Nguồn khí đốt - vốn từ Nga chảy về phía Tây đến các nước châu Âu thông qua đường ống Yamal - đã bị đảo ngược tại một đoạn đường ống ở biên giới giữa Đức và Ba Lan trong ngày 7/4, theo dữ liệu của công ty vận hành đường ống Gascade.
Điều này đến từ việc các đơn vị (ở châu Âu) ngừng nhập thêm khí đốt trong ngày.
Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua các đường ống tại Ukraine, với lưu lượng vận chuyển 105,4 triệu m3 ngày 7/4, giảm so với con số 108,4 triệu m3 một ngày trước đó, theo Interfax.
Lượng khí đốt chảy đến Slovakia cũng giảm công suất, từ 968.186 MWh/ngày xuống còn 936.935 MWh/ngày trong ngày 7/4, theo Reuters.
Trong khi đó, lượng khí đốt chảy đến Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 không có nhiều thay đổi trong ngày 7/4. Đức là nước đang chịu nhiều sức ép khi phần lớn năng lượng tiêu thụ được nhập từ Nga.
Tuyến đường ống Yamal dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu. Ảnh: Euractiv. |
Thị trường khí đốt lo ngại việc Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu, khi phương Tây tăng cường trừng phạt Moscow vì tấn công Ukraine. Do đó, các nước Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập từ Nga.
Phần Lan sẽ cùng Estonia thuê một kho dự trữ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm ngưng phụ thuộc vào khí đốt Nga. Năm 2019, khí đốt Nga nhập khẩu vào Phần Lan chỉ chiếm 5% tổng năng lượng tiêu thụ của nước này.
Lithuania đã tuyên bố ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga. Nước này từ lâu đã coi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga là “mối đe dọa”, nên đã chuẩn bị kế hoạch hàng thập kỷ để thoát khỏi tình cảnh này.
EU chưa áp đặt trừng phạt dầu và khí đốt Nga, nhưng sẽ thông qua lệnh cấm nhắm vào than đá nhập khẩu từ Moscow, có hiệu lực vào tháng 8.
Ngoài ra, chưa rõ liệu có bao nhiêu nước EU sẽ đồng ý với yêu cầu mua khí đốt Nga bằng đồng rúp.
Hungary trong ngày 6/4 đã trở thành nước EU đầu tiên nói rằng sẵn sàng thanh toán bằng đồng tiền Nga.