Tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2020 do Tổng cục Thống kê tổ chức chiều 27/12, Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, đưa ra lưu ý về cán cân xuất - nhập của của Việt Nam với một số đối tác lớn.
Theo đó, nếu phân tích 5 thị trường trao đổi thương mại lớn nhất với Việt Nam, thì xuất siêu chủ yếu đến từ Mỹ (62,6 tỷ USD), EU (20,3 tỷ USD), còn nhập siêu với Trung Quốc (35,4 tỷ USD), Hàn Quốc (27,6 tỷ USD) và ASEAN (6,9 tỷ USD).
Vị này đánh giá cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay có sự mất cân bằng nhất, cụ thể Việt Nam xuất khẩu là 76,4 tỷ USD và chỉ nhập khẩu 13,7 tỷ USD. Do đó, trong những năm tới, Việt Nam cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp Mỹ. Từ đó, thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh, thúc đẩy các dự án đầu tư và nhập khẩu nguyên vật liệu để cán cân thương mại của hai nước cân bằng hơn.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần có mục tiêu khai thác, nhập khẩu các sản phẩm có thế mạnh từ Mỹ như năng lượng, nông sản, máy móc thiết bị... để đảm bảo xuất nhập khẩu bền vững và hài hòa lợi ích giữa hai nước.
Lưu ý thêm, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết trong bối cảnh Mỹ đang có những cảnh báo về việc hạn chế xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, hoạt động xuất nhập khẩu phải xem xét, cân đối, hài hòa lợi ích giữa hai nước. Đồng thời, chứng minh được giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD.
Đại diện Tổng cục Thống kê thông tin 2020 là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. “Đây được xem là điểm sáng, đóng góp tích cực đến nền kinh tế của Việt Nam năm 2020. Đồng thời, sẽ tác động đến tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối trong bối cảnh Việt Nam cần nguồn lực để chuẩn bị cho việc phục hồi kinh tế hậu Covid-19”, ông Phong nói.
Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, với con số xuất siêu 19,1 tỷ USD, Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế từ việc ký kết các hiệp định quốc tế và đặc biệt là EVFTA. Nhiều sản phẩm của Việt Nam vươn lên và đáp ứng được những thị trường khó tính.
Bên cạnh những điểm sáng, ông Phong lưu ý trong bức tranh tổng thể của tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam, khu vực FDI đạt tăng trưởng dương cả xuất lẫn nhập khẩu (lần lượt tăng 9,7% và 13%), trong khi xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước lại âm 1,1%, còn nhập khẩu âm 10%.
Trong đó, hàng tư liệu sản xuất; máy móc thiết bị, dụng cụ phương tiện vận tải, phụ tùng; nguyên, nhiên vật liệu đều giảm. Từ đó, có thể thấy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục bị tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Việt Nam xuất siêu năm thứ 5 liên tiếp. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Về tác động của EVFTA đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU từ tháng 8 (thời điểm EVFTA bắt đầu có hiệu lực) đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái, trừ tháng 11. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của tháng 8 tăng 4,2%, tháng 9 tăng 8,7%, tháng 10 tăng 6,3% và tháng 12 tăng 3,9%.
Cơ quan thống kê đánh giá doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu tận dụng được lợi thế của EVFTA, nhiều mặt hàng xuất sang EU được giảm thuế ngay về 0% hoặc được giảm thuế theo lộ trình, từng ngành hàng. Một số mặt hàng có lợi thế gồm giày dép, gỗ và các sản phẩm gỗ, thủy sản.