Thời điểm giữa tháng 5 có thể chứng kiến hệ quả địa chính trị quan trọng nhất sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine: Thụy Điển và Phần Lan có thể cùng lúc nộp đơn gia nhập NATO, đảo chiều chính sách trung lập kéo dài nhiều thập kỷ qua của cả hai nước.
Trước ngày 24/2 (thời điểm Nga tuyên bố bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine), mô hình "Phần Lan hóa" được nhắc đến như một giải pháp để giải quyết căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Thế nhưng, "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga khiến Phần Lan ngày càng xa mô hình "Phần Lan hóa" hơn bao giờ hết.
"Tôi nghĩ thuật ngữ này (Phần Lan hóa - PV) đã thuộc về quá khứ và lịch sử", bà Tanja Jääskeläinen, Phó vụ trưởng Vụ Chính trị, Bộ Ngoại giao Phần Lan, trả lời Zing.
Tanja Jääskeläinen, Phó vụ trưởng Vụ Chính trị, Bộ Ngoại giao Phần Lan. Ảnh: Bộ Ngoại giao Phần Lan. |
Bà cũng chỉ ra hai điều kiện cần được thỏa mãn để tiến trình gia nhập NATO có thể bắt đầu: Quan điểm người dân và quyết sách của các nghị sĩ trong quốc hội.
“Lãnh đạo đất nước đã tuyên bố việc xin gia nhập NATO cần có sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Khoảng hơn 60% dân số đang ủng hộ gia nhập NATO. Đây là sự thay đổi quan trọng trong quan điểm của dư luận. Chúng tôi cần phải tính đến điều này”, bà Jääskeläinen nói.
Dù vậy, chính phủ Phần Lan vẫn chưa có ý kiến chính thức của toàn bộ nghị sĩ.
“Dường như đang có sự ủng hộ lớn với việc gia nhập NATO, nhưng vẫn còn các nghị sĩ chưa công khai bày tỏ quan điểm”, bà chia sẻ với Zing trước thời điểm thông tin Phần Lan và Thụy Điển mong muốn cùng đệ đơn gia nhập NATO vào tháng 5 được tiết lộ.
Coi trọng mối quan hệ với NATO
Không chỉ khiến Helsinki “phá lệ” trong việc gửi vũ khí ra nước ngoài, tình hình chiến sự tại Ukraine còn đưa một quốc gia vốn trung lập như Phần Lan tới gần NATO hơn bao giờ hết.
Tờ Iltalehti (Phần Lan) và tờ Expressen (Thụy Điển) ngày 25/4 cho biết chính phủ hai nước cùng bày tỏ mong muốn đệ đơn gia nhập NATO trong khoảng thời gian từ ngày 16-22/5.
Theo bà Jääskeläinen, chiến sự ở Ukraine đã dẫn đến những sự thay đổi cơ bản trong tình hình an ninh của Phần Lan và châu Âu. Trước đó, chính phủ Phần Lan hôm 13/4 công bố báo cáo đánh giá về những sự thay đổi này và tác động của chúng với Phần Lan và khu vực lân cận.
Nguồn tin chính phủ Thụy Điển cho biết nước này và Phần Lan đã nhất trí sẽ nộp đơn gia nhập NATO trong khoảng ngày 16-22/5. Ảnh: AFP. |
“Báo cáo này đã được mang ra quốc hội để thảo luận. Nhiều chuyên gia từ các bộ khác nhau - từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng tới các chuyên gia độc lập - sẽ tranh luận và quốc hội cũng dự kiến có câu trả lời”, bà chia sẻ.
Dù vậy, bà Jääskeläinen cho biết bản báo cáo vừa qua chưa bao gồm bất kỳ kết luận nào, và cũng không đưa ra các nguyên tắc chính sách an ninh mới.
Bà Jääskeläinen đánh giá cao sự hiện diện của NATO ở khu vực. Theo đó, các đảm bảo an ninh từ điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là sự răn đe mạnh mẽ trước bất cứ cuộc tấn công nào vào một nước thành viên NATO.
“Chúng tôi đã là đối tác của NATO gần 30 năm. Mối quan hệ đối tác này rất mạnh mẽ và đã phát triển trong những năm qua. Chúng tôi đã có nhiều hoạt động hợp tác với NATO trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt ở biển Baltic”, bà chia sẻ.
Kể từ khi cuộc xung đột giữa Moscow và Kyiv nổ ra, nhiều chuyên gia đã đề xuất cơ chế “Phần Lan hóa” như một mô hình cho Ukraine như một giải pháp để chấm dứt khủng hoảng.
Theo mô hình này, Phần Lan được Liên Xô đảm bảo an ninh, nhưng đổi lại với cam kết không tham gia liên minh quân sự NATO, và cho phép Moscow duy trì tầm ảnh hưởng đáng kể đối với chính sách đối nội và đối ngoại của Phần Lan.
Tuy nhiên, bà Jääskeläinen nhận định đây là một thuật ngữ đã thuộc về “quá khứ và lịch sử” và “không thuộc về thế kỷ 21”.
“Thuật ngữ này là một khái niệm của Chiến tranh Lạnh, khi các ‘phạm vi ảnh hưởng’ còn là một thực tế. Tôi nghĩ thuật ngữ này đã thuộc về quá khứ và lịch sử”, bà nhận định. Do đó, việc đưa thuật ngữ “Phần Lan hóa” để gắn với vấn đề Ukraine là điều cần đặt dấu hỏi.
“Điều này đặt ra câu hỏi với cấu trúc an ninh châu Âu hiện nay, vốn đã tồn tại một thời gian dài, cũng như không ủng hộ việc các quốc gia tự do lựa chọn chính sách an ninh và quốc phòng”, bà nói.
“Một quyết định đặc biệt”
“Việc viện trợ vũ khí cho Ukraine là một sự thay đổi trong chính sách của Phần Lan”, bà Jääskeläinen nhận định. Theo bà, đó là “một quyết định đặc biệt” trước tình hình “đặc biệt” tại Ukraine hiện nay.
Cụ thể, hôm 28/2, bốn ngày sau khi chiến sự bùng phát tại Ukraine, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin tuyên bố gửi lô hàng viện trợ quân sự đầu tiên gồm súng trường, đạn, vũ khí chống tăng và quân lương cho Ukraine. Với động thái này, Phần Lan đảo ngược chính sách không gửi vũ khí tới vùng chiến sự kéo dài nhiều thập kỷ.
Bà cho biết để thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, Helsinki đã hỗ trợ Kyiv dưới nhiều hình thức, bao gồm cả viện trợ song phương hoặc qua Liên minh châu Âu (EU).
Chính phủ Phần Lan đã "phá lệ" để gửi vũ khí tới Ukraine sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở quốc gia Đông Âu này. Ảnh: Lehtikuva. |
“Trước tiên, tôi muốn khẳng định Phần Lan ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine... Chúng tôi đang hỗ trợ đất nước này trên cả bình diện song phương và thông qua Liên minh châu Âu”, bà cho biết. Theo bà, quyết định viện trợ bổ sung của Helsinki cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí, là minh chứng cho sự hỗ trợ này.
Chia sẻ với Zing, bà cho biết đến nay, Phần Lan đã đưa ra ba quyết định liên quan đến việc viện trợ quân sự và vũ khí cho Ukraine. Việc viện trợ quân sự cho Kyiv cũng được thực hiện ở cả hình thức song phương và qua EU.
“Là một thành viên của EU, chúng tôi cũng ủng hộ việc sử dụng cơ chế hòa bình của châu Âu để hỗ trợ Ukraine, trong đó có cả vũ khí”, bà nói.
Ngoài ra, bà Jääskeläinen tuyên bố Phần Lan đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho Ukraine kể từ đầu năm, cũng như viện trợ vật chất cho Kyiv theo yêu cầu.
“Chúng tôi đã cung cấp thêm khoảng 14 triệu euro (khoảng hơn 15 triệu USD) cho Ukraine, được phân bổ cho việc hỗ trợ nhân đạo và cho các cơ quan Liên Hợp Quốc khác”, bà khẳng định.
Sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự” tại Ukraine, Phần Lan đã thông báo viện trợ thêm cho Kyiv 10 triệu euro (khoảng 11,5 triệu USD). “Khoản viện trợ bổ sung này sẽ tăng mức hỗ trợ của Phần Lan cho Ukraine trong những tháng đầu năm lên 14 triệu euro”, Bộ trưởng Hợp tác Phát triển và Ngoại thương Ville Skinnari cho biết, theo trang web của chính phủ Phần Lan.
Các gói viện trợ được cung cấp song phương nhưng cũng có thể được gửi thông qua cơ chế bảo vệ dân sự của EU, bao gồm gồm lều, vật tư y tế, xe cứu hỏa và xe cứu thương. “Nhiều quyết định hỗ trợ khác dự kiến cũng được đưa ra”, bà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phần Lan cũng đã cử một chuyên gia từ Cơ quan An toàn Bức xạ và Hạt nhân của nước này đến Trung tâm Điều phối Ứng phó Khẩn cấp châu Âu để hỗ trợ các công việc về an toàn hạt nhân ở Ukraine, bà cho biết.
“Tất cả chúng ta đều chứng kiến tình hình nghiêm trọng của các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine và hy vọng các chuyên gia của chúng tôi sẽ hỗ trợ trong việc bảo vệ các cơ sở này”, bà Jääskeläinen nhận định.
Đặc biệt, vị quan chức Phần Lan khẳng định phía Helsinki luôn đề nghị giúp đỡ cho bên có ý muốn đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, vào thời điểm này, bà nhìn nhận có rất ít khả năng Phần Lan sẽ trở thành trung gian hòa giải trong cuộc xung đột.
“Giờ đây, tôi thấy Phần Lan hiện có rất ít khả năng để trở thành trung gian (hòa giải) trong cuộc xung đột này. Một số nước trung gian khác đang rất tích cực, và chúng tôi đang theo dõi rất sát sao điều đó”, bà nói.