Chính phủ Nhật Bản ngày 4/10 xác nhận Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung tới miền Bắc nước này lần đầu tiên sau 5 năm, kể từ năm 2017, Guardian đưa tin.
Các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết tính đến nay, Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa qua lãnh thổ nước này tổng cộng 7 lần.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno tức tốc tới văn phòng thủ tướng ở Tokyo ngày 4/10 sau khi Triều Tiên phóng tên lửa. Ảnh: AP. |
Ngay sau đó, chính phủ Nhật Bản đã kích hoạt hệ thống J-Alert đối với người dân ở đảo chính Hokkaido và quận Aomori ở phía đông bắc, kêu gọi mọi người tìm nơi trú ẩn để tránh khỏi các mảnh vỡ, theo Japan Times.
Ông Ankit Panda, từ Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie có trụ sở tại Mỹ, đã chỉ ra điểm khác biệt trong vụ phóng tên lửa lần này của Triều Tiên, cho rằng cuộc thử nghiệm được tiến hành trong điều kiện sát với thực tế hơn.
“So với quỹ đạo lệch cao thông thường, quỹ đạo lần này cho phép thiết bị tiếp xúc với tải trọng nhiệt và áp suất khí quyển sát với các điều kiện trong thực tế hơn”, ông nói.
“Song điều này phức tạp về mặt chính trị: Tên lửa phần lớn bay bên ngoài bầu khí quyển khi qua Nhật Bản, nhưng công chúng Nhật Bản rõ ràng rất lo lắng khi nhận được cảnh báo về khả năng tên lửa của Triều Tiên đang tới”, vị chuyên gia cho biết.
Cảnh báo J-Alert được hiển thị ở khu vực Shimbashi, Tokyo, vào sáng 4/10. Ảnh: Kyodo. |
Trong khi đó, ông Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha (Seoul), nhận định: “Hiện tại, các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên bị giảm sút về mặt tiến bộ kỹ thuật, cũng như sức ảnh hưởng với chính trị trong nước và quốc tế. Ngoại giao chưa chấm hết, nhưng các cuộc đàm phán cũng sẽ không thể tiếp tục”.
“Bình Nhưỡng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Có khả năng họ sẽ đợi đến khi đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc để tiến hành một cuộc thử nghiệm quan trọng hơn”, ông dự đoán.
Ông Easley nói thêm rằng chính quyền Bình Nhưỡng đang “phát triển các loại vũ khí bao gồm đầu đạn hạt nhân chiến thuật và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, như một phần chiến lược dài hạn nhằm vượt qua Hàn Quốc trong cuộc chạy đua vũ trang và chia rẽ các đồng minh của Mỹ”.
Trước vụ việc này, phản ứng ban đầu của Mỹ khá thận trọng.
Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á, mô tả vụ phóng là "đáng tiếc" trong một sự kiện trực tuyến.
“Chúng tôi kêu gọi (Triều Tiên) tiếp tục đối thoại, cam kết thực hiện chính sách ngoại giao nghiêm túc và bền vững, đồng thời kiềm chế các hoạt động gây bất ổn hơn nữa”, ông Kritenbrink nói.