
Theo bà Trang Bùi, Thông tư 06 sẽ là tiền đề để Việt Nam có được một môi trường đầu tư an toàn và lâu dài, hỗ trợ sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Trong dài hạn, những quy định này sẽ giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản của thị trường và giúp khai thông dòng vốn.
Bên cạnh đó, vị này nhận định rằng không ít doanh nghiệp bất động sản gặp khó về mặt pháp lý đang phải chịu cảnh bị động về nguồn vốn, đặc biệt là trong bối cảnh điều kiện giải ngân trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện pháp lý, quá trình phê duyệt sẽ diễn ra nhanh chóng và đơn vị vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
“Để có thêm nhiều hoạt động đầu tư bất động sản diễn ra trên thị trường, Việt Nam đang thực hiện những bước đi nhằm gia tăng mức độ minh bạch cao hơn, quy hoạch đô thị bài bản cũng như khung pháp lý vững vàng hơn”, bà Trang Bùi bình luận.
Từ đầu năm đến nay, nhiều đơn vị đã rất chật vật trong việc vay vốn ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Trước ảnh hưởng của Thông tư 06, bà Trang Bùi cho rằng các chủ đầu tư địa ốc cần phải chủ động tìm kiếm các dòng vốn thay thế, ngoài vốn chủ sở hữu.
“Trong đó, kênh truyền thống sẽ có vốn vay ngân hàng, vay vốn hạng hai (mezzanine) hoặc tìm kiếm nguồn vốn vay ngoài ngân hàng với các đối tác nước ngoài thông qua liên doanh hoặc chuyển nhượng dự án”, bà Trang Bùi chia sẻ.
Không chỉ vậy, một số chủ đầu tư cũng có thể chủ động sử dụng nguồn vốn ứng trước từ người mua nhà cùng với các chính sách cam kết lợi tức và phương thức mua lại (buy-back options).
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.