Chị Nguyễn Thúy Quỳnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội), đầu mối chuyên nhận hàng xách tay về Việt Nam cho biết, nhờ EUR mất giá, lượng khách đặt hàng Âu tăng mạnh. Lượng tăng chủ yếu tập trung ở khách đặt buôn.
Bên cạnh đó, nhiều khách có thói quen mua hàng Mỹ, Anh đã chuyển hướng sang các web tính giá theo EUR. Nguyên nhân, theo chị Quỳnh, là tỷ giá EUR/VND xuống thấp, giá hàng châu Âu về Việt Nam rẻ hơn hàng Mỹ và hàng nhập khẩu trong nước.
Hiện tại, địa chỉ này nhận mua hộ và chuyển hàng Âu - Việt với tỷ giá 25.500 đồng/euro. Tại nhiều đầu mối vận chuyển hàng xách tay tại Hà Nội, mức quy đổi này đang được áp dụng phổ biến. So với trong ngân hàng, tỷ giá trên chênh hơn 2.000 đồng.
Xu hướng mua sắm hàng hiệu của các tín đồ đặt hàng nước ngoài đang thay đổi khi đồng euro mất giá. |
Từ cuối năm 2013, giá euro bán ra thường cố định khoảng 29.000 đồng. Trong năm 2014, đồng tiền này liên tục mất giá. Đà giảm sâu nhất là 3 tháng đầu năm nay, tỷ giá EUR/VND đã mất tới hơn 13% so với tháng 12/2014. Ngày 24/3, quy đổi trong ngân hàng chỉ còn hơn 23.000 đồng/euro.
Chị Thu Hà (Văn Quán, Hà Nội) vừa chuyển khoản đặt mua chiếc quần bò Zara tại website Tây Ban Nha với giá 29,95 EUR (khoảng 670.000 đồng). Chị Hà so sánh, ngay cả khi không mua chiếc quần trên ở "quê hương" thương hiệu mà mua tại Đức hay Pháp với giá cao hơn, 39,95 EUR (khảng hơn 1 triệu đồng), sản phẩm vẫn rẻ hơn mẫu cùng loại ở Mỹ giá 59.90 USD (1,3 triệu đồng).
"Ngoài giá sản phẩm, tôi phải chịu thêm phí mua hộ và công vận chuyển về Việt Nam nhưng thường các khoản phí này không chênh lệch nhiều giữa Âu hay Mỹ. Cách đây vài tháng, tỷ giá các nhà order (nhận xách tay - PV) vẫn áp là 28.000 đồng/EUR. Tính ra, mua chiếc quần trên theo tỷ giá mới, ít cũng rẻ hơn cả trăm nghìn", chị cho biết.
Là đầu mối chuyên nhập buôn hàng hiệu về nước bán, chị Thanh Ngọc (Đội Cấn, Hà Nội) đang tranh thủ cơ hội đồng EUR mất giá để "ôm hàng". Chị cho biết, ở Đức, tuy giá cả các mặt hàng hóa mỹ phẩm, thời trang quốc tế chưa có nhiều biến động song hàng tiêu dùng thiết yếu nội địa đã tăng nhẹ.
"Nhập hàng thời điểm này vừa có lợi về giá, vừa chủ động nguồn hàng trong thời gian tới. Tôi nghĩ không sớm thì muộn, giá bán lẻ hàng hiệu sẽ được các hãng điều chỉnh tăng để cân bằng quyền lợi cho các đại lý chính hãng ở nhiều nước ngoài châu Âu", chủ shop chia sẻ.
Khác với xu hướng tiêu dùng tại Hà Nội, chủ một đầu mối nhập buôn hàng hiệu tại TP HCM cho biết, đồng EUR mất giá không gây nhiều xáo trộn thời điểm này. Chủ buôn lý giải, thực tế hàng châu Âu nếu mua tại chỗ thì rẻ, nhưng cộng các chi phí về Việt Nam thường cao vượt so với Mỹ.
Ví dụ, cùng loại nước hoa nhưng giá hàng Âu về Việt Nam tính ra cao hơn Mỹ 20-30%. Mặt khác, người dân TP HCM khá chuộng hàng Mỹ nên các chủ buôn cũng không hứng thú ôm hàng. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm nhiều hãng tại các thị trường ngoài châu Âu đang thực hiện đợt giảm giá mạnh. Tính ra, mua hàng khuyến mại vẫn lợi hơn gom hàng vì tỷ giá.
Doanh nhân Lê Hoài Anh, "bà trùm" hàng hiệu cho rằng, đồng EUR mất giá là cơ hội cho các hãng nhập khẩu triển khai nhiều chương trình tốt tới khách hàng. Các đơn vị có thể tranh thủ nhập lượng lớn sản phẩm bán chạy từ châu Âu, đáp ứng nhu cầu khách.