Năng lượng vốn là một "lỗ hổng" trong mạng lưới trừng phạt kinh tế Nga. Khi các công ty khai thác dầu mỏ phương Tây hạn chế mua dầu thô của nước này, Nga đã giảm giá dầu để thúc đẩy giao dịch với các nước châu Á, nhằm ổn định lượng tồn kho, theo Nikkei Assia.
Vì vậy, nhiều nước châu Á đã tận dụng cơ hội này và tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Moscow, trong đó có cả những nước ủng hộ việc trừng phạt Nga như Hàn Quốc.
Điều này đã giúp Điện Kremlin thu về nguồn ngoại tệ lớn để vực dậy nền kinh tế.
Tăng cường nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga tính theo USD đã tăng 26% vào tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu được chính phủ công bố hôm 12/4.
Sự gia tăng này diễn ra ngay cả khi tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm 0,1% do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, gây cản trở hoạt động kinh tế.
Các container được xếp chồng lên nhau tại cảng Thanh Đảo, Trung Quốc. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đã tăng 26% trong tháng 3. Ảnh: Xinhua. |
Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Bắc Kinh vẫn luôn tránh các lệnh trừng phạt Nga, bất chấp nỗ lực gây sức ép của phương Tây. Với những căng thẳng địa chính trị đang âm ỉ trong khu vực, rõ ràng Trung Quốc không muốn gia tăng sự phụ thuộc về năng lượng vào các nước như Australia và Mỹ.
Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) Yu Baocai cũng từng khẳng định công ty của ông sẽ tiếp tục mua dầu và khí đốt từ Nga "để đảm bảo các nguyên tắc thương mại và quy định về thương mại quốc tế trong tương lai".
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải nước duy nhất nhập khẩu từ Nga nhiều hơn sau khi giao tranh nổ ra ở Ukraine.
Hàn Quốc, vốn được xem là một đồng minh tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng ghi nhận kim ngạch nhập khẩu từ Nga tăng 44% trong tháng 3.
Seoul phụ thuộc vào thương mại nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á, và giá nhiên liệu thô có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, nguồn nhiên liệu hóa thạch của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á hầu như hoàn toàn dựa vào nhập khẩu. Khí đốt và dầu của Nga chiếm 5-10% tổng kim ngạch nhập khẩu năng lượng của Hàn Quốc. Nga cũng là nhà cung cấp than lớn thứ hai của nước này, sau Australia.
Trước khi giao tranh nổ ra ở Ukraine, Hàn Quốc vốn đã tìm đến Nga để giảm sự phụ thuộc về năng lượng vào Trung Đông, theo South China Morning Post.
Việc các nước châu Á tăng cường nhập khẩu năng lượng Nga phơi bày một khoảng trống trong hệ thống lệnh trừng phạt. Từ trước khi xung đột nổ ra, các nước đã tiến hành đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, và điều này khiến sự phụ thuộc của họ vào khí đốt và dầu của Moscow ngày càng tăng.
Dòng ngoại tệ vẫn chảy
Xung đột ở Ukraine có thể đã thúc đẩy nhiều quốc gia nắm lấy cơ hội tiếp cận nguồn dầu thô với giá thấp. Nhiều nước cũng loại bỏ năng lượng khỏi các lệnh trừng phạt Nga.
Một nhân viên kiểm tra thiết bị tại một mỏ dầu ở Irkutsk, Nga. Ảnh: Reuters. |
Washington đã đóng băng tất cả tài sản của Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga có liên quan đến hệ thống tài chính Mỹ, đồng thời cấm các công ty Mỹ kinh doanh với Sberbank, nhưng ngoại trừ các giao dịch liên quan đến năng lượng.
Các quốc gia khác cũng coi Gazprombank - một ngân hàng Nga tập trung vào lĩnh vực năng lượng - là ngoại lệ trong các lệnh trừng phạt.
Xuất khẩu tài nguyên đã giúp Nga duy trì dòng ngoại tệ. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính nếu không có lệnh cấm vận năng lượng, Nga có thể thặng dư tài khoản vãng lai hơn 250 tỷ USD trong năm nay.
Dòng ngoại tệ cũng đã đẩy giá đồng rúp, giúp Moscow nhanh chóng vượt qua đợt khủng hoảng tiền tệ do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Nội tệ của Nga đã lao dốc kỷ lục, chỉ còn 150 đồng so với 1 USD vào ngày 7/3. Tuy nhiên, sau đó, tỷ giá đồng rúp đã bật tăng trở lợi mức trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự” tại Ukraine, và hiện dao động ở mức 80 đồng đổi lấy 1 USD.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang Nga dường như có sự khác biệt lớn giữa các nền kinh tế tham gia và không tham gia áp đặt lệnh trừng phạt. Các quốc gia từ chối áp đặt lệnh trừng phạt, đặc biệt là Trung Quốc, đang giúp Moscow duy trì khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang nước láng giềng chỉ giảm 8%, nhỏ hơn nhiều so với các nơi khác, có thể do các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây khiến việc thanh toán khó khăn hơn. Xuất khẩu của Brazil sang Nga thậm chí tăng 47%.
Ngược lại, Hàn Quốc đã ghi nhận mức giảm 56% kim ngạch xuất khẩu sang Nga trong tháng 3, và Đài Loan giảm 55%.