Tỷ giá hối đoái giữa đồng ruble của Nga với USD và euro vào hôm 21/1. Ảnh: AP |
USNews cho biết, chiều 21/1, đồng ruble ở mức thấp nhất kể từ khi đổi tiền vào năm 1998. 1 USD đổi được 84,3 ruble. Tuy nhiên, Dmitri Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, cho biết tình hình không nghiêm trọng.
“Tôi sẽ không sử dụng từ ‘sụt giá’. Tỷ giá thực sự đang thay đổi nhưng chưa đến mức sụt giá”, Peskov nói. Ông cho biết, tổng thống Nga không có kế hoạch triệu tập cuộc họp khẩn cấp.
Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm, dưới 28 USD một thùng, đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của Nga. Theo AP, sự kiện quốc tế tuyên bố dỡ lệnh trừng phạt đối với Iran đồng nghĩa với tình trạng tăng nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu. Thực trạng này khiến đồng ruble liên tục xuống giá trong tuần này.
Hôm 19/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng nền kinh tế của Nga sẽ thu nhỏ 1% vào năm 2016 sau khi giảm 3,7% vào năm ngoái. Đồng ruble giảm hơn 1/2 giá trị của nó so với USD trong 2 năm qua.
Cũng trong hôm 21/1, ngân hàng trung ương Nga cho biết, họ đã thu hồi giấy phép của Vneshprombank, một trong 50 công ty cho vay hàng đầu của quốc gia này, sau khi tìm thấy bằng chứng không minh bạch. Các nhà điều tra sẽ cố gắng tìm ra số tiền còn thiếu. Chúng có thể đã được sử dụng ở Nga, châu Âu, Mỹ vào các lĩnh vực như bất động sản, cổ phiểu và siêu xe.
Theo AP, Vneshprombank là đơn vị giữ tiền cho các công ty nhà nước chính của Nga.
Việc đồng ruble mất giá cũng ảnh hưởng tới tiền tệ của một số quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ. 1 USD đổi được 21,564 ruble của Belarus, giảm 5,1% trong ngày và 14% tính từ đầu tháng 1.
Tại Kazakhstan, một nước sản xuất dầu thuộc Liên Xô cũ, 1 USD đổi được 383,91 tenge. Daniyar Akishev, người đứng đầu ngân hàng trung ương của Kazakhstan, cho biết, ông không mong đợi những cú sốc lớn đối với sự cân bằng trong thanh toán của đất nước kể từ khi “hầu hết những kịch bản tiêu cực đã xảy ra”.