Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Động tác quỳ gối đè lên cổ George Floyd là rất nguy hiểm

Tư thế quỳ gối đè cổ đã bị nhiều đơn vị cảnh sát cấm sử dụng song sĩ quan Derek Chauvin vẫn thực hiện động tác nguy hiểm này, gây ra cái chết của George Floyd.

Hôm 25/5, George Floyd bị sĩ quan cảnh sát của thành phố Minneapolis, Derek Chauvin, trấn áp bằng cách đè đầu gối xuống cổ. Bất chấp lời kêu cứu từ anh Floyd, viên cảnh sát tiếp tục hành động bạo lực, dẫn đến cái chết của người Mỹ gốc Phi này.

Đoạn video về vụ việc đã làm chấn động nước Mỹ, châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình và bạo loạn ở các thành phố lớn.

ly do tu the quy goi de co nguy hiem anh 1

George Floyd bị sĩ quan cảnh sát của thành phố Minneapolis, Derek Chauvin, trấn áp bằng cách đè đầu gối lên cổ. Ảnh: CNN.

Bên cạnh đó, cái chết của George Floyd cũng làm dấy lên mối lo ngại về chất lượng đào tạo của cảnh sát tại thành phố Minneapolis, theo CNN.

Nguy hiểm và không cần thiết

Động tác đè đầu gối vào cổ để trấn áp nghi phạm đã bị nhiều đơn vị cảnh sát cấm sử dụng. Dù vậy, sở cảnh sát Minneapolis vẫn cho phép các sĩ quan thực hiện động tác này nếu nghi phạm chống cự hoặc có hành vi hung hăng, không thể khuất phục bằng cách nào khác.

Trong đoạn video ghi lại vụ việc, George Floyd không có vũ khí và bị còng tay. Thông cáo của sở cảnh sát Minneapolis sau đó nói: “Floyd có vấn đề sức khoẻ trước khi bị bắt giữ”. Do đó, động tác trấn áp này là nguy hiểm và không cần thiết, một số chuyên gia hành pháp nhận xét.

Phó giáo sư Seth Stoughton của Đại học South California cho rằng tư thế này có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng, tuỳ vào vị trí đầu của nghi phạm và trọng lượng của người bắt giữ.

Là tác giả của cuốn sách “Đánh giá việc sử dụng vũ lực của cảnh sát”, ông Stoughton chỉ ra ba yếu tố khiến hành động trấn áp này có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ của nghi phạm.

Đầu tiên, nghi phạm phải nằm sấp, úp mặt xuống đường và bị còng tay ra sau lưng trong một khoảng thời gian dài. Ở tư thế này, nghi phạm không thể hít thở đủ lượng oxy và có nguy cơ ngạt thở dẫn đến bất tỉnh.

Ông Stoughton khẳng định nhiều sở cảnh sát chỉ cho phép giữ nghi phạm ở tư thế nằm sấp để khống chế. Sau đó, các sĩ quan phải đổi tư thế cho nghi phạm như yêu cầu nằm nghiêng, ngồi dậy hoặc đứng lên.

Bên cạnh đó, áp lực đặt lên cổ nghi phạm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu phải chịu lực lớn từ người nặng cân, vùng cổ có thể bị trấn thương nghiêm trọng và gây ra tử vong.

Ông Stoughton cho biết: “Các sĩ quan không nên đè vào cổ nghi phạm vì lực mạnh có thể làm rạn xương và gây chấn thương cho cột sống cổ”.

Cuối cùng, phó giáo sư Stoughton khẳng định hành động trấn áp phải đi kèm với việc theo dõi tình trạng sức khoẻ của nghi phạm. Việc đè đầu gối vào cổ trong một khoảng thời gian dài có thể dẫn tới tử vong.

Chất lượng đào tạo cảnh sát

Sở cảnh sát Minneapolis cho phép sĩ quan thực hiện hai kiểu trấn áp vùng cổ khi bắt giữ nghi phạm. Song chỉ những sĩ quan đã được huấn luyện cụ thể mới có quyền thực hiện các động tác này.

ly do tu the quy goi de co nguy hiem anh 2

Cái chết của George Floyd đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình và bạo loạn ở các thành phố lớn.

Hai động tác được áp dụng trong các trường hợp: khi muốn khống chế nhưng vẫn giữ nghi phạm tỉnh táo và khi muốn khống chế để nghi phạm bất tỉnh.

Đối với trường hợp đầu tiên, sĩ quan được dùng tay hoặc chân để gây áp lực nhẹ lên cổ nghi phạm mà không làm ảnh hưởng đến đường hô hấp. Đối với trường hợp còn lại, sĩ quan có thể tác động một lực đủ lớn khiến nghi phạm bất tỉnh nhưng không gây tử vong.

Cả hai phương pháp này chỉ được áp dụng nếu nghi phạm chống cự quyết liệt. Đáng chú ý, phương pháp bất tỉnh chỉ được thực hiện nếu nghi phạm chống cự hung hăng và không thể khuất phục bằng các biện pháp khác.

Song chuyên gia Stoughton nhận định sĩ quan Chauvin không áp dụng phương pháp cụ thể nào dựa theo lý thuyết trên: “Đây không phải phương pháp khống chế theo quy định, đây là một hành động rất nguy hiểm”.

Chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát Da màu Mỹ, bà Sonia Pruitt, nhận xét: “Sử dụng lực để khống chế nghi phạm là cần thiết. Song nạn nhân Floyd đã bị còng tay và nằm sấp xuống đất nên việc tiếp tục khống chế là lạm dụng vũ lực”.

Vài năm trước đó, bà Pruitt đã đặt câu hỏi cho nhiều sĩ quan cảnh sát về các động tác khống chế vùng cổ. Hầu hết người được hỏi đều không sử dụng các động tác này vị mức độ rủi ro cao.

Các chuyên gia giám định pháp y vẫn chưa công bố nguyên nhân khiến George Floyd tử vong. Theo báo cáo của đơn vị cấp cứu, nạn nhân không còn mạch đập và phản ứng khi được đưa lên xe cứu thương.

ly do tu the quy goi de co nguy hiem anh 3

Cảnh sát và người biểu tình của quỳ gối để tưởng nhớ nạn nhân. Ảnh: Instagram.

Trong đoạn video về vụ việc, nhiều nhân chứng đã nhắc nhở cảnh sát kiểm tra mạch đập của Floyd khi nạn nhân ngừng chuyển động. Theo các điều tra viên, một cảnh sát đã thông báo không thấy mạch đập của Floyd ở thời điểm đó.

Báo cáo cũng nêu rõ sĩ quan Derek Chauvin đè đầu gối lên cổ nạn nhân George Floyd trong vòng hơn 8 phút và tiếp tục thực hiện động tác này thêm 2 phút 53 giây dù Floyd không còn phản ứng.

8 phút 46 giây George Floyd bị cảnh sát Mỹ ghì cổ dẫn tới tử vong Tại nơi xảy ra cái chết của người đàn ông 46 tuổi George Floyd, có đến 4 camera ghi lại sự việc ở các góc quay khác nhau. Từ đó, toàn bộ quá trình có thể thấy rõ.

4 cảnh sát bị bắn trong cuộc biểu tình bạo lực ở Mỹ

Bốn cảnh sát ở thành phố St Louis, bang Missouri, đã bị bắn hôm 1/6 trong cuộc biểu tình bạo lực phản đối vụ việc của George Floyd.

Ôtô lao vào cảnh sát giữa biểu tình Mỹ, cán một người dưới bánh

Một xe SUV đã lao vào nhóm các sĩ quan cảnh sát tại cuộc biểu tình phản đối vụ việc của George Floyd tối 1/6 ở Buffalo, Mỹ, khiến ít nhất hai người bị thương.

Biểu tình trên không - lời cuối của George Floyd viết trên nền trời Mỹ

Nghệ sĩ trẻ Jammie Holmes đưa những lời cuối của George Floyd lên nền trời nhiều thành phố ở Mỹ để hưởng ứng phong trào phản đối nạn phân biệt chủng tộc.

Uyên Uyên

Bạn có thể quan tâm