Các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ chụp ảnh lưu niệm tại Nhà Trắng trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN hồi tháng 5. Ảnh: ASEAN. |
Bên cạnh hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Đông Nam Á cũng là nơi diễn ra các hội nghị thượng đỉnh Đông Á (ở Phnom Penh, Campuchia ngày 8-13/11), thượng đỉnh G20 (ở Bali, Indonesia ngày 15-16/11), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) (ở Bangkok, Thái Lan ngày 18-19/11), Nikkei Asia đưa tin.
Các cuộc họp sẽ quy tụ nhà lãnh đạo từ những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Nga... Việc liên tiếp có nhiều hội nghị quốc tế được tổ chức tại một khu vực trong một tháng không phải điều thường gặp.
Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự các cuộc họp của ASEAN và thượng đỉnh G20, và Phó tổng thống Kamala Harris sẽ dự hội nghị APEC.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga vẫn chưa quyết định ai sẽ tham dự G20, sau khi có nhiều thông tin cho rằng Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin sẽ đến Indonesia nếu Tổng thống Vladimir Putin không tham dự, theo TASS.
Dù thành phần tham dự và nghị trình các hội nghị là khác nhau, các cuộc thảo luận được cho là sẽ tập trung vào tăng cường quan hệ kinh tế.
Trong khi G20 và APEC sẽ tập trung vào hợp tác kinh tế, hội nghị thượng đỉnh ASEAN cũng dự kiến nhấn mạnh vào vấn đề chính trị và an ninh, với nhiều thách thức khu vực và toàn cầu như tình hình Ukraine, căng thẳng trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo, chủ trì thượng đỉnh G20, hy vọng hội nghị sẽ thảo luận về giá năng lượng và lương thực tăng cao, vốn đang cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “ASEAN trong chiến lược nước lớn” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành. Cuốn sách phác họa bức tranh sống động trong quan hệ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương; những tính toán, điều chỉnh chính sách, cọ xát chiến lược của nước lớn ở khu vực này; những bước đi cần thiết cho một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.