Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đồng rúp và doanh nghiệp Việt Nam

Đồng rúp của Nga liên tục rớt giá, đặc biệt là cú sốc hơn 59 rúp mới “ăn” được 1 đồng đôla Mỹ vào giữa tháng 12 tác động đến những doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với thị trường này.

Giám đốc của một công ty chuyên xuất khẩu cá khô sang thị trường Nga cho biết đơn hàng xuất khẩu của công ty đang giảm vì hàng hóa bên kia tiêu thụ khá chậm. Vị giám đốc này cho biết ông đang nghe ngóng tình hình, có thể trong vòng 3-6 tháng tới doanh nghiệp sẽ không làm ăn gì được với thị trường này. Dự báo là thế, nhưng công ty không thể làm được gì khác ngoài việc chờ đợi. Suốt nhiều năm liền, Nga là thị trường chính của công ty, bỏ Nga để đi tìm thị trường thay thế vào thời điểm này là không dễ.

Ông cũng tự tin phân tích thêm, lúc khủng hoảng như thế này nhiều người sẽ phá sản, thị trường Nga sẽ bớt cạnh tranh. Doanh nghiệp nào còn trụ lại được, thị phần của họ tại Nga sẽ tăng lên. Tuy nhiên, bài toán khó mà công ty của ông phải tìm lời giải lúc này là nếu chấp nhận đẩy mạnh xuất khẩu qua Nga, doanh nghiệp phải chịu lỗ lớn từ sáu tháng đến một năm. Bởi lẽ, trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu muốn công ty phải giảm thêm giá bán xuống 30% so với trước đây. “Chúng tôi chọn chiến thuật xuất khẩu cầm chừng và chấp nhận rủi ro. Trong thời buổi suy thoái này chả có gì chắc chắn cả”, vị Giám đốc trên cho biết.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định đồng rúp trượt giá đã ảnh hưởng khá mạnh đến các doanh nghiệp xuất nhập thủy sản giữa hai nước có các hợp đồng giao dịch với nhau bằng đồng đô la Mỹ. Theo ông Hòe, doanh nghiệp cần xem thị trường Nga ở khía cạnh cơ hội lẫn thách thức để có chiến lược phát triển thị trường này trong dài hạn. “Đây chỉ là những khó khăn trước mắt còn về lâu dài Nga vẫn là thị trường tiềm năng cho thủy sản Việt Nam”, ông Hòe nói.

Theo ông Hòe, hiện nay Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do với liên minh hải quan gồm Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan. Các bên đã cấp mã code xuất khẩu, như vậy, những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị phần ở thị trường này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đại diện một công ty xuất khẩu cá tra sang Nga cho biết, khó khăn hiện nay của công ty ông là làm sao thu được tiền của những hợp đồng đã giao hàng từ mấy tháng trước cho phía Nga. “Hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu ở Nga đề nghị dời thời hạn trả tiền sang cuối năm 2015 và sẽ trả thêm tiền lãi vay theo lãi suất ngân hàng. Trong khi đó, một số nhà nhập khẩu khác, dù chúng tôi nhiều lần gửi thư thông báo các khoản nợ đến hạn họ vẫn chưa hồi đáp,” vị đại diện này chia sẻ.

Ông Hòe cũng thừa nhận vấn đề đau đầu nhất hiện nay của nhiều doanh nghiệp xuất thủy sản sang Nga là vấn đề công nợ, phía doanh nghiệp Việt Nam không còn cách nào khác là phải đồng ý cho phía đối tác giãn thời hạn thanh toán.

Lợi dụng tỷ giá, người nước ngoài đổ xô về Nga mua hàng

Theo phân tích từ Russian Beyond the Headlines, tình trạng mất giá của đồng rúp so với USD đã khiến nhiều mặt hàng tại Nga trở nên cực rẻ nếu sử dụng ngoại tệ để mua chúng.

Trong khi các doanh nghiệp trong ngành thủy sản đang “đứng ngồi không yên” với các bạn hàng cũ ở Nga thì một số doanh nghiệp hoạt động ở ngành nghề khác, có chi phí sản xuất cạnh tranh lại nhìn thấy cơ hội mở ra từ thị trường này.

Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc công ty Thiên Trường, cho biết dù đồng rúp trượt giá giá mạnh nhưng đối tác Nga vẫn không bị ảnh hưởng do giá xuất xưởng của công ty ông rất cạnh tranh. Sản phẩm của Thiên Trường không phải là hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu với số lượng lớn mà chỉ thực hiện theo đơn đặt hàng chuyên biệt vì vậy công ty cũng không gặp khó khăn về mặt thanh toán.

“Những khó khăn tại thị trường Nga hiện nay, xét về mặt nào đó có thể đem lại cơ hội làm ăn lớn cho những doanh nghiệp đang cung cấp hàng hóa với giá cả cạnh tranh”, ông Nam chia sẻ.

Đã có những quan ngại cho rằng, sự trượt giá của đồng rúp so với đôla Mỹ sẽ khiến các nhà sản xuất thép của Nga xuất khẩu sản phẩm sang Việt Nam với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì đồng rúp mất giá vẫn chưa tác động gì đến ngành sản xuất thép trong nước. Lâu nay Việt Nam nhập từ Nga chủ yếu là thép cuộn cán nóng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy thép trong nước, đây là mặt hàng mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Tuy nhiên, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt, nhận định thời gian tới nếu thuế nhập khẩu thép từ Nga về Việt Nam giảm theo hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh thuế quan (VCUFTA) thì chắc chắn các nhà sản xuất thép trong nước sẽ thêm phần khó khăn.

Theo ông Thái, khả năng số lượng thép Nga nhập vào Việt Nam tăng rất dễ xảy ra bởi Nga lâu nay vốn có lợi thế về sản xuất thép, có tổng sản lượng đứng thứ 5 toàn cầu (hơn 70 triệu tấn/năm), chi phí sản xuất thấp, nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, công nghệ cao hơn Việt Nam…

“Trước biến động mất giá của đồng tiền Nga cộng với những lợi thế từ hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan thì khả năng thép Nga nhập khẩu ồ ạt hơn và bóp nghẹt doanh nghiệp trong nước là điều hoàn toàn có thể xảy ra,” ông Thái quan ngại.

Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở Bình Thuận giảm giá để kéo khách Nga

Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở Bình Thuận đã giảm giá để kéo khách Nga trở lại. Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng kêu gọi các thành viên giảm giá thêm ít nhất 10% cho công ty du lịch để kéo khách.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết hàng loạt cơ sở lưu trú của tỉnh đã đồng ý giảm giá để công ty du lịch giảm giá tour cho khách.

Trước đó, một số khách sạn đã giảm giá nhưng vẫn chưa thể tạo được giá tour hấp dẫn để kéo khách đến trong tình hình đồng rúp mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ.

Khách Nga hiện chiếm khoảng một phần ba trong tổng số khách quốc tế đến Bình Thuận. Từ đầu năm đến nay, có khoảng hơn 100.000 lượt khách Nga đến địa phương này.
Trước đó, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng tính đến biện pháp giảm giá tương tự để đối phó với tình hình suy giảm của thị trường Nga.

Đào Loan

Nước Nga giữa cơn bão lạm phát

“Chúng ta sẽ chuyển sang uống sữa bột, ăn thịt nguội làm từ đậu nành thay thịt bò, đi xe nội địa và xài điện thoại Trung Quốc…” là viễn cảnh người Nga nghĩ tới.

http://www.thesaigontimes.vn/124445/Dong-rup-va-doanh-nghiep-Viet-Nam.html

Theo Văn Nguyệt Hùng/ Thời báo kinh tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm