Con đường xưa ta đi
Với riêng người con gái
Bước chân nào trở lại
Dẫm lên trong chiều buồn
Cuộc tình phía hoàng hôn
Chỉ còn tia le lói
Giá như anh đừng nói
Một lời như ngày xưa
Thì giờ đâu phải tiếc
Cuộc tình tan trong mưa...
Thương con đường đầy lá
Phố đông người em qua
Vàng lên chiếc áo hoa
Cháy hết chiều không dứt
Giảng đường chiều nóng nực
Chân em quen lối về
Đại lộ ngược dòng xe
Em xem chừng lối rẽ
Anh vẫn trên bàn viết
Làm bài thơ cho em
Bài thơ mà anh biết
Chỉ còn mình anh xem
Hình như có ngọn lửa
Thắp lên tàn mùa đông
Hình như có dòng sông
Bỗng một ngày ngừng chảy
Hình như là nuối tiếc
Cho một điều trễ tràng
Hình như anh rét mướt
Với một mùa chưa sang.
Lời bình
Lần thứ nhất đọc bài thơ Dòng sông ngừng chảy của Nguyễn Hữu Hồng Minh, tôi chợt nghĩ, có lẽ nên tách ra thành các khổ, nhằm tạo điểm nhấn, quãng nghỉ, tiết điệu cho nhịp thơ, phù hợp với tâm trạng buồn bã, tiếc nuối và dòng hồi ức đứt nối của nhân vật trữ tình. Thêm nữa, nếu tách khổ, không gian vật lý của văn bản sẽ thoáng đãng hơn, những con chữ dễ thở hơn, và quan trọng là tạo nhiều khe sáng cho mắt nhìn. Đó cũng là một cánh cửa “dễ chịu” để bước vào bài thơ.
Nhưng, có lẽ là tôi đã nhầm! Bài thơ gắn cho nó một định mệnh mang tên Dòng sông ngừng chảy. Bởi thế, tính liên tục mà ngưng đọng chính là ý niệm thuộc về hình thức mà tác giả có ý cài vào văn bản.
Về nguyên lý, ký ức là liên tục, dẫu nó có chập chờn qua những quãng thời gian khác nhau. Nhưng, một con đường, một bước chân, một màu áo, một lời hứa, một cuộc tình, một bài thơ, một ngọn lửa… đã ngưng đọng hóa một đời người.
Bởi mang trong lòng nhiều khát vọng, nên dòng sông nào cũng chảy. Ngừng chảy là chấm dứt đời sông, là giam mình vào bãi bờ của quá khứ. Khi tất cả đã muộn màng, ta nghe dưới đáy sông một nhịp đời đang hóa thạch.