GDP Việt Nam năm 2020 tăng 2,91%, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020, nhưng thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới. Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chỉ ra 5 điểm sáng trong bức tranh tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 2020.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Bà Hương đánh giá mức tăng không quá cao nhưng thể hiện được vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo duy trì đời sống nhân dân ổn định.
“An sinh, an dân là nền tảng hết sức quan trọng cho sự phát triển kinh tế cũng như nguồn lực cho xuất khẩu trong thời gian vừa qua”, đại diện cơ quan thống kê khẳng định.
Công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế. Ảnh: Thế Anh. |
Thứ hai là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%.
Thứ ba, trong dịch bệnh, Việt Nam vẫn kết nối được với thế giới thông qua xuất khẩu, từ đó giúp hoạt động dịch vụ trong nước của Việt Nam giữ được sự ổn định và đột phá vào 6 tháng cuối năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước.
Năm 2020 cũng ghi nhận nỗ lực của hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.
Ngoài ra, Tổng cục trưởng Thống kê cho rằng vốn đầu tư toàn xã hội tăng là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của những năm tiếp theo trong nhiệm kỳ mới.