Sáng 30/10, bên lề Hội thảo cơ chế đặc thù cho việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh khẳng định, sau khi đền bù, giải phóng mặt bằng, vấn đề lao động cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Về tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Vĩnh cho hay, từ 2016 đến 2018 giải phóng mặt bằng và tái định cư. Giai đoạn 2 từ 2019-2020 xây dựng Cảng HKQT Long Thành. Giai đoạn 3 sau năm 2023: khai thác cảng HKQT Long Thành.
Trong cả 3 giai đoạn, UBND tỉnh Đồng Nai đều điều tra, khảo sát để giải quyết việc làm cho người lao động cho những người bị thu hồi đất. Trong giai đoạn 2, một số ngành nghề người dân có thể được tư vấn, hướng nghiệp giới thiệu vào làm việc tại Cảng HKQT Long Thành như cơ khí, điện, nước, xây dựng...
Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh. Ảnh: Công Khanh. |
"Khi sân bay Long Thành đi vào khai thác, chúng tôi tiếp tục khảo sát, thu thập thông tin nhu cầu sử dụng lao động để có định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho người lao động để đào tạo nghề, giới thiệu người lao động vào làm việc theo nhu cầu từng vị trí công việc tại Cảng HKQT Long Thành" - ông Vĩnh nói.
Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai cho hay, theo tính toán về kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Cảng HKQT Long Thành, cần 4,5 năm để xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (gần 300 ha). Tuy nhiên, do tính cấp bách của dự án, nếu áp dụng phương thức chỉ định thầu thì chỉ cần thời gian khoảng 3 năm để tỉnh hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bước 1.
Xây dựng 2 khu tái định cư
Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai Đặng Minh Đức cho hay, tỉnh Đồng Nai đang nghiên cứu hai dự án xây dựng khu tái định cư có tổng vốn đầu tư gần 5.400 tỷ đồng ở phía bắc khu dự án Sân bay Long Thành và một dự án xây nghĩa trang.
Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn diện tích trên 282 ha với tổng vốn đầu tư gần 2.500 tỷ đồng, quy mô dân số khoảng 28.000 người.
Dự án thứ hai là khu dân cư phục vụ tái định cư Bình Sơn có diện tích gần 283 ha, có khả năng bố trí chỗ ở cho gần 5.500 hộ dân.
"Như vậy, UBND huyện Long Thành sẽ có điều kiện sớm xét duyệt và bàn giao cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bố trí tái định cư. Sớm giải quyết được nhu cầu bức xúc của người dân đã kéo dài hơn 10 năm nay" - ông Vĩnh cho hay.
Đồng tình với ý kiến của ông Vĩnh, tiến sĩ Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cũng đề xuất cần có cơ chế để người dân bị đền bù giải phóng mặt bằng có công việc phù hợp tại sân bay Long Thành.
Ông Phước cho rằng, khi sân bay Long Thành hoàn thành, nơi đây có thể trở thành một khu đô thị với hai dự án tái định cư lớn lên tới gần 600 ha. Vì vậy cần xây dựng nền tảng để biến những người nông dân Long Thành thành thị dân trong tương lai.
"UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT cần nghiên cứu sử dụng những nông dân đã rời bỏ ngôi nhà cũ, mảnh vườn cũ trở thành những công nhân, những người làm dịch vụ tại chính Cảng hàng không quốc tế này” – ông Phước nói.
Ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục việc làm, Bộ Lao động, thương binh & Xã hội đề nghị Cục Hàng không phải có phương án, phải có lộ trình sử dụng nhân lực trong Cảng HKQT Long Thành. Như vậy, Cục Việc làm mới có căn cứ để đào tạo nhân lực cho phù hợp.
Ông Trung cũng lưu ý phải có phương án ưu tiên nhận người lao động bị mất đất Long Thành vào làm việc tại sân bay.
Người dân có thể mua tín phiếu xây dựng sân bay Long Thành
Chuyên gia tài chính Trương Văn Phước khẳng định, ngân sách phải lo tạm ứng vốn để bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư và giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho người dân.
"Nhưng trong khi ngân sách khó khăn, UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT cần có đề án, giải trình cụ thể làm sao dòng tiền đền bù giải tỏa tương thích với nhu cầu thực tế. Tôi xin gợi ý phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm" - ông Phước nêu vấn đề.
Người dân tại khu vực xây dựng sân bay Long Thành đã hơn 10 năm sống trong cảnh nhà cửa dột nát, cuộc sống cầm chừng, việc đầu tư sản xuất đình trệ. Ảnh: Ngọc An. |
“Chúng ta nên phát hành một loại trái phiếu, tín phiếu sân bay Long Thành để chính người dân nhận đền bù có thể mua. Ví dụ anh được đền bù 5 tỷ, anh nhận 2 tỷ số tiền còn lại mua trái phiếu, tín phiếu” - ông Phước nêu ý tưởng.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch lưu ý, với dự án lớn như sân bay Long Thành cần xem xét các dạng đất khác nhau để có chính sách hỗ trợ phù hợp, công bằng.
Theo ông Trần Du Lịch, thời gian qua có rất nhiều người tới Long Thành đầu cơ đất, chờ đền bù, hỗ trợ. Nhưng cũng có nhiều người dân đang sống khốn khổ hơn 10 năm tại mảnh đất này.
"Vì vậy chính sách đền bù, hỗ trợ với người dân phải khác với dành cho các nhà đầu cơ. Đền bù và hỗ trợ cho người dân nhưng chỉ đền bù mà không nên hỗ trợ cho nhà đầu cơ. Vì có nhiều dự án, chi phí hỗ trợ còn lớn hơn cả đền bù (tạo việc làm, nhà tái định cư...). Có như vậy, người dân mới đồng thuận" - tiến sĩ Lịch nói.
Bày tỏ sự ủng hộ với kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, hiện, Bộ đã lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị tỉnh rà soát lại các luật liên quan, qua đó xây dựng lộ trình cụ thể gửi Bộ GTVT để xem xét xin chủ trương của Chính phủ.
Di dời gần 15.000 người
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) ra đời từ năm 2005. Sân bay này được quy hoạch trên diện tích 5.000 ha thuộc địa bàn 6 xã Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước (huyện Long Thành).
Năm 2005, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (cách TP HCM khoảng 40 km) được lập, với diện tích quy hoạch 5.000 ha nằm trên 6 xã của huyện Long Thành (Đồng Nai). |
Theo kế hoạch, có khoảng 4.500 hộ dân với trên 14.400 nhân khẩu buộc phải di dời, nhường mặt bằng cho dự án
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hơn 3.900 căn nhà người dân (tổng diện tích hơn 350.000 m2) nằm trong vùng quy hoạch sân bay Long Thành. Diện tích đất của các hộ dân hơn 3.000 ha (chiếm hơn 60% diện tích đất thu hồi của dự án), trong đó đất trồng cây hàng năm và lâu năm chiếm 95%.
Trong khu vực này có 3 nghĩa trang phải di dời với hơn 2.000 ngôi mộ. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ dự kiến trên 13.000 tỷ đồng; trong đó bồi thường, hỗ trợ về đất trên 6.680 tỷ đồng, nhà và vật kiến trúc trên 840 tỷ đồng.