Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ túi Hermès tiền tỷ đến sự đổ bộ của hàng hiệu về Việt Nam

Một chiếc thẻ thanh toán đa năng, những mối quan hệ trong nhóm vận chuyển và uy tín là những điều cần thiết để một đầu mối hàng hiệu xách tay về Việt Nam có thể sống khỏe.

Mức giá tiền tỷ của những chiếc túi Hermès được hé lộ trong bài phát biểu của GS. Tương lai tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được trích đăng gần đây. Nội dung nói về câu chuyện doanh nghiệp Việt nhập về lô 4 chiếc túi xách nhãn hiệu Hermès với giá 300.000 USD (tương đương 1,6 tỷ đồng/chiếc) nhưng được mua ngay sau đó mấy ngày, dù doanh nghiệp không bán lẻ. Câu chuyện nói trên cho thấy sức hút của dòng túi xa xỉ tại Việt Nam. Những câu hỏi về giá trị thật của chiếc túi này, hay mối liên hệ của nó với những món hàng hiệu khác đổ bộ về Việt Nam cũng được không ít người đặt ra. 

Là tên tuổi hàng hiệu nổi tiếng thế giới và được nhiều người Việt săn đón, nhưng chính sách bán hàng và cung ứng không cho phép Hermès trở thành nguồn thu lợi chính của các đầu mối xách tay. Bù lại, với nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng, cũng như sự thiếu thông tin và bất cập của thị trường phân phối, nghề bán hàng hiệu xách tay vẫn đang thu hút một lượng lớn người tham gia, và từng bước trở thành kênh mua hàng chính cho những "con nghiện hàng hiệu" Việt.

Vốn là một đầu mối hàng xách tay có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường này, chị Vi Thảo, ngụ tại TP.HCM bật mí về cách thức hàng hiệu nước ngoài được "đổ" về Việt Nam. "Một số nhãn hiệu bán hàng qua mạng, như Mỹ, không chấp nhận địa điểm nhận hàng tại Việt Nam. Khi ấy, đầu mối thường mở một chiếc thẻ American Express - loại thẻ được chấp nhận thanh toán phổ biến trên thế giới - sau đó đặt mua hàng và ship về một địa điểm tại Mỹ".

Giá quá đắt khiến cho những sản phẩm hàng hiệu cao cấp không phải là nguồn hàng chính của những đầu mối xách tay. Trong khi hàng hiệu trung cấp và bình dân lại thường được phân phối qua kênh này.
Giá quá đắt khiến cho những sản phẩm hàng hiệu cao cấp không phải là nguồn hàng chính của những đầu mối xách tay. Trong khi hàng hiệu trung cấp và bình dân lại thường được phân phối qua kênh này.

Từ đây, hàng sẽ được đóng gói theo kiện để chuyển về Việt Nam qua đường hàng không. Khi đủ kiện 3 - 10 kg, phía Mỹ sẽ chuyển về ngay, theo lịch đặt trước trong tuần của đầu mối. Chi phí, lợi nhuận sẽ được ăn chia ngay trên mỗi kiện hàng được chuyển về thành công.

Tuy nhiên, cách mua này chỉ áp dụng với các mặt hàng giá trị không cao, thường rơi vào dòng hàng hiệu bình dân. Còn nếu có khách đặt, hoặc đầu mối mua được một sản phẩm cao cấp hẳn, thông thường đầu mối sẽ nhờ vận chuyển xách tay trực tiếp. "Người quen, tiếp viên hàng không là những người chuyển đồ xách tay loại này. Số lượng hàng về kiểu này không nhiều, vì không phải lúc nào cũng có người có cùng lịch trình bay như thế, nhất là tại các nước như Mỹ, châu Âu", chị Vi Thảo cho hay.

Để chủ động được nguồn hàng, phần lớn đầu mối đều có chân rết săn hàng khuyến mãi tại các thị trường nước ngoài. Tới mỗi mùa khuyến mại, giảm giá, các chân rết này tỏa đi khắp các trung tâm thương mại hoặc phố hàng hiệu để mua những món đồ giảm giá. "Hàng giảm giá ở nước ngoài những lại là của hiếm ở Việt Nam, chất lượng tốt, và đầu mối sẽ ăn chênh được nhiều nhất. Đây cũng là nguồn kiếm tiền chính cho các chủ buôn hàng xách tay", chị Hương Nguyễn, một đầu mối hàng xách tay ở Hà Nội chia sẻ.

Với những người làm nghề buôn hàng xách tay, hệ thống phân phối của hãng hay các trung tâm hàng hiệu tại Việt Nam không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. "Thị trường Việt Nam còn có quá nhiều khe hở, hàng bán tại nơi phân phối và ngay cả trung tâm thương mại cũng rất dễ là hàng nhái, hàng trộn. Khách hàng nếu biết mối thì thậm chí có thể tin vào hàng xách tay hơn cả hàng có giá niêm yết bày trong tủ kính. Chỉ đơn giản là một đôi giày hàng hiệu, phía đại lý phân phối có thể bán với giá 280 USD, nhưng mình chỉ chuyển cho khách giá 180 USD mà vẫn có lãi, trong khi hàng đẹp, chất lượng hơn. Uy tín chính là cách để các đầu mối sống được lâu dài trong nghề này", chị Thảo khẳng định.

 

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm