Ông Christian Lindner cho hay động thái cắt giảm khí đốt nhập khẩu từ Nga như một biện pháp để trừng phạt Moscow có thể sẽ gây nhiều thiệt hại, AFP đưa tin.
"Chúng tôi phải cắt mọi mối quan hệ kinh tế với Nga, nhưng hiện tại, không thể cắt nguồn cung cấp khí đốt. Chúng tôi cần một thời gian", ông Lindner nói khi đến hội đàm với các nước trong khu vực đồng euro ở Luxembourg.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết Liên minh châu Âu (EU) chưa thể cắt giảm việc nhập khẩu khí đốt từ Nga. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 2/4 cũng cho biết nước này vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga trong thời gian nhất định, song cũng sẵn sàng cho mọi kịch bản.
Ông cho hay các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đang khiến Đức phải trả giá bằng sự thịnh vượng. Dù vậy, trong mọi trường hợp, vào mùa thu hoặc mùa đông tới, Đức sẽ sẵn sàng độc lập với nguồn cung cấp nguyên liệu thô của Nga.
Trước đó, vào cuối tháng 3, Bộ trưởng Habeck cảnh báo sớm về khả năng Nga cắt nguồn cung khí đốt vì các lệnh trừng phạt của phương Tây và thông báo kích hoạt giai đoạn đầu trong kế hoạch khẩn cấp ứng phó tình huống cạn kiệt năng lượng. Theo kế hoạch này, các hộ gia đình và bệnh viện Đức sẽ được ưu tiên phân bổ khí đốt hơn doanh nghiệp trong trường hợp nguồn cung bị hạn chế.
Lãnh đạo các doanh nghiệp và nghiệp đoàn Đức từng chia sẻ bất cứ gián đoạn nào với nguồn cung khí đốt có thể sẽ tàn phá nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn chưa hồi phục hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hậu Covid-19.
Dù Đức tuyên bố giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, lượng khí đốt từ nước này vẫn chiếm 40% tổng nguồn cung của Berlin, giảm từ mức 50% trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra. Bộ trưởng Habeck thừa nhận Đức khó tìm đủ nguồn thay thế khí đốt Nga tới giữa năm 2024.
Chính phủ Đức đang cân nhắc rất kỹ để "ngăn chặn những thiệt hại lớn hơn”. Theo ông Habeck, một "gói phục sinh" sẽ được đưa ra thảo luận tại Nội các Đức. "Gói phục sinh" về bản chất là gói năng lượng tái tạo hướng tới sự độc lập và an ninh năng lượng cho Đức.
Điều này bao gồm việc sửa đổi sâu rộng đối với đạo luật về các nguồn năng lượng tái tạo (EEG), tạo động lực để người dân mở rộng nguồn điện tái tạo từ chính hệ thống năng lượng Mặt Trời lắp đặt trên mái nhà hay trang trại điện gió.
Các đơn vị cung cấp năng lượng chính của Đức những ngày qua cảnh báo không thể loại trừ nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các quốc gia "kém thân thiện" thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Các bộ trưởng trong nhóm G7 từ chối làm điều này với lý do đây là hành động đơn phương và "vi phạm thỏa thuận sẵn có". Trong khi đó, Điện Kremlin thông báo Nga sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí và "khó làm từ thiện với các khách hàng châu Âu trong tình thế hiện nay".