Theo các chuyên gia, dù chi phí xây dựng khá đắt đỏ, nhưng việc tuyến metro nối với các tỉnh thành công sẽ tạo động lực để kết nối vùng, phát triển giao thông công cộng không chỉ TP HCM mà cả các tỉnh lân cận.
Giảm ùn tắc, tạo động lực phát triển
Ngày 16/4, UBND tỉnh Đồng Nai xác nhận đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT chấp thuận cho nghiên cứu, bổ sung kéo dài thêm tuyến metro số 1 từ Suối Tiên (quốc lộ 1) đến ngã tư Vũng Tàu với chiều dài 4,7 km.
Tỉnh này khẳng định đủ quỹ đất để bố trí tuyến đường sắt đô thị và nhà ga qua Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (gần ngã tư Vũng Tàu). Nếu dự án được chấp thuận sẽ thuận lợi vì Đồng Nai đã bố trí sẵn hành lang để làm dự án và khối lượng giải phóng mặt bằng không lớn.
Tuyến metro số 1 ở khu vực Suối Tiên. Đồng Nai và Bình Dương đề xuất kết nối từ đây để giảm áp lực giao thông . |
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Vĩnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, người ký văn bản kiến nghị - nói: “Hiện Biên Hòa có khoảng 1 triệu người. Người dân đi lại rất đông và thường qua lại giữa Đồng Nai - TP HCM nên thường xuyên ùn tắc giao thông.
Mong muốn của chúng tôi là đầu tư thêm metro để làm sao cho hạ tầng giao thông tốt hơn nhằm phục vụ việc đi lại của người dân được thuận lợi. Kéo dài được tuyến metro không những hiệu quả về giao thông mà còn tạo động lực để phát triển kinh tế của vùng”.
Sau khi Đồng Nai đề nghị làm metro, ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng đề nghị Bộ GTVT cho kéo dài tuyến metro số 1 thêm 1,8 km về phía Bình Dương (điểm cuối đến gần đường Mỹ Phước - Tân Vạn).
Ý kiến với Bộ GTVT, tỉnh Bình Dương giải thích khi Đồng Nai kiến nghị kéo dài tuyến metro số 1 thêm 4,7 km tới ngã tư Vũng Tàu thì văn phòng Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) tại TP HCM và liên danh NJPT (nhóm các công ty Nhật Bản và VN cùng tư vấn cho dự án đường sắt đô thị TP HCM) đã nghiên cứu về ưu, nhược điểm của kiến nghị này.
Nhóm tư vấn đã đưa ra hai phương án kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên để cơ quan có thẩm quyền lựa chọn. Một là kéo dài tuyến metro số 1 thêm khoảng 5 km từ nhà ga Suối Tiên, đi dọc xa lộ Hà Nội, vượt sông Đồng Nai rồi kéo dài tới ngã tư Vũng Tàu tại Đồng Nai (giống với phương án mà UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị).
Phương án hai là kéo dài tuyến metro số 1 thêm khoảng 1,8 km từ nhà ga Suối Tiên, vượt qua xa lộ Hà Nội để đến điểm cuối gần ngã ba Tân Vạn thuộc phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Bình Dương rục rịch chuẩn bị
Để chuẩn bị cho việc kết nối với tuyến metro TP HCM, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương, chủ đầu tư đường Mỹ Phước - Tân Vạn) cho biết, Bình Dương chi ra số tiền lớn để đầu tư đường Mỹ Phước - Tân Vạn và hệ thống giao thông công cộng dọc tuyến đường này sẽ tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư và phát triển các đô thị mà tuyến đường đi qua.
Sơ đồ hai phương án đề xuất của Đồng Nai và Bình Dương. |
Cụ thể, Bình Dương đã khởi công xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn với điểm đầu là Khu công nghiệp đô thị Mỹ Phước (Bình Dương) và điểm cuối là nút giao với xa lộ Hà Nội tại Tân Vạn (giáp TP HCM và Đồng Nai). Tổng chiều dài tuyến đường này là 26,5 km với vốn xây dựng 1.400 tỷ đồng.
Đây là những bước đi đầu tiên để chuẩn bị cho tuyến metro kết nối Bình Dương - TP HCM. Mặt khác, qua nghiên cứu đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ giúp giảm bớt 30% thời gian lưu thông hàng hóa, rút ngắn khoảng cách từ các nhà máy tới các cảng nước sâu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng như dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) sẽ được xây thời gian tới.
Trả lời vì sao Đồng Nai muốn kéo dài thêm tuyến metro 4,7 km còn Bình Dương chỉ muốn 1,8 km, một cán bộ quản lý của tỉnh Bình Dương nói: “Ngoài ý kiến của nhóm tư vấn, tỉnh cũng thấy rằng nếu kéo dài tuyến metro tới ngã tư Vũng Tàu tại Đồng Nai thì sau này Bình Dương triển khai làm metro sẽ rất khó kết nối vào đó.
Còn nếu lựa chọn kéo dài đến khu vực phường Bình Thắng sẽ tạo thuận lợi phát triển cả ba đô thị là TP HCM - Biên Hòa - TP mới Bình Dương”.
Về nguồn kinh phí để xây dựng metro TP HCM - Bình Dương như đề xuất, UBND tỉnh Bình Dương cho biết đang chuẩn bị các thủ tục kiến nghị Chính phủ vay vốn ODA của Nhật Bản để nghiên cứu và thực hiện.
Một cán bộ của Tokyu cho biết chưa thể đưa ra con số chính xác nhưng chắc chắn chi phí không nhỏ. Vì vậy, các chuyên gia Nhật Bản đang tư vấn cho Bình Dương theo hướng trước mắt dọc đường Mỹ Phước - Tân Vạn nên xây dựng xe buýt nhanh (BRT) để kết nối với TP HCM. Còn dự án metro sẽ triển khai sau khi tới thời điểm thích hợp.
Buýt nhanh TP HCM - Bình Dương: hơn 6.200 tỷ đồng
Trong khi vừa nghiên cứu phương án xây dựng metro nối TP HCM - Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương vừa nghiên cứu loại hình giao thông công cộng khác là xe buýt nhanh (BRT) chạy dọc đường Mỹ Phước - Tân Vạn với chi phí thấp hơn metro.
Trong báo cáo cuối kỳ dự án BRT, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất tuyến BRT TP HCM - Bình Dương sẽ dài tổng cộng 30,8 km, gồm 15 trạm dừng với điểm đầu là TP mới Bình Dương và cũng sẽ kết nối với hệ thống metro của TP HCM tại nhà ga Suối Tiên.
Theo đề xuất của JICA, tổng mức đầu tư của dự án từ 5.400 tỷ đồng tới hơn 6.200 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án sẽ được thực hiện từ năm 2018 - 2020 với mức đầu tư gần 1.600 tỷ đồng. Các đề xuất này của JICA vẫn đang được UBND tỉnh Bình Dương xem xét trước khi có quyết định chính thức.
Bộ Giao thông vận tải ủng hộ
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16/4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT ủng hộ đề xuất kéo dài tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên của UBND tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Trong nghiên cứu quy hoạch về các tuyến đường sắt đô thị của TP HCM trước đây đã xác định tuyến Bến Thành - Suối Tiên định hướng kéo dài đến các thành phố vệ tinh như Biên Hòa, Bình Dương.
Quyết định số 568 của Thủ tướng ban hành năm 2013 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 cũng thể hiện điều này.
Theo ông Đông, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời các địa phương về đề xuất kéo dài metro Bến Thành - Suối Tiên đến Bình Dương và Biên Hòa, đồng thời đề nghị các địa phương phối hợp với TP HCM và TP HCM chủ trì để nghiên cứu rồi chốt lại phương án kết nối, báo cáo Thủ tướng.
TP HCM phải chủ trì bàn bạc với các địa phương vì tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên xuất phát từ TP HCM, vấn đề liên quan tới quy hoạch của TP HCM thì thành phố này chủ trì. Còn Bộ GTVT phối hợp với các địa phương, cho đơn vị tư vấn nghiên cứu thẩm tra, thẩm định phương án đề xuất từ các địa phương.
Ông Đông cho biết để kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên thì về mặt kỹ thuật, việc kết nối qua các địa phương tại các ga không phải là vấn đề phức tạp.
“Đó là về mặt quy hoạch. Còn về mặt chuẩn bị đầu tư phải phụ thuộc vào nhu cầu tăng trưởng của vận tải để thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư tiếp theo. Đối với đường sắt đô thị thì đầu tư ở địa phương nào địa phương đó làm chủ đầu tư dự án, tổ chức huy động nguồn vốn để thực hiện chứ không phải vốn của trung ương” - ông Đông cho biết.